Trên trang Facebook cá nhân, ông Phạm Bình Đàm, đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cho biết 4 nữ công dân Việt đang náu thân trong Đại sứ quán tại Dubai trong 3 ngày qua. Họ chạy trốn khỏi động mại dâm và tìm tới Đại sứ quán để được giúp đỡ. Nhằm có thêm thông tin về vụ việc, Zing.vn đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Quang, Bí thư thứ Nhất sứ quán Việt Nam tại UAE, để tìm hiểu.
4 nữ công dân Việt đang náu thân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại UAE |
Ông Quang cho biết: “Các cô gái bỏ trốn sau một thời gian bị đánh đập, ép đi khách của UAE. Họ tới Đại sứ quán trong tình trạng đói khát, rách rưới và không một xu dính túi. Trước tình cảnh éo le của công dân, Đại sứ quán đã trích quỹ bảo hộ công dân cũng như đóng góp của các tổ chức hảo tâm ở UAE để giúp đỡ các nạn nhân”.
Kể về hoàn cảnh éo le của bản thân, các cô gái cho biết họ được nhận số tiền tương đương 600.000 VNĐ cho mỗi lần phục vụ khách mua dâm. Tuy nhiên, một nửa trong số đó bị chủ quán thu lại và các cô chỉ được cầm một nửa, tương đương 300.000 VNĐ.
“Khi công dân chạy đến cầu cứu Đại sứ quán trong tình cảnh không có hộ chiếu, không tiền bạc thì luôn là bài toán khó với các cán bộ ngoại giao”, Đại sứ Phạm Bình Đàm chia sẻ.
Theo ông Quang, Đại sứ quán sẽ nỗ lực hỗ trợ công dân về nước sớm nếu họ có nguyện vọng. Trên thực tế, việc khởi kiện đòi công lý của các cô ở xứ người sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chuỗi ngày vạ vật của họ chắc chắn sẽ kéo dài. Trong khi đó, các đối tượng trong đường dây mại dâm liên tục gọi điện dọa trả thù hay thậm chí là đe dọa tính mạng các nạn nhân.
Đây không phải lần đầu Đại sứ quán Việt Nam tại UAE chia sẻ về việc nữ công dân Việt bị ép làm gái mại dâm. Đầu tháng 7, Đại sứ quán đã phối hợp với cảnh sát Dubai giải cứu một phụ nữ khỏi ổ mại dâm ở Dubai sau khi bị người quen lừa sang bán dâm. Trong số 11 người bị bắt giữ trong vụ việc có 4 công dân người Việt.
Đại sứ Đàm cũng chia sẻ về một trường hợp bảo hộ công dân vừa xảy ra vài ngày trước. Theo đó, một cán bộ Đại sứ quán đã mất hai ngày ròng rã thực hiện bảo hộ công dân cho hai thanh niên làm bảo kê cho một sới mại dâm, mâu thuẫn với một nhóm người Pakistan nên đâm chết một người, đâm trọng thương một người khác.
"Sao người ta cứ bảo làm ngoại giao thì việc chính là đi ăn tiệc?”, Đại sứ Đàm cũng dẫn lời nói đùa của một cán bộ Đại sứ quán để cho thấy một phần khó khăn, thách thức trong công tác ngoại giao ở UAE. Theo Đại sứ, vị cán bộ này là người từng bước vào nhà xác nhận diện một công dân, cũng là nữ, làm gái mại dâm, thiệt mạng khi nhảy qua cửa sổ trốn cảnh sát và làm mọi thủ tục để chuyển lọ tro cốt của cô về với người thân.
Trong dịp trao đổi với Zing.vn hồi tháng 4, Đại sứ Đàm chia sẻ về trường hợp của nữ công dân thiệt mạng khi trốn cảnh sát. “Liên hệ về gia đình thì bố mẹ cô gái đã ly dị, người chị ruột cũng rất nghèo, không ai đứng ra lo chuyện đưa tro cốt của cô về nước. Cô cũng có một con đang nhờ bạn nuôi giúp. Tôi đã vận động một người hảo tâm đứng ra lo toàn bộ kinh phí tương đương 90 triệu VNĐ, Đại sứ quán lo toàn bộ giấy tờ của cả phía UAE và Việt Nam để hỏa táng và chuyển tro cốt cô về Việt Nam”, ông Đàm nói.
Trong lời nhắc nhở công dân Việt Nam tới sinh sống và làm việc tại UAE, Đại sứ Đàm nhấn mạnh nếu lao động Việt Nam sang UAE không tuân thủ luật pháp sở tại hay bỏ trốn thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Nếu gặp khó khăn, mâu thuẫn với chủ, bị chủ trả thiếu lương hay ngược đãi thì công dân Việt phải liên hệ với Đại sứ quán để được tư vấn, giúp đỡ, tuyệt đối không được tự ý bỏ đi.
“Theo hệ thống của UAE, người đứng ra thuê lao động là người bảo trợ visa và nhiều khi giữ luôn hộ chiếu (dù không được phép). Nếu lao động Việt Nam bỏ trốn, chủ sẽ báo cho chính quyền. Khi chưa được giải quyết dứt điểm thì người lao động không thể xuất cảnh," ông nói.
"Tình trạng rất phổ biến là lao động ta bỏ trốn, sống bất hợp pháp và khi muốn về thì đến Sứ quán nói dối là mất giấy tờ. Có trường hợp mới phát sinh, cán bộ Sứ quán giúp liên hệ, vận động chủ hòa giải với người lao động và rút khiếu nại, nhưng cũng rất nhiều trường hợp người lao động phải ra tòa, ngồi tù, mãn hạn tù mới bị trục xuất”, Đại sứ Đàm nhắc nhở.