Giữa tháng 7/2016, bài viết về 4 cô gái Việt trốn thoát khỏi động mại dâm ở Dubai đăng trên Zing.vn thu hút sự quan tâm lớn của độc giả. Nguồn tin của câu chuyện xuất phát từ chia sẻ trên Facebook cá nhân của ông Phạm Bình Đàm, Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
"Không có thiên đường nào tại Dubai. Bốn cô gái này chạy trốn khỏi động mại dâm và 'cắm trại' tại đại sứ quán 3 ngày nay. 100 AED, tương đương 600.000 đồng, cho một lần bán dâm", đại sứ Phạm Bình Đàm viết trên Facebook. Bài đăng Facebook này sau đó được phát triển thành một bài viết hoàn chỉnh hơn, từ lời kể của người trực tiếp tiếp hỗ trợ các cô gái mà báo chí trong nước không có điều kiện tiếp xúc.
Đại sứ Phạm Bình Đàm thăm công nhân Việt Nam tại nhà máy điện hạt nhân Barakah, cách Abu Dhabi 300km. Hiện khoảng 800 công nhân Việt Nam làm việc tại đây. Ảnh: FBNV. |
Ở một câu chuyện khác trên Facebook, đại sứ Phạm Bình Đàm chia sẻ về câu chuyện có hậu từ cô gái suýt phải ngồi tù ở UAE do tội danh mang thai không hôn thú. Bên cạnh một hình ảnh Dubai hoặc UAE sang trọng trên các trang tin du lịch, những câu chuyện trên Facebook của đại sứ Phạm Bình Đàm giúp độc giả ở Việt Nam hiểu rõ hơn về những mảng tối, cạm bẫy và những điều khác biệt trong luật lệ các nước Hồi giáo có thể gặp phải khi đến UAE.
Tiếp cận cộng đồng người Việt nhanh và hiệu quả
Khi trao đổi với Zing.vn, đại sứ Phạm Bình Đàm cho rằng khi cộng đồng người Việt ở nước ngoài sử dụng mạng xã hội phổ biến, thì cơ quan đại diện nói chung và người đứng đầu cơ quan đại diện nói riêng cũng cần tiếp cận, sử dụng và khai thác để hiểu bà con, xử lý những vấn đề phát sinh và hỗ trợ kịp thời.
Ông cho biết nhờ Facebook nên sớm nắm thông tin một số lao động quá khích thuộc chương trình lao động vệ sỹ gồm 4.000 người tại UAE định gây rối.
"Tôi lập tức cho cán bộ gọi điện cho các nòng cốt ở từng trại vận động giữ bình tĩnh, không tham gia; mặt khác làm việc với phía UAE tách riêng phiên dịch ở các trại còn lại để đảm bảo an toàn cho họ; điều tra, tách nhóm quá khích", đại sứ Đàm nói. Nhờ xử lý kịp thời nên vụ việc nhanh chóng được giải quyết, không gây ra nhiều thương vong và hậu quả nặng nề như lần tháng 12/2010.
Một đại sứ khác tích cực cập nhật về hoạt động của cơ quan đại diện trên mạng xã hội, đó là Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn. Từ khi ông bắt đầu nhận nhiệm vụ vào năm 2015 đến nay, hình ảnh và thông tin của các sự kiện do sứ quán tổ chức hoặc tham gia được cập nhật chi tiết và kịp thời trên trang mạng xã hội cá nhân của ông.
Ngoài các cơ quan báo chí lớn như TTXVN, VTV..., không nhiều tòa báo có điều kiện lập văn phòng thường trú ở nước ngoài. Do vậy, Facebook của đại sứ Tuấn trở thành kênh thông tin quan trọng để theo dõi và cập nhật tình hình về cộng đồng người Việt, hoặc các vấn đề liên quan đến bảo vệ công dân ở nước ngoài.
Trong số này, đề tài được báo chí trong nước quan tâm nhất chính là những chiến dịch giải thoát và giúp đỡ hồi hương cho các ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giam.
Vào ngày 2/10, qua Facebook của đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nhiều người biết rằng ông và các nhân viên tại sứ quán ở Indonesia vẫn tích cực làm việc để đưa 51 ngư dân về nước. "Chậm trễ ngày nào thì sẽ càng làm cho nhiều ngư dân, nhiều gia đình kéo dài thời gian mong ngóng người thân", đại sứ Tuấn viết trên Facebook.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn gặp gỡ những ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ trên biển trong một đợt trao trả ngư dân. Ảnh: FBNV. |
Thỉnh thoảng Facebook là nơi để các đại sứ nêu lên các bình luận, ý kiến chuyên môn về những sự kiện quốc tế quan trọng. Sau khi Mỹ dỡ bỏ các cấm vận liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch nêu lên nhận xét về lối đưa tin của báo chí trong nước với vấn đề này.
