Mới đây, Uniqlo công bố sẽ mở cửa hàng quy mô lớn ở trung tâm thương mại Saigon Centre (quận 1, TP.HCM) trong mùa xuân hè năm nay. Với diện tích bán hàng hơn 3.000 m2, đây sẽ là một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng thương hiệu sau 2 năm có mặt ở thị trường Việt Nam.
Bán lẻ hồi phục, thương hiệu mở cửa hàng lớn
Chia sẻ với Zing, ông Osamu Ikezoe - COO Uniqlo Việt Nam - cho biết cửa hàng này sẽ mang đến cho khách hàng những sản phẩm và trải nghiệm chưa từng có, đồng thời để khách hàng hiểu được ý nghĩa của từng sản phẩm.
"Chúng tôi tìm hiểu thị trường Việt Nam từ năm 2017. Khi đó, tôi đã cảm thấy Saigon Centre là một trong những vị trí rất đắc địa và tiềm năng. Tôi đã luôn tìm một thời điểm để khi cửa hàng này mở ra sẽ tạo được tiếng vang và có sự khác biệt với cửa hàng đầu tiên ở Đồng Khởi", ông tâm sự.
Uniqlo quảng bá cho một sự kiện mới đây tại Saigon Centre. Ảnh: Uniqlo. |
Ông cho biết sau khi TP.HCM gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, lượng khách hàng đến mua các sản phẩm của hãng thời trang Nhật Bản này rất cao, kể cả ngày thường lẫn cuối tuần. Do đó, ông tự tin về thị trường TP.HCM trong thời gian tới và cho rằng mùa xuân hè năm nay sẽ là thời điểm thích hợp để khai trương cửa hàng Saigon Centre.
"Saigon Centre 2-3 năm trước rất đông khách, tôi kỳ vọng sau khi cửa hàng của chúng tôi đi vào hoạt động, lượng khách sẽ đông trở lại như vậy, thậm chí gấp đôi, gấp ba lúc trước", ông Osamu Ikezoe nhấn mạnh.
Cửa hàng quy mô lớn dường như cũng đang là xu hướng chung trong ngành thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện... sau khi Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Cửa hàng flagship mới khai trương của Công Trí trên đường Đồng Khởi. Ảnh: CONG TRI. |
Điển hình là cửa hàng flagship của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí tại khách sạn Continental, ngay trên mặt tiền phố hàng hiệu Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM). Các cửa hàng CONG TRI trước đó cũng được đặt tại những vị trí đắc địa như Lê Thánh Tôn (quận 1) hay Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) với phong cách thiết kế sang trọng.
Hay gần đây, chuỗi cửa hàng mẹ và bé Con Cưng cũng khai trương "super center" đầu tiên ở quận 1, TP.HCM với diện tích 2.000 m2. Doanh nghiệp đặt mục tiêu mở rộng mô hình này đến nhiều quận, huyện, cứ 2-3 quận sẽ có một cửa hàng quy mô lớn. Ngay sau Tết Nguyên đán, hệ thống lại có thêm 2 cửa hàng ở quận 5 và Phú Nhuận.
Các chuỗi bán lẻ trong và ngoài nước khác như Muji, Thế giới Di động, AB Beauty World, RitaVõ... cũng liên tục mở điểm bán mới với diện tích không hề nhỏ.
Miếng bánh doanh thu tiềm năng
Trao đổi với Zing, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận mặt bằng bán lẻ tại Savills TP.HCM, cho rằng các thương hiệu thời trang nhanh vẫn sẽ giữ nguyên diện tích cửa hàng quy mô lớn để đảm bảo đủ trưng bày sản phẩm.
Còn các mô hình cửa hàng đa thương hiệu với quy mô diện tích từ 350-1.000 m2 dự kiến vẫn sẽ mở rộng nhờ vào thế mạnh đa dạng về hàng hóa, giá cả... đem lại một điểm đến tích hợp cho người tiêu dùng.
Do đó, xu hướng mở cửa hàng lớn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong năm nay. Chiến lược này càng được thúc đẩy bởi sức tiêu dùng nội địa Việt Nam đang ngày càng lớn và ổn định.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận mặt bằng bán lẻ tại Savills TP.HCM. |
"Việt Nam đang trở thành miếng bánh doanh thu tiềm năng cho một vài ngành bán lẻ như chăm sóc sức khỏe, mẹ và bé, thời trang, thể thao, ẩm thực... Điều này thúc đẩy các nhà bán lẻ mở rộng thêm chi nhánh cửa hàng, không gian trải nghiệm, bao phủ rộng khắp các quận để hấp thụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng", bà Quyên nhấn mạnh.
Mặt khác, bà cho biết các tập đoàn bán lẻ lớn vẫn đang âm thầm đem thêm thương hiệu quốc tế mới về thời trang, phong cách sống, phụ kiện và đồ chuyên dụng thể thao ngoài trời..., chọn lựa mặt bằng và sắp khai trương tại Việt Nam trong năm nay, hứa hẹn các yếu tố làm phục hồi và vực dậy sức sống của thị trường tiêu dùng trẻ.
Bên cạnh đó, các thương hiệu quốc tế đã quan tâm Việt Nam từ những năm 2019 nhưng bị trì hoãn do ảnh hưởng của Covid-19 bao gồm nhóm mỹ phẩm, phụ kiện, siêu thị... cũng đang khởi động lại kế hoạch ra mắt sau khi các chuyến bay quốc tế được khai thác lại tại Việt Nam trong năm nay.
Theo phân tích, nhu cầu mở rộng chuỗi cửa hàng của các thương hiệu đang ngấm ngầm diễn ra kéo theo thị trường thuê bất động sản thương mại dần sôi động. Do mới thâm nhập, yêu cầu về mặt bằng thuê đầu tiên cũng khắt khe hơn về vị trí, diện tích, khả năng trưng bày, độ nhận diện thương hiệu..., do đó các mặt bằng tại quận trung tâm hoặc các trung tâm thương mại lớn, nổi tiếng lâu đời đang khan hiếm.
Mô hình bán lẻ quy mô lớn cũng đi kèm nhiều gánh nặng về giá thuê, chi phí đầu tư cửa hàng và vốn mua hàng hóa
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận mặt bằng bán lẻ tại Savills TP.HCM
Mặc dù có những điểm mạnh về trải nghiệm cho khách hàng, bà Phương Quyên nhấn mạnh mô hình bán lẻ quy mô lớn cũng đi kèm nhiều gánh nặng về giá thuê, chi phí đầu tư cửa hàng và vốn mua hàng hóa.
Vì vậy, các doanh nghiệp phải nghiên cứu dữ liệu thị trường và tiềm năng tiêu thụ kĩ lưỡng trước khi ra quyết định đặt vị trí một cửa hàng, kế hoạch rõ số lượng chuỗi cửa hàng bao nhiêu là đủ để chia sẻ lượng khách hàng tốt nhất mà không bị lấn át doanh số của nhau.