Bình Luận
Cách Arsenal chờ đến ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè 2020 để kích hoạt phí giải phóng hợp đồng của Thomas Partey nói lên sức mạnh tài chính của Ngoại hạng Anh.
Trong nhiều tháng, Atletico Madrid đã tin rằng sẽ không có CLB nào bỏ ra số tiền lên tới 45 triệu bảng để phá vỡ hợp đồng của Partey. Arsenal cuối cùng đã làm điều đó, trong sự ngỡ ngàng xen lẫn chút tức giận của đội bóng thành Madrid.
Mùa hè sôi động của Ngoại hạng Anh
Cuối tháng 3, Chủ tịch Tottenham Daniel Levy tuyên bố đã đến lúc các đội bóng Anh phải thực tế vì cuộc khủng hoảng do dịch bệnh.
“Khi tôi đọc hay nghe những câu chuyện về thị trường chuyển nhượng, tôi nghĩ mọi người nên thức dậy đi là vừa”, Levy nói trên Sky Sports. “Những gì đang xảy ra sẽ khiến việc mua sắm khó khăn hơn”.
Tottenham khi đó đang có khoản nợ xây sân lên tới 175 triệu bảng. “Gà trống” gây tranh cãi khi cắt giảm lương nhân viên rồi xin trợ cấp của chính phủ. Bị dư luận phản ứng, Tottenham xin rút lại kế hoạch xin trợ cấp. Levy thanh minh cho quyết định trên, lý giải vì tình hình tài chính của Tottenham đang khó khăn.
Tuy nhiên, khi phiên chợ hè 2020 kết thúc, Tottenham của Levy là một trong những đội bóng năng nổ nhất trên thị trường. Lần đầu tiên kể từ năm 2013, thời điểm bán Gareth Bale cho Real Madrid với giá 83,5 triệu bảng, Tottenham mới lại bổ sung nhiều tân binh đến như vậy.
Tottenham đưa về 6 cầu thủ mới gồm Oierre-Emile Hojbjerg, Sergio Reguilon, Matt Doherty, Joe Hart, Carlos Vinicius (cho Benfica mượn lại), Gareth Bale và Joe Hart.
Đang nợ ngập đầu và không được dự Champions League, Tottenham vẫn có kỳ chuyển nhượng sôi động nhất kể từ năm 2013. Ảnh: Getty. |
Sự náo nhiệt của Tottenham giúp Ngoại hạng Anh cán mốc 1,27 tỷ bảng tiền chuyển nhượng trong phiên chợ hè năm nay. Ở chiều ngược lại, các CLB của Ngoại hạng Anh cũng thu được 861 triệu bảng từ tiền bán cầu thủ.
Tuy nhiên, rất nhiều CLB đang chơi tại giải đấu hàng đầu xứ sương mù đã chi tiêu nhiều hơn mọi năm.
Aston Villa chi tới 81 triệu bảng mua cầu thủ trong khi không bán ai. Chelsea tiêu tới 222 triệu bảng. Everton chi tới 87 triệu bảng mua cầu thủ. Dù là tân binh của giải đấu, Leeds United chi tới 94 triệu bảng mua người, con số chỉ kém Man City và Chelsea.
Theo thống kê của Independent, phần còn lại của bóng đá châu Âu chỉ tiêu chưa tới 2 tỷ bảng để mua cầu thủ trong phiên chợ hè 2020. Cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh vẫn diễn ra với thế giới bóng đá, nhưng Ngoại hạng Anh đã mua sắm cầu thủ nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái tới 80 triệu bảng.
Con số 1,27 tỷ bảng của Ngoại hạng Anh tạo nên chênh lệch khổng lồ giữa giải đấu hàng đầu xứ sương mù và phần còn lại của bóng đá châu Âu.
Nếu Manchester United không có một mùa hè yên ắng hơn thường lệ, số tiền mua sắm của Premier League có thể đã tăng lên đáng kể. Ban lãnh đạo “Quỷ đỏ” bị chỉ trích nặng nề vì chỉ chi 87 triệu bảng để mua tân binh.
