Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các bộ trưởng tăng tốc song phương, đẩy nhanh đàm phán TPP tại Đà Nẵng

Cuộc đàm phán cho TPP-11 đang tăng tốc khi một loạt bộ trưởng TPP đã tới sớm từ tối 6/11 và bắt đầu các cuộc gặp song phương trong hôm nay và những ngày tới.

Bộ trưởng Thương Mại Canada François-Philippe Champagne trong hôm nay cũng có các cuộc gặp song phương với bộ trưởng TPP của Peru, New Zealand và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh của Việt Nam. Bộ trưởng các đoàn như Nhật và các nước còn lại của TPP hầu hết cũng đã có mặt ở Đà Nẵng. 

“Chúng tôi đang cố gắng để hy vọng có một thoả thuận,” ông Champagne nói trong cuộc phỏng vấn riêng với Zing.vn. Bản thân ông dự kiến sẽ có 12-13 cuộc đối thoại song phương từ nay tới ngày 10/11, thời điểm Hội nghị cấp cao các nước TPP sẽ diễn ra. Bộ trưởng các nước TPP khác cũng đang trong nhịp độ chạy đua tương tự.

Dam phan TPP 11 anh 1
Bộ trưởng Thương Mại Canada François-Philippe Champagne trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn. Ảnh: Tùng Tin.

“Các trưởng đoàn đàm phán tập trung nhiều vào khía cạnh của luật còn các bộ trưởng sẽ bàn thảo góc nhìn rộng hơn, bức tranh tổng thể”, một thành viên đoàn Canada nói.

Trong cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Champagne thừa nhận các bên đang cân nhắc việc “treo” một số điều khoản của hiệp định TPP ban đầu (khi có Mỹ) để 11 thành viên còn lại có thể thông qua hiệp định TPP mới. “Con số gần gần như anh nêu ra”, Bộ trưởng Champagne nói khi Zing nêu 50 điều khoản sẽ được “treo”.

Ông Champagne nhắc nhiều tới các vấn đề lao động, bản quyền trí tuệ và môi trường như những điểm nhấn mà Canada đang quan tâm cho hiệp định.

Các trưởng đoàn TPP-11 đã bắt đầu các đàm phán về hiệp định từ sáng hôm qua tại trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. 

TPP-11 giữa các nước thành viên còn lại đang có hy vọng sau thông tin các đoàn đàm phán đã thống nhất được việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận cho đến khi Mỹ sẽ quay trở lại.

Theo quy định hiện tại, tỷ lệ GDP của các nước triển khai TPP phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.

Dam phan TPP 11 anh 2
Ông Champagne nhắc nhiều tới các vấn đề lao động, bản quyền trí tuệ và môi trường như những điểm nhấn mà Canada đang quan tâm. Ảnh: Tùng Tin. 

Quyết tâm nhất lúc này có Nhật Bản (chiếm khoảng 20% tổng GDP 12 nước TPP), New Zealand và Australia. Hai nước cũng ủng hộ TPP-11 nữa là Singapore và Brunei.

TPP-11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Mỹ rút lui vào đầu năm nay sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức. Rút khỏi TPP là một trong những cam kết tranh cử của Trump và là một trong những lời hứa hiếm hoi ông thực hiện được sau đắc cử.

Việc mở lại bất cứ điều khoản nào của 1.500 trang hiệp định TPP cũng được coi là hết sức phức tạp khi các nước đồng ý điều khoản TPP ban đầu đều có những tính toán tổng thể về được - mất với các đối tác, đặc biệt là với thị trường Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và là thị trường quan trọng nhất cho các nước.

Dam phan TPP 11 anh 3
Đoàn Bộ trưởng Champagne làm việc với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tối 7/11. Ảnh: Twitter Bộ trưởng Champagne. 

Đàm phán nước rút của TPP-11 bắt đầu bí mật tại Đà Nẵng

Đàm phán TPP-11 cấp trưởng đoàn đã chính thức bắt đầu sáng nay tại trung tâm hành chính của thành phố Đà Nẵng.

TT Trump tới châu Á: Lợi ích chiến lược Việt - Mỹ ngày càng tương đồng

Qua chuyến đi châu Á, Tổng thống Trump sẽ đưa ra tầm nhìn về cam kết của Mỹ tại khu vực, thúc đẩy hệ thống kinh tế công bằng, bền vững dựa trên các luật lệ của kinh tế thị trường.




Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm