Trong những ngày trung tuần tháng 4, nhà chức trách Chile phát hiện hàng chục nghìn tấn cá mòi chết bất thường trên sông Queule, miền Nam đất nước. Người ta chưa phát hiện nguyên nhân sự việc và đây cũng không phải lần đầu tiên hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở Chile.
100.000 tấn cá hồi chết bất thường
Những tháng đầu năm 2016, cá hồi chết hàng loạt tại các trang trại ven biển của Chile, gây tác động nghiêm trọng tới quốc gia xuất khẩu cá hồi lớn thứ 2 thế giới.
Jose Miguel Burgos, người đứng đầu hiệp hội thủy sản Chile, cho biết, số lượng cá chết dễ dàng đổ đầy 14 bể bơi có kích thước tiêu chuẩn Olympic, tương đương 23 triệu con cá hồi.
Cá mòi chết nổi kín mặt sông
Queule ở miền Nam Chile hồi trung tuần tháng 4. Ảnh: Getty |
Reuters dẫn lời nhà chức trách Chile cho biết, lượng cá chết tương đương 15 tới 20% tổng sản lượng cá hồi của Chile trong năm 2016. Nó gây thiệt hại 800 triệu USD cho nền kinh tế Chile.
Truyền thông Chile dẫn lời ông German Iglesias, người đứng đầu lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản Quốc gia Chile, nhận định: “Khí hậu thay đổi trong mùa hè này dẫn tới sự bùng nổ của tảo biển, đầu tiên là khu vực phía bắc Aysen tới miền Trung Chile và bây giờ là khu vực Puerto Montt. Tảo biển hút cạn dưỡng khí trong nước và làm tổn thương mang cá, dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt”.
Lượng cá chết trong đầu năm 2016 tương đương khoảng 100.000 tấn. Trong năm 2015, Chile nuôi tổng cộng 800.000 tấn cá hồi và xuất khẩu 4,5 tỷ USD thành phẩm. Đây là quốc gia nuôi cá hồi và xuất khẩu các thành phẩm từ cá hồi lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Na Uy.
Thiên nhiên trút giận
Tảo biển nở hoa là hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến ở các vùng nước ngọt và nước mặt trên khắp thế giới, trong đó có Chile.
Theo các nhà khoa học, tảo sinh sôi mạnh là hậu quả từ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người. Nước thải từ các thành phố, nhà máy sản xuất hay trang trại nông nghiệp mang theo lượng lớn chất hữu cơ chảy ra sông, biển. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho tảo.
Cá hồi chết hàng loạt ở Chile gây thiệt hại khoảng 800 triệu USD. Ảnh: Getty |
Bên cạnh đó, nhiệt độ trái đất đang nóng lên qua từng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển. Trong năm nay, hiện tượng El Nino đạt đỉnh, khiến nước biển tăng cao từ 2 tới 4 độ. Hiện tượng này không chỉ làm tăng số lượng các cơn bão và lũ lụt ở một số khu vực mà còn tạo điều kiện lý tưởng cho tảo biển sinh sôi.
Nóng lên toàn cầu cũng là hệ quả từ các hoạt động của con người trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, tác động của nó chưa được thế giới quan tâm đúng mức bất chấp lời kêu gọi của giới khoa học.
Theo các chuyên gia, tảo biển phát triển nhanh chóng hút cạn oxy có trong nước. Ngoài ra, một số loài tảo còn sản sinh ra độc tố thần kinh như brevetoxin, gây tử vong cho cá.
Bên cạnh đó, sự tích tụ số lượng lớn tảo trong quá trình hô hấp tạo thành màng nhầy trên mang cá, gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ khí oxi ít ỏi còn lại trong nước.
Tảo biển nở hoa được cho là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Ảnh: Reuters |
Động vật chết hàng loạt vì tảo nở hoa không phải hiện tượng hiếm. Năm 1972, khoảng 14 triệu cá thể cá chỉ vàng đã chết vì tảo ở Nhật Bản. Năm 2004, cá hồi Chile cũng từng chết hàng loạt vì hiện tượng này.
Tuy nhiên, chúng xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây kèm theo thiệt hại lớn hơn. Tảo độc cùng các vấn đề khác đã khiến sản lượng xuất khẩu cá của Chile giảm 16% trong năm 2015.
Bên cạnh thiệt hại lớn về sản lượng cá hồi, Chile còn gặp hàng loạt thách thức trong việc xử lý xác cá để bảo vệ sức khỏe người dân. Ngoài số lượng cá chết được nghiền thành bột làm thức ăn cho gia súc, số còn lại được đưa ra vùng biển cách bờ 100 km để vứt bỏ.