Hoặc khi dư luận xôn xao về một ký sự về cuộc chiến ở Syria hồi tháng 7, ông cũng nhấn mạnh trên Facebook về bản chất phức tạp của cuộc chiến.Bên cạnh đó, đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cũng tích cực bày tỏ quan điểm riêng về nhiều vấn đề, như gần đây là chuyện phóng viên báo Tuổi Trẻ bị đánh khi tác nghiệp, đề xuất đưa chữ Hán vào chương trình phổ thông.
Nhiều bình luận thể hiện sự đồng tình, nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong một phản hồi, đại sứ Thạch thể hiện quan điểm tranh luận của ông là: "Mình tin là mình đúng thì phải sẵn sàng nghe cả tiếng nói ngược".
Chuyện phổ biến trên thế giới
Mỹ là một trong những nước áp dụng mạnh việc quảng bá thông tin đến người dân trong việc sử dụng mạng xã hội. Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời lãnh đạo của bà Hillary Clinton đã lập ra các trang Facebook, Twitter chính thức cho những cơ quan trong bộ và các phái đoàn ở nước ngoài.
Theo AFP, Bộ Ngoại giao Mỹ hiện có khoảng 300 tài khoản Twitter toàn cầu, hơn 400 trang Facebook và 180 kênh trên YouTue. (số liệu năm 2013).
Phần lớn các tài khoản trên do những đại sứ hoặc phái bộ Mỹ ở nước ngoài quản lý và vận hành hiệu quả. Trang fanpage của Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, hiện mang tên bà Mary Tarnowka, đã có hơn 23.000 lượt "thích". Đoạn phim ra mắt của bà Tarnowka đến nay đã đạt hơn 33.000 lượt xem, 1.200 lượt thích và hơn 100 bình luận.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đứng bên trái bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang đến Iran tháng 3/2016. Ảnh: FBNV. |
Trong một lần trao đổi với Zing.vn, cựu đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Camilla Mellander cho biết tất cả các đại sứ quán Thụy Điển ở các nước đều mở trang trên Facebook và Twitter.
"Chúng tôi tin rằng, đây là kênh thông liên tục để thông báo về công việc của chúng tôi với người dân Thụy Điển và người dân sở tại. Nó giúp chúng tôi thể hiện tính trách nhiệm và minh bạch thông qua đối thoại cởi mở với nhiều nhóm đối tượng khác nhau như công chúng phổ thông, doanh nghiệp, báo chí", bà Camilla nói.
Mạng ảo vs. thông tin bổ ích
Trong khi đó, việc cập nhật thông tin về hoạt động của cơ quan đại diện của Việt Nam hiện chỉ có kênh chính thức là trang web của mỗi sứ quán. Đưa thông tin lên Facebook, đều là các trang cá nhân, là ý định của riêng các đại sứ nhằm cung cấp thông tin và tiếp cận nhanh chóng với người dân trên mạng.
Đại sứ Phạm Bình Đàm cho rằng trước tiên phải quan niệm Facebook cá nhân là của cá nhân. Những nội dung thể hiện trên đó là thuộc về cá nhân và có ranh giới rất rõ ràng giữa thông tin được đưa lên và không được đưa lên trang cá nhân.
"Nhưng cũng có những góc nhất định dành cho công việc, phổ biến những thông tin cần thiết đến người dân, doanh nghiệp, chẳng hạn như cảnh báo liên quan đến lừa đảo mại dâm, gian lận thương mại hay các hoạt động quảng bá, xúc tiến văn hóa, thương mại, đầu tư, các hoạt động thúc đẩy hợp tác song phương, giao lưu nhân dân, kết nối doanh nghiệp... ", đại sứ Việt Nam tại UAE nói.
Nếu không tính đến những mặt trái của mạng xã hội (như nhiều thông tin chỉ là tin đồn, hoặc nội dung bị bóp méo), đại sứ Phạm Bình Đàm khẳng định "sử dụng thông tin, truyền tin, tương tác trực tiếp trên mạng xã hội là công cụ quan trọng để các nhà ngoại giao phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; qua đó thúc đẩy lợi ích quốc gia tốt hơn".
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cũng từng nói với Zing.vn rằng: "Rất nhiều người tôi không biết ngoài cuộc sống, mà chỉ biết biết trên mạng ảo, đã thấy thông tin của đại sứ quán là bổ ích. Một số doanh nghiệp đã liên lạc để sứ quán giúp kết nối làm ăn, thậm chí mạnh dạn sang Iran để tìm hiểu cơ hội. Đại sứ quán cũng giúp đỡ hết khả năng để doanh nghiệp có thể tìm đúng đối tác".
Như vậy, qua việc theo dõi thường xuyên mạng xã hội của các vị đại sứ Việt Nam giúp cho một người dân bình thường hiểu về công việc của một cơ quan đại diện và một đại sứ như thế nào, những nỗ lực, cách thức thúc đẩy lợi ích quốc gia nói chung cũng như phục phụ người dân, doanh nghiệp nói riêng.