Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngay sau khi Trump tuyên bố rời thỏa thuận Iran, lãnh đạo ba nước Anh, Pháp, Đức tiếp nhận quyết định của Mỹ với "sự hối tiếc và quan ngại", nhưng họ thông báo sẽ tiếp tục duy trì các cam kết.
"Chính phủ của chúng tôi vẫn cam kết đảm bảo thỏa thuận được duy trì, và sẽ làm việc với tất cả các bên còn lại để đảm bảo điều này", AFP dẫn nội dung tuyên bố cho hay.
Lãnh đạo Pháp, Đức, Anh cho biết sẽ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AFP. |
Họ lưu ý rằng điều này bao gồm các "lợi ích kinh tế cho Iran trong thỏa thuận", có nghĩa là các công ty châu Âu về lý thuyết sẽ tiếp tục đầu tư và hoạt động ở Iran. Theo thỏa thuận năm 2015, Iran được hưởng lợi từ việc tăng cường thương mại và hợp đồng với các công ty nước ngoài đổi lấy việc chấp nhận hạn chế hoạt động hạt nhân và bị giám sát nghiêm ngặt.
Điều này dường như đồng nghĩa với việc ba quốc gia, các bên ký kết thỏa thuận cùng Nga, Trung Quốc và EU, sẽ đi theo hướng đụng độ trực tiếp với Washington.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho hay các công ty châu Âu sẽ có thời gian để hủy bỏ bất kỳ khoản đầu tư nào được thực hiện tại Iran theo các điều khoản của hiệp định.
"Biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Iran. Các công ty của Đức đang kinh doanh ở Iran nên ngừng hoạt động ngay lập tức", đại sứ Mỹ tại Berlin, Richard Grenell, cho biết.
Trước những lệnh cấm vận mới của Mỹ, các doanh nghiệp EU sẽ phải lựa chọn giữa lợi ích kinh tế ở Iran và lợi ích kinh tế ở Mỹ.
"Chúng tôi đang thảo luận về một số phương án bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu", một quan chức EU cho biết trước khi thông báo chung được đưa ra.
Tổng thống Pháp Macron có chuyến thăm tới Mỹ hồi tháng 4. Một trong những nội dung chính của cuộc gặp là thỏa thuận Iran. Ảnh: Reuters. |
Ngày 8/5, Pháp, Đức và Anh kêu gọi Tehran duy trì thỏa thuận.
"Chúng tôi khuyến khích Iran kiềm chế trong phản ứng với Mỹ. Iran phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận", lãnh đạo ba nước tuyên bố.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng sự ổn định của toàn bộ Trung Đông đang bị đe dọa, bởi việc cho phép Tehran tiếp tục xây dựng vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang với các nước láng giềng.
Iran đã không giấu giếm tham vọng khu vực khi can thiệp vào Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar Al-Assad và hỗ trợ phiến quân chống lại Arab Saudi ở Yemen. Căng thẳng Iran-Israel tiếp tục gia tăng sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.