Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

TT Trump tới châu Á: Lợi ích chiến lược Việt - Mỹ ngày càng tương đồng

Qua chuyến đi châu Á, Tổng thống Trump sẽ đưa ra tầm nhìn về cam kết của Mỹ tại khu vực, thúc đẩy hệ thống kinh tế công bằng, bền vững dựa trên các luật lệ của kinh tế thị trường.

Tong thong Trump cong du chau A anh 1Tong thong Trump cong du chau A anh 2

Qua chuyến đi châu Á, Tổng thống Trump sẽ đưa ra tầm nhìn về cam kết của Mỹ tại khu vực, thúc đẩy hệ thống kinh tế công bằng, bền vững dựa trên các luật lệ của kinh tế thị trường.

- Gần một năm kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, châu Á vẫn trông đợi một chính sách rõ ràng hơn từ Washington. Ông đánh giá thế nào về chính sách của TT Trump với khu vực?

- Giáo sư Alexander Vuving: 10 tháng từ khi ông cầm quyền là khoảng thời gian để ông tìm hiểu về các nước và tình hình khu vực. Tuy nhiên, một vấn đề rất nóng bỏng xảy ra ở châu Á trong giai đoạn này chiếm sự quan tâm đáng kể của Tổng thống Trump chính là chương trình vũ khí của Triều Tiên. Cho nên, thời lượng để ông Trump quan tâm đến châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng không nhiều. 

Bản thân ông Trump cũng không phải chính trị gia chuyên nghiệp như những tổng thống tiền nhiệm. Với những người này, họ đã hình thành chính sách ngay từ giai đoạn tranh cử.

Đối với bộ máy của Tổng thống Trump, sau chiến thắng bất ngờ thì 10 tháng qua vẫn là thời gian mà họ học hỏi và tìm hiểu. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ hiện vẫn còn khuyết rất nhiều vị trí và chưa được bổ nhiệm đầy đủ. 

Tong thong Trump cong du chau A anh 3

Đến nay, cách tiếp cận của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ có nhiều điểm tương đồng. Đó là củng cố quan hệ với các nước đồng minh và đối tác; tăng cường cam kết, sự hiện diện và hợp tác của nước Mỹ trong khu vực…

Nhưng họ lại có một số khác biệt với phía Nhà Trắng, chính là những trợ lý thân cận của Tổng thống Trump. Các thân tín của ông Trump tại Nhà Trắng quan tâm nhiều đến những vấn đề quốc nội hơn, và không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại. Chính vì vậy, quan điểm và việc hoạch định của họ có phần khác biệt so với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.

Đó là chưa nói đến việc tình hình thực tế châu Á rất phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn cho nước Mỹ, nên việc các bên có thể thống nhất đường lối, chính sách cũng là quá trình nhiều cam go. Ngay cả chính quyền Obama khi đưa ra chính sách tái cân bằng hoặc TPP thì cũng chỉ đến nhiệm kỳ 2 mới thực thi đầy đủ được.

Thế nhưng Tổng thống Trump khi vừa mới đắc cử đã thay đổi những di sản của ông Obama, và họ chưa đưa ra giải pháp thay thế. Nên có thể nói chính quyền Mỹ mới hiện vẫn chưa có chính sách thực sự rõ ràng với châu Á.

Tong thong Trump cong du chau A anh 4

Giáo sư Carl Thayer: Chính sách đối ngoại của Trump đến nay theo tỷ lệ 2/3 mang tính phản ứng và 1/3 thể hiện sự chủ động.

Ông Trump buộc phải chú ý đến hai vấn đề lớn. Một là tình hình Trung Đông với cuộc nội chiến Syria, cuộc chiến chống phiến quân IS, phản đối Iran. Và hai là mối đe doạ hạt nhân và chương trình vũ khí Triều Tiên.

Do vậy, những chính sách của ông chủ yếu là phản ứng theo tình hình chứ không có một chiến lược tổng thể rõ ràng.

1/3 chủ động còn lại nằm ở việc ông Trump kiên quyết thúc đẩy thương mại song phương tự do và công bằng, bao gồm việc rút Mỹ khỏi TPP, đàm phán lại hiệp định thương mại tự do NAFTA với Canada và Mexico, gây sức ép với Trung Quốc về kinh tế…

- Giáo sư Jeff Kingston:  Tổng thống Trump đến nay đã thực hiện một chính sách châu Á vội vã, thiếu thông tin. Việc ông rút lui khỏi TPP gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ, làm suy giảm lòng tin của các bạn bè trong khu vực và báo hiệu sự rút lui khỏi châu Á - Thái Bình Dương, tạo lợi thế cho Trung Quốc. Việc ông Trump xử lý khủng hoảng Triều Tiên dẫn đến tình trạng bên miệng hố chiến tranh hạt nhân khiến các đồng minh trong khu vực bất an. Những động thái của Trump đối với thỏa thuận Iran cũng làm gia tăng rủi ro ở Trung Đông.

- Ông Gregory B. Poling: Rõ ràng các chính sách của tổng thống phần lớn là chỉ mang tính đối phó, điều này lý giải vì sao quan điểm của ông ấy thường xuyên thay đổi, thậm chí là mâu thuẫn. Ông Trump chưa đưa ra được chiến lược bao quát cho châu Á, như (chính sách) xoay trục của chính quyền Obama hay một tầm nhìn chiến lược cho chính sách đối ngoại Mỹ. Nền tảng cho các quyết định của ông Trump đến nay vẫn dựa trên quan điểm hoài nghi chủ nghĩa đa phương và thâm hụt thương mại là điều xấu.

Tong thong Trump cong du chau A anh 5Tong thong Trump cong du chau A anh 6

- Còn về chính sách của Washington với khu vực Đông Nam Á?

Giáo sư Alexander Vuving: Trước đây, việc Nhà Trắng thông báo ông Trump không tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) là một ví dụ cho thấy lối tiếp cận khác biệt giữa Nhà Trắng với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. (Nhà Trắng ngày 3/11 đã thay đổi thông báo, cho biết tổng thống Mỹ sẽ tham dự EAS - PV)

Trong khi đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis vẫn tiếp tục chính sách của nhiều thế hệ chính quyền trước đây. Chẳng hạn Bộ trưởng Mattis khi công du châu Á cũng sang dự lễ hoả táng cố vương Thái Lan, thể hiện cử chỉ coi trọng đồng minh. Ngoại trưởng Tillerson khi đi Ấn Độ đều có những phát biểu trân trọng mối quan hệ này.

Giáo sư Carl Thayer: Cách tiếp cận của ông Trump với Đông Nam Á chủ yếu mang tính giao dịch, đổi chác (transactional) và nhấn mạnh vào quan hệ song phương hơn là đa phương.

Đến nay, Tổng thống Trump đã tiếp đón 4 lãnh đạo chính phủ các nước Đông Nam Á, với người đầu tiên là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, sau đó là các thủ tướng của Malaysia, Thái Lan và Singapore. Ông Trump rất chú trọng vào các vấn đề thương mại và kinh tế, và hài lòng khi các lãnh đạo ASEAN thông báo những giá trị hợp đồng hàng hoá mà họ sẽ mua từ Mỹ.

- Ông Gregory B. Poling: Chính quyền Mỹ đến nay đã quá chú tâm vào vấn đề Triều Tiên và thương mại với Trung Quốc, trong khi Đông Nam Á chưa được coi trọng lắm.

Tong thong Trump cong du chau A anh 7

Tong thong Trump cong du chau A anh 8

- Khi Triều Tiên chắc chắn là vấn đề thảo luận chính giữa ông Trump với các nước, tổng thống Mỹ sẽ thể hiện như thế nào để biến các lời đe doạ thành sức ép ngoại giao?

- Giáo sư Alexander Vuving: Tôi nghĩ Tổng thống Trump sẽ tiếp tục có những phát ngôn mạnh mẽ vì đây là thủ thuật của ông, cũng là cách ông xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ hướng đến cử tri trong nước.

Nước Mỹ thực sự không có nhiều giải pháp với vấn đề Triều Tiên. Một số ý kiến đề cập đến sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng cần tỉnh táo nhận định đây có phải là mong muốn thực sự không, hay cũng chỉ là tín hiệu cảnh báo đối phương? 

Nếu thực sự để dẫn đến xung đột thì hậu quả sẽ rất lớn. 25 triệu người Hàn Quốc sống trong tầm đạn pháo của Triều Tiên. Đa số ý kiến ở Mỹ không ủng hộ biện pháp quân sự hay tấn công phủ đầu.

Tong thong Trump cong du chau A anh 9Tong thong Trump cong du chau A anh 10

Giáo sư Jeff Kingston: Sự khó đoán của ông Trump có thể tạo ra căng thẳng, dẫn tới những tính toán sai lầm nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ xung đột. Việc leo thang cuộc khẩu chiến chỉ khiến các đồng minh ở khu vực lo lắng. Càng bị chỉ trích cá nhân sẽ khiến các bên khó xuống thang do lo mất thể diện, qua đó có thể đánh mất các giải pháp ngoại giao.

- Ông Gregory B. Poling: Tôi vẫn cho rằng Mỹ hầu như chắc chắn sẽ không tiến hành một cuộc tấn công quân sự phủ đầu hay ngăn chặn, nhưng cũng không có phương án ngoại giao nào tốt cả. Và tổng thống chỉ càng làm tình trạng này trở nên tệ hơn bằng việc mâu thuẫn với các quan chức của ông, và bằng chính những phát ngôn đối lập của ông trên truyền thông.

- Liệu tình hình tranh chấp Biển Đông có bị “lấn át” bởi vấn đề Triều Tiên? Ông Trump sẽ tái khẳng định quan điểm của Mỹ về tự do lưu thông như thế nào?

Giáo sư Carl Thayer: Trừ phi Trung Quốc có những hành vi rất đáng kể trên Biển Đông, còn không thì vấn đề này sẽ xếp sau tầm quan tâm của Trump như so với tình hình Triều Tiên và kinh tế. 

Tổng thống Trump sẽ lặp lại những quan điểm về vấn đề Biển Đông tương tự những điều đã được nhắc trong tuyên bố chung với Thủ tướng Việt Nam và Singapore. Bên cạnh đó, một điều rõ ràng là các cuộc tuần tra tự do hàng hải sẽ tiếp tục được tiến hành, qua việc các tàu chiến của hải quân Mỹ và máy bay của không quân Mỹ vẫn qua lại ở Biển Đông.

Tong thong Trump cong du chau A anh 11

Giáo sư Alexander Vuving: Có thể thấy rõ tình hình Triều Tiên đã chiếm gần hết sự quan tâm của Tổng thống Trump. Dù không chú trọng quá nhiều, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn tiếp tục phê duyệt những cuộc tuần tra tự do hàng hải trên biển. Cấp dưới của ông Trump khi xây dựng chương trình nghị sự chắc chắn vẫn sẽ đưa tình hình Biển Đông vào. Tôi tin rằng Việt Nam và Mỹ sẽ có những thúc đẩy mạnh hơn để hợp tác trong vấn đề này.

-  Giáo sư Jeff Kingston: Trung Quốc là trọng tâm trong chuyến thăm bởi Tổng thống Trump đang cố gắng củng cố các liên minh và tăng cường sự ủng hộ trong khu vực đối với Mỹ. Ông liên tục khẳng định rằng Trung Quốc làm chưa đủ để kiềm chế Triều Tiên và khu vực căng thẳng Biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập trong chuyến công du này.

- Ông Gregory B. Poling: Đúng như vậy, vấn đề Biển Đông sẽ bị lu mờ bởi vấn đề Triều Tiên, và ở một mức độ thấp hơn là chương trình nghị sự về thương mại song phương. Tuy nhiên, Trump chứng tỏ rằng ông ta sẵn sàng ký kết hầu hết tuyên bố mà các lãnh đạo châu Á mời ông tham gia trong các cuộc gặp song phương. Do vậy, hoàn toàn có khả năng chúng ta sẽ thấy những tuyên bố chung mạnh mẽ về Biển Đông sau các cuộc gặp (giữa Tổng thống Trump) với các đối tác như Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

- Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đón tiếp Tổng thống Trump như thế nào với vị thế mới của ông sau đại hội đảng vừa qua?

