Trong 9 tháng đầu 2020, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ sau thuế tổng cộng 10.676 tỷ đồng, đặc biệt là lỗ sau thuế của công ty mẹ ở mức 10.472 tỷ.
Doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng về dòng tiền là lý do Quốc hội mới đây đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chấp thuận việc giải ngân gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ đồng thông qua hình thức tăng vốn, 4.000 tỷ là vay ưu đãi thông qua các tổ chức tín dụng.
Vietjet Air lần đầu lỗ từ khi lên sàn
Vietnam Airlines không phải là hãng bay Việt duy nhất lao đao vì đại dịch Covid-19. Với việc tập trung phát triển mạng bay quốc tế và có nguồn thu lớn từ những đường bay khu vực, Vietjet Air cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch.
Theo báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp, lũy kế 9 tháng đầu 2020, doanh thu hợp nhất của Vietjet Air là 13.780 tỷ đồng, thấp hơn 64% so với cùng kỳ 2019. Mức lỗ của công ty sau 3 quý là 925 tỷ trong khi lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 lên tới 3.680 tỷ.
Riêng trong quý 3, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu chỉ ở mức 2.809 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Với doanh thu thấp hơn giá vốn, Vietjet lỗ gộp 611 tỷ đồng trong quý 3.
Do tác động của dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên Vietjet Air có những quý kinh doanh lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ban lãnh đạo Vietjet cho biết riêng tần suất khai thác các đường bay nội địa trong tháng 7 của hãng đạt 300 chuyến/ngày, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng dịch bệnh quay trở lại Đà Nẵng làm sân bay của thành phố lớn nhất miền Trung tạm dừng hoạt động khiến tổng số chuyến bay nội địa trong quý III của hãng giảm 35% so với cùng kỳ 2019.
Theo Planespotters, đội bay 73 chiếc máy bay thân hẹp của Vietjet Air hiện chỉ có 51 chiếc hoạt động khai thác, 22 chiếc phải "nằm sân" vì thị trường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại.
Hãng cũng không nhận thêm máy bay mới từ nhà sản xuất trong năm 2020 và chủ động biên chế 2 chiếc A320 cho Thai Vietjet Air để linh hoạt khai thác thêm thị trường hàng không nội địa Thái Lan trong bối cảnh thị trường trong nước bão hòa.
Vietjet Air cũng cho biết hãng đang tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu hóa hoạt động, tập trung vào việc tiết kiệm chi phí, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp, các chi phí thuê, khai thác và bảo dưỡng tàu bay thấp hơn bình quân 50-70% so với cùng kỳ năm trước.
Song song đó, Vietjet triển khai thực hiện nhiều giải pháp kinh doanh mới như tự phục vụ mặt đất ở sân bay Nội Bài, tăng cường các chuyến bay chở hàng, ra mắt hạng vé mới, tăng cường doanh thu phụ trợ.... Ngoài ra, hãng cũng đang nộp hồ sơ tại Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép hoạt động ví điện tử.
Bamboo Airways có thời điểm "nằm sân" nửa đội bay
Một hãng bay Việt khác cũng đang gặp không ít khó khăn vì Covid-19 là Bamboo Airways. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC và Bamboo Airways, từng chia sẻ vào đầu tháng 9 rằng nỗi lo lớn nhất hiện nay của ông là hàng không và nghỉ dưỡng.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tin rằng các hãng bay tư nhân cũng sẽ được tiếp cận các khoản vay ưu đãi tương tự khoản 4.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines sắp được giải ngân. Ảnh: Ngô Minh. |
FLC, công ty mẹ của hãng bay Bamboo Airways, đã ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế trong 6 tháng đầu 2020, cho thấy tác động của đại dịch tới ngành hàng không. Khoản lãi từ hoạt động chính trong quý III chỉ giúp FLC giảm lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng còn 2.213 tỷ đồng.
Bên cạnh đó trên báo cáo tài chính riêng đã soát xét bán niên năm 2020, FLC cũng phải trích lập dự phòng 1.857 tỷ đồng cho các khoản đầu tư, tăng 4,2 lần so với đầu năm. Trong đó, khoản góp vốn vào Bamboo Airways được FLC trích lập dự phòng nhiều nhất, ở mức 1.145 tỷ đồng.
Về hoạt động khai thác, sau khi cho nằm sân tới một nửa đội bay vì dịch Covid-19, Bamboo Airways đang cho số này khai thác trở lại khi thị trường nội địa phục hồi tốt khi dịch được kiểm soát. Hiện hãng chỉ còn 2 máy bay nằm sân trong tổng số 24 chiếc đang biên chế.
Tuy nhiên, cũng giống như các hãng hàng không Việt khác, Bamboo Airways khó có được doanh thu như kỳ vọng từ thị trường nội địa do cả Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) cùng Vietjet Air đang đổ tải mạnh khiến giá vé xuống đáy, trong khi lợi nhuận trên mỗi khách lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, trong gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines sắp nhận giải ngân, có 4.000 tỷ đồng là vay ưu đãi và các hãng bay tư nhân như Vietjet Air hay Bamboo Airways cũng mong muốn nhận khoản vay tương tự.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội, tin rằng "sau Vietnam Airlines, sắp tới, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ hãng bay tư nhân". Tuy nhiên vị này nhận định quy mô khoản vay sẽ không cố định ở mức 4.000 tỷ đồng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng cân đối vốn của Chính phủ, quy mô, thị phần, vai trò đóng góp của từng hãng với nền kinh tế, với xã hội….