150 đoàn viên thanh niên tích cực tham gia trồng cây xanh để góp phần hướng đến mục tiêu "Vì một Việt Nam xanh". Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN. |
Ngày 23/8, tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tỉnh đoàn Cà Mau cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức chương trình trồng cây “Hành động vì một Việt Nam xanh” năm 2024.
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu “Trồng 1 triệu cây xanh cho màn chắn xanh Việt Nam tới năm 2025." Từ đó, chương trình đã triển khai trồng cây cho rừng phòng hộ, rừng sản xuất… trên khắp các tỉnh, thành phố của cả nước.
Năm nay, chương trình triển khai trồng 160.000 cây xanh tại 3 tỉnh Cà Mau, Quảng Nam và Kon Tum. Trong đó, chương trình sẽ trồng 120.000 cây mắm tại tỉnh Cà Mau để chắn sóng, góp phần phòng, chống sạt lở…
Tại buổi lễ, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn hệ sinh thái, giảm nhẹ tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, rừng ngập mặn ở Việt Nam đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự thay đổi lượng mưa, nhiệt độ và tăng độ mặn của nước, trong khi đó một số nguyên nhân chủ quan cũng đã gây suy giảm nghiêm trọng rừng ngập mặn, đặc biệt là hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn chưa cao.
Chương trình "Hành động vì một Việt Nam xanh" sẽ trồng 120.000 cây mắm tại tỉnh Cà Mau để chắn sóng, góp phần phòng, chống sạt lở. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN. |
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang nuôi trồng thủy hải sản; phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, nông nghiệp, công nghiệp đang có xu hướng gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng lớn đến rừng ngập mặn.
“Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn cùng cộng đồng góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn, bảo vệ các khu vực ven biển, hạn chế các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Hơn hết là chung tay góp công, góp sức để kiến tạo một môi trường sống tốt đẹp hơn không chỉ cho chúng ta hôm nay mà cho cả thế hệ con, cháu mai sau," ông Vũ Minh Lý nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cũng kêu gọi, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, cùng nhau góp công, góp sức tham gia vào việc trồng thêm nhiều cây xanh để phong trào được lan rộng, phát triển trên khắp mọi vùng miền đất nước.
Anh Trần Đăng Khoa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau cho biết, chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng.
“Đây là việc làm thiết thực của tuổi trẻ trong việc bảo vệ, phát triển rừng, có ý nghĩa rấtquan trọng đối với môi trường tự nhiên và sinh thái. Hy vọng rằng số cây này sẽ được tiếp nhận và mọi người cùng chung tay trồng, chăm sóc để cây lớn lên giúp bảo vệ đê biển, chống sạt lở đất…," anh Trần Đăng Khoa mong muốn.
Theo Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2024, chương trình đã trồng được hơn 690.000 cây xanh, gieo 60.000 banh hạt giống tại 19 tỉnh thành và 9 vườn quốc gia trên cả nước.
Chương trình góp phần quan trọng giữ nước đầu nguồn, chống xói mòn, sạt lở đất, nâng cao độ che phủ rừng và tạo lá phổi xanh ngăn chặn bụi và cải thiện chất lượng không khí theo chiều hướng tích cực; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.