Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Review sách theo phong trào trên TikTok

Theo chia sẻ từ một số độc giả, việc review sách trên TikTok thường theo xu hướng, phong trào khiến họ cảm thấy thiếu sự đa dạng.

review sach anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Leonardo.

“Liệu nền tảng TikTok ở hiện tại có phải là một nơi review sách đủ chất lượng?”, đây là một câu hỏi của nhiều bạn trẻ đặt ra. Trong khi đó, với các đặc trưng về đối tượng, TikTok là nơi chứa đầy các nội dung theo kiểu “ăn xổi” theo xu hướng, mang nặng tính phong trào. Chính vì vậy, nhiều độc giả đã tìm tới các kênh review khác chẳng hạn như website, fanpage nhà xuất bản, KOL, BookTube, Goodreads…

Dân săn truyện tìm review ở đâu

Đối với những người mê truyện tranh như Minh Thùy (23 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM), các kênh thông tin quan trọng để đọc được review về tác phẩm mới ra mắt là các diễn đàn, fanpage của nhà xuất bản, của người hâm mộ. Bạn trẻ này cũng chia sẻ rằng một người thường theo dõi khoảng 1-2 bộ, nhưng nếu nhiều hơn họ có thể thấy loãng nội dung.

“Bên cạnh các kênh thông tin, mình cũng theo dõi các kênh bán hàng của đơn vị bán sách trên Shopee và Tiki, nhờ đó có được các voucher giảm giá khi mua combo, mua bản đặc biệt để lấy merch (quà đi kèm)”, Minh Thùy cho biết.

review sach anh 2

Nhiều bạn trẻ lựa chọn theo dõi các công ty phát hành, nhà xuất bản trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đức Huy.

Còn với các thể loại ngôn tình, tiểu thuyết lãng mạn, Nguyễn Hoàng Bảo Anh (25 tuổi, Thủ Đức) lại tìm kiếm thông tin về sách qua các kênh review như Goodreads hoặc website nước ngoài. Bảo Anh chia sẻ rằng, nhiều truyện mới ra mắt có rất ít review ở Việt Nam, họa chăng cũng chỉ là vài dòng giới thiệu nội dung như một cái teaser nhỏ. Nếu muốn tìm kiếm trải nghiệm cá nhân với cuốn sách, Bảo Anh phải tìm đến bài đăng của độc giả nước ngoài ở Goodreads, Reddit…

“Những mạng xã hội này khá đa dạng ý kiến, có người chê có người khen. Có người chia sẻ cả ý kiến người thân của họ về cuốn sách. Mình đánh giá rằng độc giả trên các nền tảng này thú vị hơn TikTok”, Bảo Anh chia sẻ. Bạn trẻ này cũng cho rằng những video review trên nền tảng TikTok khá hạn chế thông tin, vì là nền tảng dành cho short video nên nhà sáng tạo nội dung phải rút gọn lại. Trong khi đó, độc giả có nhu cầu biết càng chi tiết càng tốt.

Cả Thùy và Bảo Anh đều cho biết so với nhiều năm về trước, việc review sách tại Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều từ số lượng người tham gia cho đến chất lượng bài viết. Tuy nhiên, chính vì những bài review theo phong trào, thiếu chính kiến, nên họ cảm thấy có những cuốn sách được tâng bốc và đánh giá cao hơn so với thực tế cảm nhận.

Dòng sách khoa học khó review

Đối với những người mê dòng sách phi hư cấu (non-fiction), việc tham khảo thông tin trên các nền tảng mạng xã hội có phần hạn chế hơn. Minh Anh (24 tuổi, giáo viên) chia sẻ rằng bản thân thường tìm kiếm các thông tin về sách khoa học, thường thức, sách chuyên ngành văn học trực tiếp từ fanpage các nhà xuất bản. Vì là một độc giả đặc biệt quan tâm đến các bộ sách về nữ quyền, tính nữ, nên Minh Anh có theo dõi rất nhiều thông tin về tủ sách Phụ nữ tùng thư.

review sach anh 3

Một cuốn sách Minh Anh (24 tuổi, giáo viên) từng tìm đọc trong tủ sách Phụ nữ tùng thư. Ảnh: NXB Phụ Nữ.

Bộ sáchcủa Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam là một kho tàng nghiên cứu với nhiều tác phẩm của học giả từ đầu thế kỷ 20 cho tới đương đại. Mặc dù thấy ấn tượng nhưng đa phần các cuốn sách trong này khá khó hiểu và Minh Anh phải tìm thêm các tham khảo giải nghĩa từ độc giả khác có am hiểu về giới.

“Trên TikTok không có nhiều video review các dòng sách có hàm lượng khoa học nhiều, dòng sách tinh hoa bởi về cơ bản chúng cũng khó để giới thiệu. Vì vậy mình phải theo dõi các KOL trên Facebook, xem một số website từng bàn về nữ quyền, giới như Vietcetera để hiểu hơn về các khái niệm đưa ra trong sách thuộc Phụ nữ tùng thư”, Minh Anh chia sẻ.

Theo quan sát của bạn trẻ này, nền tảng TikTok có lượng lớn nội dung về những cuốn sách kỹ năng, sách văn học. Chúng nhiều hơn so với các thể loại sách khoa học, nghiên cứu. Điều này cũng gần tương tượng với các nền tảng mạng xã hội khác, vì vậy những độc giả có sở thích đọc sách non-fiction thường phải cập nhật thông tin từ chính đơn vị phát hành hoặc nhà xuất bản.

Điều gì làm nên một bài review tốt

Dù là dòng sách nào, việc tạo nên một bài review tốt cũng có thể giúp tác phẩm dễ dàng đến tới tay độc giả hơn. Thế nhưng, điều gì mới tạo nên một bài review chất lượng ở mọi hình thức, ảnh, video, text…

Việc cố gắng tóm tắt cốt truyện, các ý tưởng chính sẽ khiến cho bài review giống với mọi bình luận khác độc giả có thể tìm thấy trên mạng. Vì vậy, người viết hãy cố gắng đưa thêm phong cách cá nhân vào phần tóm tắt bằng những đánh giá cụ thể về các chi tiết trong sách. Đến lúc tổng kết điểm tốt và chưa được phía cuối bài, người viết có thể gạch đầu dòng lại các điểm đã nêu bên trên.

review sach anh 4

Ảnh minh họa. Nguồn: Leonardo.

Về độ dài, theo các độc giả chia sẻ trên Reddit, một bài review nên có dung lượng từ 500-600 chữ. “Không ai muốn đọc một bài review quá dài cả, chúng rất lan man vì người viết không phải một chuyên gia hay nhà phê bình, viết càng dài càng dễ khiến người xem nản”, người dùng có tài khoản “nodragonfruit1175” cho biết. Một số ý kiến lại cho rằng dung lượng phụ thuộc vào đặc điểm của tác phẩm, nếu là các bộ truyện dài như Harry Potter, nhiều khi người viết phải review tới gần 900 chữ.

Bên cạnh đó, người viết cũng cần nêu ra các trích dẫn đắt trong sách. Chẳng hạn top 5 câu dòng viết hay nhất trong Xứ Cát, 10 câu nói khiến bạn thay đổi suy nghĩ từ cuốn Súng, vi trùng và thép. Những câu quote này có thể tạo nên cảm giác hồi hộp và nôn nóng muốn tìm kiếm toàn bộ văn cảnh trong cuốn sách để đọc và hiểu trọn vẹn câu nói đó. Để làm được những điều trên, người làm review sách phải hiểu tác phẩm rất kỹ lưỡng để đưa ra những đánh giá chính xác và thu hút được độc giả.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

Tác giả muốn bán sách cần nhiều fan trên TikTok?

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đặt ra một yêu cầu mới với các nhà văn: Cần có lượng người hâm mộ đủ lớn trên các nền tảng để đảm bảo doanh thu.

Những cuốn sách bán vạn bản trên Tiktok

Chưa nhiều đơn vị phát hành, phân phối sách tại Việt Nam đầu từ khai thác nền tảng TikTok, song một số đơn vị tiên phong trên kênh bán hàng này đã gặt hái thành quả ấn tượng.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm