Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các hãng công nghệ quyên góp cho nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

Apple và Google ủng hộ hoạt động cứu trợ, trong khi Amazon vận chuyển nhu yếu phẩm từ Istanbul đến các khu vực chịu thiệt hại sau động đất.

Một kiện hàng cứu trợ của Amazon. Ảnh: Amazon.

Sundar Pichai, CEO Alphabet - công ty mẹ của Google, cho biết đã kích hoạt tính năng cảnh báo khẩn cấp (SOS) để gửi thông tin cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Theo mô tả của Google, cảnh báo SOS giúp người dân tại khu vực khủng hoảng nắm bắt thông tin quan trọng của chính quyền địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế. Thông tin bao gồm số điện thoại, website, bản đồ, những câu giao tiếp cơ bản bằng nhiều ngôn ngữ và một số thông tin khác.

Trên trang Twitter cá nhân, Pichai cho biết tổ chức từ thiện Google.org và nhân viên Google cũng sẽ quyên góp cho hoạt động cứu trợ và cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

CEO Tim Cook của Apple cũng gửi lời chia sẻ đến người dân Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất thảm khốc.

"Apple sẽ quyên góp cho hoạt động cứu trợ và cứu nạn", Cook viết trên Twitter.

Andy Jassy, CEO Amazon cho biết công ty đã lên kế hoạch gửi nhu yếu phẩm, lều, thức ăn cho trẻ em, thuốc đến Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.

"Chúng tôi đang kích hoạt mạng lưới giao hàng và hậu cần của Amazon để nhanh chóng vận chuyển các mặt hàng cứu trợ như chăn, lều, máy sưởi, thức ăn, tã, thực phẩm trẻ em và thuốc đến những người cần chúng", Jassy chia sẻ.

Dong dat Tho Nhi Ky anh 1

CEO Sundar Pichai của Alphabet gửi lời chia sẻ đến người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Trả lời TheStreet, phát ngôn viên Amazon Patrick Malone xác nhận lượng hàng quyên góp đã được vận chuyển từ ngày 7/2.

"Xe tải tiếp tế đầu tiên đã rời cơ sở của chúng tôi tại Istanbul sớm hơn dự kiến, đang trên đường đến Hatay và khu vực bị ảnh hưởng. Những nhóm tiếp ứng đầu tiên vẫn trong giai đoạn cứu hộ, do đó chúng tôi chưa thể nhận báo cáo đầy đủ về nhu cầu sử dụng nhu yếu phẩm", Malone chia sẻ.

Amazon cho biết có khoảng 2.000 nhân viên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Không có cơ sở hay chi nhánh của công ty bị ảnh hưởng bởi động đất.

Do thời tiết tại Thổ Nhĩ Kỳ lạnh giá, đại diện Amazon cho rằng những mặt hàng có nhu cầu cao bao gồm chăn, lều, bạt và máy sưởi. Công ty sẽ đáp ứng ngay khi nhận yêu cầu viện trợ.

"Việc gửi hàng lập tức chỉ là bước đầu trong các phản ứng của Amazon. Những ngày tới, chúng tôi sẽ làm việc với các tổ chức địa phương, nhóm cứu trợ để xác định nhu cầu, sử dụng mạng lưới giao hàng và hậu cần để đáp ứng", Abe Diaz, lãnh đạo chương trình cứu trợ thảm họa của Amazon cho biết.

Elon Musk cũng có nhã ý hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất. Trên Twitter, vị tỷ phú cho biết công ty khai phá không gian SpaceX có thể kích hoạt dịch vụ Internet vệ tinh Starlink nếu được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận.

Đại diện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gửi lời cảm ơn đến Musk, nhưng từ chối nhận hỗ trợ do quốc gia này có đủ hạ tầng cần thiết.

Theo The National News, cơ sở hạ tầng quan trọng tại khu vực phía nam Thổ Nhĩ Kỳ bị tàn phá nặng sau trận động đất 7,8 độ và dư chấn. Tuy nhiên, quan chức nước này cho biết vẫn đủ nguồn lực để duy trì kết nối Internet.

Đây không phải lần đầu Musk ngỏ lời hỗ trợ các quốc gia gặp khủng hoảng. Năm 2021, chính phủ Ukraine đồng ý sử dụng Starlink để duy trì Internet. Starlink cũng kích hoạt dịch vụ tại Iran từ tháng 10/2022 sau cuộc biểu tình chống chính phủ.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Ảnh vệ tinh tiết lộ tâm chấn động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

Các hệ thống vệ tinh được kích hoạt để chụp ảnh động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhưng gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm