Quyết định tái trừng phạt và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ gây thiệt hại đối với một số công ty sản xuất dầu mỏ, máy bay và xe hơi có hợp đồng với Iran. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hậu quả của quyết định trên chưa được dự báo chính xác vì một số công ty có thể được miễn thuế và khả năng khôi phục thỏa thuận Iran chưa bị loại trừ.
Các tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu được đánh giá là chịu tổn thất nặng nề nhất. Trong khi Airbus có khả năng mất 19 tỷ USD, Boeing cũng sẽ "hụt" hàng loạt hợp đồng tổng trị giá 20 tỷ USD với các hãng hàng không Iran.
Sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015, một số tập đoàn dầu mỏ đã nhiệt tình quay trở lại thị trường này, trong đó có công ty Total SA của Pháp với bản hợp đồng kéo dài 20 năm trị giá 5 tỷ USD, theo AP. Nếu Mỹ quyết định quay lưng với Iran, những bản hợp đồng này có nguy cơ bị phá vỡ.
Một công nhân Iran đang lắp đặt xe hơi tại xưởng sản xuất ở thủ đô Tehran. Ảnh: AP. |
Ngày 9/5, Nhà Trắng phát đi thông báo Tổng thống Trump đang chuẩn bị áp đặt thêm trừng phạt mới đối với Iran đồng thời với việc khôi phục các trừng phạt cũ.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa và cam kết sẽ không cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân", phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói.
Trong khi các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp và Đức thất bại trong việc thuyết phục Tổng thống Trump ở lại thỏa thuận Iran, phản ứng của một số quốc gia châu Âu khác thậm chí còn tồi tệ hơn.
Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển và hiện là đồng chủ tịch một nhóm chuyên gia về đối ngoại của châu Âu, khẳng định việc trừng phạt Iran "không tập trung nhiều vào các tập đoàn Mỹ mà chủ yếu nhằm vào những công ty châu Âu". Lý do của nhận định này là vì sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015, hầu hết công ty thiết lập quan hệ buôn bán với Iran đều đến từ châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng với động thái rút khỏi thỏa thuận Iran, Mỹ "không còn muốn hợp tác với những phần còn lại của thế giới" và có thể sẽ bị châu Âu thay thế trên trường quốc tế.