- Giáo sư Alexander Vuving: Tình hình Trung Quốc sau đại hội đảng vừa rồi có diễn biến mới chính là việc ông Tập Cận Bình đã được đưa lên một tầm cao lãnh đạo, tầm ảnh hưởng mới, với quyền lực mạnh hơn rất nhiều so với cách đây 5 năm.

Tuần này, Tổng thống Trump sẽ làm việc cùng một chủ tịch Trung Quốc đã được củng cố uy quyền hơn xét về trong nước, trong bối cảnh Bắc Kinh đang trám vào những khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại, qua các chính sách Một Vành đai, Một Con đường trong khi TPP đã bị Mỹ làm sụp đổ. Do vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ở vị thế mạnh hơn rất nhiều để thảo luận cùng ông Trump.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn rất cần thị trường Mỹ, vì đây vẫn là thị trường lớn và mang lại thặng dư thương mại rất cao cho Trung Quốc, cung cấp công nghệ nguồn cho nước này. Do vậy, Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những “nhượng bộ bề nổi” để xoa dịu Mỹ. 

Đây cũng là cách tiếp cận rất thông minh và khôn khéo của Trung Quốc. Như sự nhượng bộ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, chính nước này cũng lo ngại nếu Triều Tiên trở thành vũ khí hạt nhân. Nếu Triều Tiên đã đủ khả năng răn đe với Mỹ thì Trung Quốc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. 

Tong thong Trump cong du chau A anh 12

- Qua chuyến đi, Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy lợi ích kinh tế Mỹ trong khu vực như thế nào, cũng như giới thiệu về một chính sách kinh tế gắn kết bền vững với khu vực ra sao?

Giáo sư Alexander Vuving: Tổng thống Trump sẽ tiếp tục yêu cầu các nước thực hiện chính sách thương mại bình đẳng hơn đối với Mỹ. Thay vì Mỹ phải tiếp tục gánh phần thiệt thòi thì các nước phải chia sẻ trách nhiệm hơn, để làm cân bằng lại cán cân thương mại là điều rất quan trọng đối với Tổng thống Trump. Mỹ sẽ yêu cầu điều chỉnh để giảm tình trạng Mỹ là bên nhập siêu từ các nước.

Giáo sư Carl Thayer: Khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP, ông khẳng định rõ quan hệ thương mại song phương là công cụ duy nhất để làm ăn với Mỹ. Chính quyền Trump cũng nói rõ là Mỹ chỉ ủng hộ tự do thương mại, tự do đầu tư của APEC nếu các nước đồng ý đáp ứng những tiêu chuẩn cao về dịch vụ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và thương mại điện tử. Các cam kết này cần phải bao gồm kế hoạch hành động quốc gia với những tiêu chuẩn và mốc thời gian rõ ràng. Nhìn chung, Hiệp định Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) chỉ có thể đạt được khi tất cả thành viên APEC đều đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ.

- Ông Gregory B. Poling: Đây vẫn là điều chưa rõ. Có nguy cơ ông ấy có thể tranh luận căng thẳng về thương mại tại một số nơi, đặc biệt là về thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn ở Seoul, hay bên lề Hội nghị Cấp cao APEC. Tuy nhiên, hoàn toàn có khả năng một số lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo Việt Nam, sẽ có các cuộc thảo luận hiệu quả (với Tổng thống Trump) về những biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư song phương.

Tong thong Trump cong du chau A anh 13

- Việt Nam đã hai năm liền đón tiếp hai vị tổng thống Mỹ đến thăm chính thức. Điều này thể hiện cam kết thế nào từ quan điểm hai nước trong mối quan hệ song phương?