Thế nhưng, các cổ động viên MU có lẽ nên nhìn qua Real Madrid hay Barcelona để thấy sự khác biệt. Lần đầu tiên sau 40 năm, Real Madrid không mua thêm bất cứ cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Trong khi đó, Barcelona chật vật trong việc bổ sung tân binh. Những mục tiêu có giá rẻ như Memphis Depay (25 triệu euro) hay Eric Garcia (chưa tới 20 triệu euro) cũng vuột khỏi tay đội chủ sân Camp Nou.
Ngoại hạng Anh áp đảo trong đội hình tân binh đắt nhất kỳ chuyển nhượng hè 2020, với 7 trên 11 vị trí thuộc về các CLB của xứ sương mù. Đồ họa: Minh Phúc. |
Nguyên nhân Premier League bạo chi
Independent phân tích rằng các đội bóng ở Ngoại hạng Anh muốn tận dụng tối đa lợi thế về mặt tài chính của mình. Trong ngành công nghiệp bóng đá đầy khốc liệt, việc rút ruột cầu thủ của các đội khác luôn được coi là yếu tố quan trọng để CLB giành chiến thắng trên sân cỏ.
Arsenal làm điều đó với Atletico Madrid. Chelsea vung tiền mạnh mẽ sau một năm bị cấm chuyển nhượng. Leeds United hay Aston Villa coi hàng chục triệu bảng được ném ra trên thị trường là những khoản “đầu tư” cho tương lai.
Nếu trụ lại Ngoại hạng Anh vào cuối mùa, đó sẽ là những thương vụ đầu tư xứng đáng của Leeds hay Aston Villa.
Everton thực ra không phải đội bóng có tình hình tài chính khỏe mạnh của Premier League. Theo báo cáo tài chính của Forbes , trong mùa giải 2018/19, CLB này lỗ tới 112 triệu bảng .
Họ xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng CLB bóng đá có doanh thu cao nhất hành tinh. Nhưng chi phí tiền lương của Everton chiếm tới 80% doanh thu của CLB. Trong top 20 CLB giàu nhất hành tinh, chỉ có 3 đội có quỹ lương/doanh thu vượt mức 65%.
Đội chủ sân Goodison Park đang phải oằn mình trả lương cho các cầu thủ. Nhưng nếu Everton vào top 4 Ngoại hạng Anh vào cuối mùa, sự bạo chi của họ ở mùa hè 2020 là canh bạc xứng đáng.
Hồi tháng 9, HLV Mikel Arteta thừa nhận việc mua sắm cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng có mối liên quan mật thiết đến thành công trên sân cỏ. Liverpool là đội thể hiện điều này rõ nhất.
Những Virgil van Dijk, Alisson hay Salah là các bản hợp đồng đắt đỏ ở thời điểm đó nhưng đã góp phần mang lại thành công cho Liverpool.
Trong nhiều năm qua, sự giàu có của các CLB Ngoại hạng Anh đến từ tiền bản quyền truyền hình. Dù các khán giả không thể vào sân, Premier League vẫn sống tốt nhờ trình chiếu các trận đấu bóng đá trên khắp thế giới. Đó là lý do Premier League vẫn cho thấy sức mạnh tài chính đáng nể của mình so với phần còn lại.
"Trong mỗi bất lợi luôn có những thuận lợi" là câu nói nổi tiếng của huyền thoại Johan Cruyff và nó dường như đúng với Premier League lúc này.
Trong thời buổi mà nhiều giải đấu khác của châu Âu "thắt lưng buộc bụng" trên thị trường chuyển nhượng, các đội bóng của Ngoại hạng Anh muốn dùng ưu thế tài chính để bứt lên. 1,27 tỷ bảng mà Premier League đã chi trong mùa hè 2020 có thể giúp họ thống trị bóng đá châu Âu trong thời gian tới.