Các trưởng đoàn đang tiếp tục marathon các đàm phán với hy vọng chốt được một thoả thuận, để các bộ trưởng và các lãnh đạo của 11 nước thành viên còn lại của TPP có thể thống nhất thông qua bên lề tuần lễ cấp cao APEC lần này.
Bước ra khỏi phòng họp vào lúc trưa, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, nói với Zing.vn: "Các trưởng đoàn vẫn đang đàm phán". Ông mỉm cười khi hỏi về khả năng đàm phán sẽ kết thúc trong tuần này.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh rời trung tâm hành chính TP Đà Nẵng sau phiên đàm phán buổi sáng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
TPP-11 giữa các nước thành viên còn lại đang có hy vọng trở lại sau thông tin các đoàn đàm phán đã thống nhất được việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận cho đến khi Mỹ sẽ quay trở lại.
Các trưởng đoàn sẽ đàm phán cho tới cuộc họp của các bộ trưởng TPP, diễn ra trong ngày 10/11 bên lề APEC.
Con số các điều khoản được cân nhắc treo gồm khoảng 50 điều sau cuộc đàm phán tại ở Urayasu, ngoại ô Tokyo, kết thúc hôm 1/11. Trong số này gồm 3 mảng chính: các vấn đề pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ và các mục khác.
Không giống các hiệp định thương mại tự do trước, TPP có những điều khoản về bảo vệ lao động và môi trường. Việc bỏ các điều khoản này được cho là sẽ đi ngược tinh thần của “hiệp định chất lượng cao” này.
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, nói với Zing.vn: "Các trưởng đoàn vẫn đang đàm phán". Ảnh: Tiến Tuấn. |
Chính phủ Nhật Bản, nước đang điều phối tiến trình đàm phán, sẽ tiếp tục vai trò này trong cuộc đàm phán cấp bộ trưởng ở Việt Nam. Nhật Bản sẽ sắp xếp các cuộc đàm phán song phương giữa các nước thành viên để giúp rút ngắn khoảng cách trong khi vẫn giữ được tiêu chuẩn cao của TPP.
Theo quy định hiện tại, tỷ lệ GDP của các nước triển khai TPP phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.
Quyết tâm nhất lúc này có Nhật Bản (chiếm khoảng 20% tổng GDP 12 nước TPP), New Zealand và Australia. Hai nước cũng ủng hộ TPP-11 nữa là Singapore và Brunei.
Các nước dự kiến được lợi nhất từ thị trường Mỹ như Malaysia, Việt Nam được coi là thiệt thòi nhất khi Mỹ rút đi. Riêng các nước Mỹ Latin như Peru và Chile thì đang quan tâm tới đàm phán hiệp định mới mà có thể có Trung Quốc tham gia.
Việc mở lại bất cứ điều khoản nào của 1.500 trang hiệp định TPP cũng được coi là hết sức phức tạp khi các nước đồng ý điều khoản TPP ban đầu đều có những tính toán tổng thể về được - mất với các đối tác, đặc biệt là với thị trường Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và là thị trường quan trọng nhất cho các nước.
Đàm phán TPP-11 cấp trưởng đoàn bắt đầu sáng 6/11 tại trung tâm hành chính của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đây là lý do các chuyên gia dự đoán việc đàm phán bất cứ điều khoản nào cũng sẽ dẫn đến việc các nước đòi hỏi thay đổi các điều khoản khác để cân đối được/mất trong hiệp định. Việc treo thực hiện một số điều khoản được coi là phương án dễ chấp nhận nhất lúc này giữa các nước.
TPP-11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Mỹ rút lui vào đầu năm nay khi Donald Trump lên nhậm chức. Rút khỏi TPP là một trong những cam kết tranh cử của Trump và là một trong những lời hứa hiếm hoi ông thực hiện được sau đắc cử.