Khi tác giả Rachael Kay Albers chia sẻ về ý tưởng viết sách của mình, biên tập viên tại các nhà xuất bản Big Five (5 nhà xuất bản hàng đầu thế giới) tỏ ra hào hứng với ý tưởng này. Tuy nhiên, một vấn đề đến từ yếu tố tiếp thị: Rachael không có lượng người theo dõi đủ lớn trên mạng xã hội (hơn 5.200 người theo dõi trên Instagram, hơn 1.200 người theo dõi trên X).
Hiện nay, với mọi tác phẩm, đặc biệt là thể loại phi hư cấu, các nhà xuất bản muốn có sự đảm bảo rằng bản thân nhà văn đã có sẵn một lượng khán giả ủng hộ đủ sức nặng và quan trọng nhất là sẽ bỏ ra hơn 27 USD - mức giá phổ biến cho một cuốn sách bìa cứng mới ra mắt.
“Bị ép” phải phát triển trên mạng xã hội?
Ở đây, một vấn đề nổi lên là “thương hiệu cá nhân” của những nhà sáng tạo. Sự phát triển của Internet và mạng xã hội đã đặt ra thêm một yêu cầu đối với những người hy vọng xuất bản sách rằng: Họ phải có một “nền tảng trực tuyến” mạnh mẽ, đủ để khẳng định tiềm năng bù đắp cho những chi phí ký hợp đồng hay trả tiền tạm ứng ban đầu.
“Các tác giả đã viết được những cuốn sách hay rồi, nhưng khi họ nói chuyện với tôi, điều khiến họ vẫn phải thức trắng đêm là ‘Làm cách nào để xây dựng thương hiệu cá nhân?’”, Carly Watters, người đại diện cho các nhà văn chia sẻ.
Trên thực tế, việc phát triển một tài khoản mạng xã hội không dễ dàng. Trong khi nhiều người bị cổ suý cho phong trào sáng tạo nội dung trên TikTok thì mọi việc không đơn giản là đăng tải video và tự dưng số người theo dõi sẽ tăng. Việc tự đưa bản thân tiếp cận được với người dùng, xây dựng nền tảng trực tuyến, tăng lượng khán giả hay điều chỉnh nội dung bắt “trend” cần kiến thức, kĩ thuật và đôi khi may mắn để thành công.
Sức ép này cũng là một phần lý do thúc đẩy sự gia tăng số lượng video “một ngày của tôi” trên TikTok. Các tác giả và nghệ sĩ bắt đầu tự quay hoạt động trong cả ngày của họ và chỉnh sửa thành các video ngắn. Trong khi có một số người sáng tạo nội dung thành công thu hút độc giả chỉ bằng cảnh ngồi gõ phím trên máy tính xách tay, thì nội dung của những người khác rất nhàm chán với phong cách “nhà quê”.
Nhân vật chính có thể nhâm nhi một tách trà/ cà phê bên cạnh lò sưởi và trên nền âm nhạc dịu nhẹ, thức dậy trong căn nhà gỗ trong rừng và đọc sách bên dòng sông hay bận rộn trong một căn phòng đầy sách.
"Day in the Life" đã trở thành một xu hướng của giới làm nội dung sách trên TikTok. Ảnh: Google Images. |
Mạng xã hội không mang lại lợi ích cho đa số
Trong ngành xuất bản thế giới, sự thành công ngày càng trở nên khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt. Hiện tại, chỉ có 5 nhà xuất bản lớn và họ kiểm soát khoảng 80% hoạt động buôn bán sách toàn cầu. Vẫn còn các nhà xuất bản độc lập khác, tuy nhiên, với quy mô nhỏ nên họ sẽ ưu tiên lựa chọn các đầu sách theo tiêu chí của riêng mình. Về tổng thể, sự độc quyền với số lượng nhà xuất bản ít hơn cũng khiến các tác giả có ít lựa chọn hơn để gửi gắm tác phẩm.
Thêm vào đó, với sự thống trị của Amazon trong mảng phân phối sách, và giờ thậm chí còn vươn lên với mảng tự xuất bản, các nhà văn không còn kiếm được nhiều tiền bản quyền như trước, dù doanh số bán sách của họ có thể vẫn tương đối cao.
Theo dữ liệu từ một cuộc khảo sát năm 2023 của Authors Guild (Hiệp hội tác giả Mỹ), các tác giả toàn thời gian tham gia khảo sát có thu nhập trung bình năm 2022 là 10.000 USD (bao gồm tiền liên quan đến tác phẩm như tiền tạm ứng ban đầu, tiền bản quyền, doanh thu,… ). Khi phân tích cụ thể thu nhập của họ, khoảng 1 nửa trong số này thậm chí có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu liên bang 7,25 USD/giờ.
Và dù có một số tác giả đã thực sự làm nên tên tuổi nhờ mạng xã hội, như Colleen Hoover, đại diện cho thể loại lãng mạn, hay Sarah J Maas và Rebecca Yarros, đại diện cho thể loại lãng mạn giả tưởng, thì số lượng họ không nhiều so với số lượng nhà văn cả chuyên nghiệp và nghiệp dư ngoài kia. Riêng tại Mỹ, số lượng nhà văn năm 2023 đã ở mức 49.450 người, theo số liệu của Statista.
Sarah J Maas, Colleen Hoover và Rebecca Yarros là 3 gương mặt thành công lớn thời gian qua nhờ lượng người hâm mộ hùng hậu trên TikTok. Ảnh: The Times UK. |
Và tình trạng sụt giảm thu nhập cũng đến với nguồn nhân lực tại các ấn phẩm chuyên đánh giá tác phẩm nghệ thuật. Khi nhu cầu quảng bá tác phẩm trên tạp chí/báo giảm dần, nhu cầu sử dụng các nhà phê bình cũng giảm tương ứng. Vào tháng 1 năm nay, Condé Nast đã chuyển chuyên trang Pitchfork, chuyên đánh giá tác phẩm âm nhạc, vào thành một phần nhỏ thuộc tạp chí GQ và sa thải nhân viên tại Pitchfork.
Ngay cả những đơn vị còn trụ lại được, như chuyên mục đánh giá sách nổi tiếng của New York Times, thì sự thu hút cũng đang sụt giảm mạnh, một người đại diện nhà văn chia sẻ với Vox. Và thay thế tất cả họ là đội ngũ YouTuber, TikToker hay những người có ảnh hưởng, đưa ra khuyến nghị chỉ bằng cảm nhận của họ với một nhóm nhạc hay một tác giả nào đó.
Tuy nhiên, ngay cả những YouTuber, TikToker kể trên cũng không hoàn toàn hân hoan với thành công của họ. Áp lực sáng tạo nội dung liên tục đang hủy hoại cuộc sống của họ, khiến họ trầm cảm, lo lắng nhưng không thể nghỉ ngơi vì thuật toán của nền tảng sẽ “trừng phạt” họ.
“Tôi tạo ra nội dung từ những khoảnh khắc đau buồn nhất trong cuộc đời mình. Sau đó, tôi cảm thấy áp lực khi phải liên tục bình luận về những vấn đề khó khăn trong cuộc sống riêng tư mà tôi không biết cách giải quyết”, Elle Mills, một cựu YouTuber tuổi vị thành niên, viết về lý do từ bỏ công việc.
Trong khi sự phát triển của mạng xã hội là không thể đảo ngược, việc sử dụng chúng như thế nào vẫn thuộc quyền tự chủ của con người. Và với ngành xuất bản, mạng xã hội cần là một công cụ hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển chung, thay vì cuốn con người đi theo nó.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng