Những người sống sót sau hai vụ đánh bom ở Brussels không thể quên thời điểm kinh hoàng sáng 22/3. Ảnh: Reuters |
Ông Trần Kim Thâu, tham tán phụ trách công tác cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, cho hay ngày 23/3, theo thông báo ban đầu của cơ quan chức năng Bỉ, chưa có người Việt Nam nào trong số nạn nhân bị thương mà phía Bỉ thống kê sau loạt vụ tấn công khủng bố ở Brussels ngày 22/3. Đối với những nạn nhân tử vong, cơ quan chức năng đang tiến hành các biện pháp xác định danh tính, quốc tịch. Tới sáng hôm qua, họ mới xác định được một nạn nhân nữ người Peru.
Đề cập tới vụ đánh bom ở tàu điện ngầm Maelbeek, ông Thâu xác nhận với Zing.vn rằng, một nữ cán bộ Đại sứ quán trên đường đi họp tại trụ sở Liên minh châu Âu, đã ngồi trên tàu điện bị đánh bom. May mắn, chị tránh được hậu quả do ngồi ở toa cuối. "Chị đã tự đi về nhà và tình trạng sức khỏe ổn định", Tham tán Thâu cho hay.
Ngay trong sáng ngày 22/3, Đại sứ quán liên hệ với Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Bỉ, Cục ngoại kiều, Cục chống khủng bố, Cảnh sát thủ đô và các bệnh viện lớn ở Brussels, cũng như các bệnh viện gần khu vực hiện trường, liên hệ với các hội đoàn người Việt để nắm tình hình liên quan đến người Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã lập đường dây nóng với các cơ quan chức năng của Bỉ và với trong nước, đồng thời chuẩn bị phương án bảo hộ công dân.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ cho biết, hiện tại khoảng 13.000 người Việt Nam và gốc Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Vương quốc Bỉ. Người Việt cư trú ở tất cả các tỉnh, thành phố của Vương quốc Bỉ, nhưng tập trung đông nhất ở thủ đô Brussels.
Theo Tham tán Thâu, từ nhiều tháng nay cơ quan đại diện của ta tại Bỉ đã tuyên truyền, nhắc nhở các cán bộ, nhân viên cơ quan và công dân Việt Nam nâng cao cảnh giác, tránh lui tới những nơi đông người, hạn chế có mặt ở các bến tàu, bến xe, không kích động khủng bố.
Người dân đặt hóa và nến tưởng niệm các nạn nhân hai vụ khủng bố ở thủ đô Brussels một ngày sau thảm kịch. Ảnh: AFP |
Ngày 22/3, hai vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra tại thủ đô Brussels. Vụ thứ nhất ở nhà ga đi sân bay quốc gia Zaventem vào lúc 8h làm 14 người chết và trên 100 người bị thương. Vụ thứ hai tại ga tàu điện ngầm Maelbeek (cách trụ sở của Ủy ban châu Âu 300 m) vào lúc 9h15, khiến 20 người chết và 130 người bị thương. Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom này.
Ngay trong sáng hôm đó, giới chức Bỉ đã nâng báo động lên cấp 4 (cấp cao nhất), ra lệnh ngừng các hoạt động có tập trung đông người, tạm đóng cửa các trường học từ nhà trẻ đến cấp cơ sở, đóng cửa sân bay Zaventem và nhiều nhà ga tàu điện ngầm, nhà ga xe lửa; lực lượng cảnh sát, an ninh và quân đội được tăng cường để bảo vệ các địa điểm, mục tiêu trọng yếu.
Lực lượng an ninh tiếp tục truy lùng thủ phạm đã tẩu thoát. Theo đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, ngày 23/3, đa số các trường học, ga xe lửa đã mở cửa trở lại, các tuyến xe buýt và hai tuyến tàu điện ngầm cũng hoạt động bình thường.