Ngày 26/11, tại hội thảo Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức, đại diện các hãng hàng không Việt đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để đưa ngành vượt qua đại dịch Covid-19.
Vietnam Airlines muốn dừng cấp phép máy bay, hãng bay mới
Tham gia hội thảo, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ về những khó khăn của ngành hàng không toàn cầu nói chung cũng như của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Tiến Hoàn, Phó Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines, đại dịch đã khiến doanh thu năm 2020 của hãng ước tính giảm hơn một nửa so với 2019, lỗ hợp nhất khoảng 15.000 tỷ đồng, thâm hụt dòng tiền khoảng 15.000 tỷ.
Vietnam Airlines đưa ra nhiều kiến nghị để vực lại ngành hàng không Việt, bao gồm bỏ trần giá vé, tạm dừng cấp phép máy bay mới, hãng bay mới cho tới khi thị trường phục hồi. Ảnh: Việt Linh. |
Vị này cũng chia sẻ việc các hãng hàng không Việt cùng đổ tải vào thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường bay quốc tế đóng cửa đã khiến các bên đều gặp khó. Cụ thể, việc cung vượt cầu tại thị trường nội địa đang khiến giá vé xuống đáy, doanh thu từ thị trường nội địa không khả quan dù lượng chuyến bay là lượng khách nội địa đều phục hồi về mức trước dịch.
Bên cạnh đó theo ông Hoàn, lượng chuyến bay nội địa tăng mạnh cũng là áp lực đè lên hạ tầng hàng không vốn đang quá tải, bao gồm nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh. Việc hạ tầng không đảm bảo, theo đại diện Vietnam Airlines, vừa uy hiếp an toàn bay, vừa tăng thêm chi phí khai thác cho các hãng bay do chậm chuyến, hủy chuyến.
Đại diện Vietnam Airlines cũng đưa ra nhiều kiến nghị tới Chính phủ và cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngành hàng không vượt qua dịch Covid-19 như tiếp tục duy trì giảm phí cất hạ cánh, phí đậu đỗ máy bay, thuế môi trường với nhiên liệu bay.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn mong muốn trần vé máy bay được gỡ bỏ, giúp các hãng hàng không linh hoạt hơn trong việc đưa ra các mức giá vé. Hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ tạm ngừng cấp phép cho hãng bay mới và cấp phép cho các hãng bay biên chế thêm máy bay mới.
"Nếu các hãng muốn biên chế máy bay mới thì phải có kế hoạch giảm biên chế lượng máy bay cũ tương ứng", ông Hoàn đại diện Vietnam Airlines đề xuất.
Vị này cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế với 7 quốc gia có công tác chống dịch Covid-19 tốt bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia và Thái Lan.
Vietjet Air và Bamboo Airways mong tiếp cận ưu đãi tài chính
Cũng tại sự kiện, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, chia sẻ về khó khăn mà hãng bay đang gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch. Vị này cho biết dù nỗ lực đàm phán cùng các đối tác, cắt giảm tối đa các chi phí, hỗ trợ về thanh khoản vẫn là điều mà doanh nghiệp đang mong mỏi.
Bà Phương cho hay trong 2-3 năm tới, các doanh nghiệp hàng không trong nước đều gặp khó về thanh khoản, vì vậy Vietjet kiến nghị được các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi trong vòng 3-5 năm. Có thể chỉ định 2 ngân hàng Nhà nước có tiềm lực mạnh cùng tham gia hỗ trợ. Hãng bắt đầu trả nợ và lãi trong vòng 3 năm, kể từ 2023-2025.
Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền do dịch Covid-19, đại diện các hãng hàng không tư nhân đều kiến nghị được vay ưu đãi tương tự khoản mà Vietnam Airlines vừa được chấp thuận. Ảnh: Khánh Huyền. |
Tương tự, Phó tổng giám đốc Lê Khắc Hải của Bamboo Airways cho biết, cao điểm dịch, đội tàu bay của hãng phải dừng hoạt động 80-90%, số lượng sụt giảm chỉ còn 2 ngày/chuyến đối với một số đường bay trục chính. Ông Hải ước tính, số lỗ của hãng bằng 1/3 đến 1/4 Vietnam Airlines.
Vị này chia sẻ dù thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn góp từ cổ đông, tăng đội bay, đường bay, dịch Covid-19 vẫn khiến doanh thu Bamboo Airways doanh thu sụt giảm. Đại diện Bamboo Airlways kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng bằng hình thức cho vay tái cấp vốn. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, nguồn vốn cần để hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh là rất lớn, song do hàng không là ngành cạnh tranh quốc tế rất cao nên Bộ đã tổng hợp kiến nghị của các hãng, báo cáo Chính phủ xem xét. Căn cứ trên khả năng tài chính, sẽ hỗ trợ các hãng theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế nhưng sẽ công bằng, bình đẳng.
Trước đó Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các TCTD đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn. Đồng thời, Quốc hội cho phép hãng hàng không này chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định.
Gói cứu trợ 12.000 tỷ sắp giải ngân cho Vietnam Airlines sẽ bao gồm 8.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ và 4.000 tỷ vay bổ sung vốn từ các TCTD.
Trong đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam bằng văn bản, tổ chức này cho hay các hãng hàng không Việt đang cần gói hỗ trợ dạng tín dụng ưu đãi 25.000 - 27.000 tỷ đồng để vượt qua dịch Covid-19.