Theo nhà khoa học Roelof Bruintjes, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (NCAR) của UAE, các chuyên gia từ Liên đoàn các trường đại học Nghiên cứu Khí quyển (UCAR) đang nghiên cứu chi tiết mô hình núi nhân tạo.
Trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học đang phát triển một ngọn núi nhân tạo mà nhờ có nó, không khí sẽ bị đẩy lên cao và tạo ra những đám mây có thể sản sinh lượng mưa bổ sung. Khi đó, theo lý thuyết, một cảnh quan khô cằn có thể trở nên xanh tươi theo thời gian.
Làm mưa nhân tạo chính là quá trình biến đổi thời tiết tại các khu vực nhất định, nhằm tăng lượng mưa hình thành từ các đám mây.
Một đơn vị thường trực tại bộ phận khí tượng của Trung tâm Khí tượng và Địa chấn Quốc gia (NCMS) đảm nhận việc tạo mưa nhân tạo. Từ đây, mưa nhân tạo được tạo thành trên khắp lãnh thổ UAE. Gần đây, UCAR tiết lộ, khoảng 558.000 USD được đầu tư nhằm tạo ra nguồn mưa nhân tạo trên toàn UAE trong năm ngoái, theo tờ Abudhabi2.
UAE đang thử nghiệm dự án xây núi nhân tạo để tăng nguồn nước mưa . Ảnh minh họa: Abudhabi2 |
Tháng 2 năm ngoái, UCAR nhận được số tiền tài trợ 400.000 USD để đề xuất “nghiên cứu mô phỏng chi tiết” nhằm đánh giá tác động của việc xây núi nhân tạo tới điều kiện thời tiết.
“Tạo ra một ngọn núi không phải là điều đơn giản. Chúng tôi đang tích cực hoàn thiện giai đoạn so sánh, gồm thử nghiệm mọi độ cao, chiều rộng và vị trí (của núi), đồng thời lưu tâm tới thời tiết địa phương”, ông Bruintjes nói.
Các chuyên gia chưa xác định rõ địa điểm cụ thể để xây núi nhân tạo, nhưng họ đang thử nghiệm trên nhiều khu vực khác nhau trên khắp lãnh thổ UAE.
“Chúng ta đang đánh giá tác động của từng loại núi, độ cao và độ dốc cần thiết của chúng tới thời tiết”, nhà khoa học Bruintjes nói. Ông khẳng định, các chuyên gia của UCAR sẽ có báo cáo về giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu núi nhân tạo vào mùa hè này.
Theo ông Bruintjes, nếu dự án xây núi nhân tạo để tăng nguồn nước mưa được thông qua, giai đoạn thứ hai sẽ được bàn giao cho một công ty kỹ thuật và họ sẽ quyết định nó có thể thành hiện thực hay không.
Các ngọn núi tác động tới khí hậu cùng điều kiện thời tiết khu vực và toàn cầu. Bằng cách ngăn quá trình lưu thông không khí, núi sẽ ảnh hưởng lớn tới gió, lượng mưa và mức nhiệt, theo báo cáo năm 2011 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc.