Những ngày cuối tháng 3, Đại sứ Phạm Bình Đàm chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về câu chuyện của một nữ công dân Việt, trót mang thai ngoài giá thú ở UAE, quốc gia có những hình phạt hà khắc đối với tình dục trước hôn nhân. Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ để có cái nhìn toàn cảnh hơn về trường hợp của công dân Việt cũng như những nỗ lực bảo vệ công dân mà Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã tiến hành.
Đại sứ Phạm Bình Đàm (trái) nhận công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 30/8/2014. Ảnh: FBNV |
- Xin chào Đại sứ Phạm Bình Đàm. Xin ông cho biết về trường hợp nữ công dân mang thai ngoài giá thú ở UAE mà Đại sứ quán đã mở chiến dịch đặc biệt để giải cứu?
- Theo luật pháp của UAE, việc mang thai ngoài giá thú là tội danh phải ngồi tù. Khi sinh con, người mẹ sẽ không thể làm giấy khai sinh; đứa trẻ bị trao lại cho trại trẻ mồ côi và người mẹ bị trục xuất. Ngồi nghe H (tên cô gái), kể về hoàn cảnh hiện tại, về những đoạn trường đã qua, tôi rất xót xa, thương cảm.
Câu chuyện của H đẫm nước mắt. Công việc thì khó khăn, thăng trầm, người yêu nước ngoài khi biết cô có thai đã lặng lẽ biến mất. Cùng lúc ấy công việc gặp trắc trở, visa bị hủy. Cô thành người cư trú bất hợp pháp. Để về được thì phải nộp khoản tiền rất lớn ngoài khả năng của cô và gia đình.
H từng nghĩ tới việc tìm tòa nhà cao tầng nào đó để nhảy xuống vì quá bế tắc, nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng, cô lại dằn lòng. Theo mách bảo của chủ lao động cũ, H đã đến cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại UAE.
Câu nói của cô “em muốn có đứa con này” cứ day dứt tôi. Tôi đã giao anh Nguyễn Thanh Quang, Bí thư thứ nhất là người thông thạo ngôn ngữ, văn hóa Arab, từng có nhiều năm công tác trong khu vực tìm mọi cách để đưa được H về nước, để cô có thể sinh và nuôi dưỡng con mình.
Anh Quang mất 3 ngày đưa cô gái gõ cửa mọi cơ quan liên quan, vận dụng mọi kỹ năng vận động. Kết quả là cô chỉ phải ngồi tù tượng trưng một đêm và lên đường về nước.
Theo thông tin mới nhất mà H chia sẻ, cô đã sinh hạ một bé trai 4 kg. Đối với các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở UAE, đây là tin rất vui. H đã vượt qua một chặng đường đầy đau thương từ chỗ cùng quẫn muốn quyên sinh đến hạnh phúc mẹ tròn con vuông.
- Ngoài trường hợp của H, những lần bảo hộ công dân nào khiến Đại sứ khó quên nhất?
Công dân Việt Nam ở UAE bị vướng vòng lao lý vừa đáng trách, cũng vừa đáng thương. Có một thanh niên gọi điện cho tôi hỏi “anh ơi em đánh cảnh sát, tội của em bị xử bao lâu?”. Sự thiếu hiểu biết, không tuân thủ luật pháp sở tại của một số công dân Việt đẩy họ vào những tình cảnh rất đáng thương, phải trả giá đắt, thậm chí bằng tính mạng.
Gần đây, Đại sứ quán cũng giải quyết trường hợp một cô gái bị dụ dỗ sang UAE làm nghề mại dâm. Khi bị cảnh sát ập đến truy quét, cô gái này trèo qua cửa sổ chạy trốn, ngã xuống đất và tử vong. Liên hệ về gia đình thì bố mẹ cô gái đã ly dị, người chị ruột cũng rất nghèo, không ai đứng ra lo chuyện đưa tro cốt của cô về nước. Cô cũng có một con đang nhờ bạn nuôi giúp. Tôi đã vận động một người hảo tâm đứng ra lo toàn bộ kinh phí tương đương 90 triệu VNĐ, Đại sứ quán lo toàn bộ giấy tờ của cả phía UAE và Việt Nam để hỏa táng và chuyển tro cốt cô về Việt Nam.
- Đại sứ muốn nhắc nhở gì tới công dân Việt Nam đã hoặc đang có kế hoạch sang sống và làm việc ở UAE?
- Nếu lao động Việt Nam sang UAE không tuân thủ luật pháp sở tại hay bỏ trốn thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Nếu gặp khó khăn, mâu thuẫn với chủ, bị chủ trả thiếu lương hay ngược đãi thì công dân Việt phải liên hệ với Đại sứ quán để được tư vấn, giúp đỡ, tuyệt đối không được tự ý bỏ đi.
Theo hệ thống của UAE, người đứng ra thuê lao động là người bảo trợ visa và nhiều khi giữ luôn hộ chiếu (dù không được phép). Nếu lao động Việt Nam bỏ trốn, chủ sẽ báo cho chính quyền. Khi chưa được giải quyết dứt điểm thì người lao động không thể xuất cảnh. Tình trạng rất phổ biến là lao động ta bỏ trốn, sống bất hợp pháp và khi muốn về thì đến Sứ quán nói dối là mất giấy tờ. Có trường hợp mới phát sinh, cán bộ Sứ quán giúp liên hệ, vận động chủ hòa giải với người lao động và rút khiếu nại, nhưng cũng rất nhiều trường hợp người lao động phải ra tòa, ngồi tù, mãn hạn tù mới bị trục xuất.