 - Giáo sư Alexander Vuving: Điều này cho thấy Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của Mỹ và việc tăng cường quan hệ với Mỹ trong tình thế chiến lược hiện nay.

Từ phía Mỹ, bộ máy của ông Trump từ những cố vấn ở Nha Trắng đến Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia, đều chung quan điểm rằng Việt Nam là một đối tác rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại châu Á. Washington rất cần tăng cường quan hệ với Hà Nội, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Đây cũng là tư tưởng tương đồng với chính quyền Obama trước đây. 

Do vậy, có thể nói chính quyền Trump vẫn tiếp nối chính quyền Obama trong những chính sách về quan hệ với Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất chính là việc Mỹ nay đã không còn trong TPP, nhưng hai nước cũng đã bắt đầu thảo luận về những hiệp định thương mại song phương.

Tong thong Trump cong du chau A anh 14

- Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam sẽ được rất nhiều từ việc đón Tổng thống Trump qua chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Nội. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được lời cam kết của Tổng thống Trump về mở rộng mối quan hệ đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Về cơ bản, tình hình không thay đổi gì trong 5 tháng qua. Mỹ công nhận vai trò của Việt Nam là nước đóng góp tích cực vào an ninh khu vực và toàn cầu, đặc biệt là cam kết của Việt Nam với lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Cả hai bên thừa nhận lợi ích chiến lược tương đồng ngày càng tăng.

Việt Nam cũng đã có được lời hứa từ Mỹ về giải quyết hậu quả chiến tranh. Hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực an ninh - quốc phòng, bao gồm hợp tác trong công nghệ và đồng sản xuất quốc phòng. Nhìn chung, mối quan hệ đối tác toàn diện này tiếp tục là nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt - Mỹ trong những năm tới.

Tong thong Trump cong du chau A anh 15Tong thong Trump cong du chau A anh 16

- Ông Gregory B. Poling: Mỹ và Việt Nam đang ngày càng chia sẻ các lợi ích chiến lược, đặc biệt là về Biển Đông cũng như quan hệ kinh tế. Điều này trước mắt sẽ khó thay đổi, bất kể ai lãnh đạo Nhà Trắng đi chăng nữa. Hành xử hung hăng của Trung Quốc đã khiến cho hai nước có thể làm những việc tưởng như không thể vài năm trước, như là buôn bán vũ khí trực tiếp hay là chuyến thăm Việt Nam sắp tới của tàu sân bay Mỹ. Tôi mong đợi những tiến triển như vậy về quan hệ an ninh trong tương lai gần.

- Cá nhân ông quan tâm vấn đề nào trong chuyến công du của Tổng thống Trump đến châu Á?

Giáo sư Alenxader Vuving: Tôi không kỳ vọng chuyến đi này của Tổng thống Trump sẽ tạo ra đột phá nào đáng kể. Nhưng việc ông Trump công du các nước và dự những diễn đàn đa phương là một tín hiệu tích cực. Đây là cơ hội để các nước châu Á có dịp tiếp xúc song phương và đa phương, hiểu hơn về chính quyền Mỹ mới nhiều hơn. 

Ông Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.

Ông Alexander Vuving là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á -Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông là chuyên gia trong các lãnh vực về an ninh châu Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông.

Ông Jeff Kingston là giám sư Đại học Temple, phân viện tại Nhật Bản. Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy về kinh tế, chính trị Nhật, hướng quan tâm của ông gồm chính trị và xung đột khu vực, nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại.

Ông Gregory B. Polling là giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS), một trong những tổ chức nghiên cứu chính sách hàng đầu tại Mỹ. Hướng nghiên cứu của ông về chính sách đối ngoại Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và tranh chấp ở Biển Đông.

Hành trình 11 ngày và 5 nước châu Á của Tổng thống Donald Trump Ngày 3/11, Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu chuyến công du 11 ngày đến Hawaii và 5 nước châu Á. Đây là chuyến đi dài nhất của một tổng thống Mỹ đến châu Á trong 25 năm qua.

Cảnh Toàn - Nguỵ An

Đồ hoạ: Lê Nhân

Bạn có thể quan tâm