Giữa tháng 3, PV GAS chính thức cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp với những chuyến xe bồn chở LNG đầu tiên tại Việt Nam, được xuất từ trạm nạp Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến trạm tái hóa khí LNG Thuận Đạo, tỉnh Long An.
Cột mốc cung ứng LNG - nguồn nhiên liệu có mức phát thải thấp, phục vụ sản xuất công nghiệp, đánh dấu mốc quan trọng trên hành trình năng lượng xanh của PV GAS, thể hiện vai trò, trách nhiệm của PV GAS trên chặng đường hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo tuyên bố của Thủ tướng tại COP26.
Vận hành kho cảng LNG duy nhất trên cả nước
Hiện nay, Việt Nam chỉ có duy nhất một kho LNG đang vận hành là kho Thị Vải thuộc PV GAS. Những kho chứa LNG khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc đang xây dựng.
Giữa tháng 6, tàu Amani chở LNG nhập khẩu đã cập bến Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là đợt PV GAS đón chuyến tàu LNG thứ 5 đến Việt Nam, tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng LNG duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
Qua 5 chuyến, PV GAS đã nhập khẩu thành công tổng khối lượng hơn 300.000 tấn LNG, trong đó chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Những chuyến xe bồn chở LNG đầu tiên được xuất từ trạm nạp Thị Vải giữa tháng 3 đã an toàn tới trạm tái hóa khí LNG Thuận Đạo, Long An (dung tích chứa 100 m3, chính thức được đưa vào vận hành ngay sau đó). Sau đó, PV GAS cung cấp LNG cho các khách hàng hiện hữu đang sử dụng khí nén thiên nhiên CNG như Oechsler Motion, thép Nam Hưng, Petfood Evolution, Asia Steel...
Thời gian tới, PV GAS sẽ khởi công giai đoạn 2 của kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026; triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm và triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, PV GAS cũng ký thỏa thuận với các nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới để đảm bảo nguồn cung ổn định và cạnh tranh cho thị trường nội địa.
Theo Tổng giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, việc cung cấp LNG cho sản xuất công nghiệp là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển chuỗi giá trị LNG của công ty, trong đó có các cam kết mang đến cho khách hàng giải pháp về năng lượng xanh, sạch và thân thiện hơn với môi trường, cùng đồng hành với Chính phủ thực hiện cam kết về Net Zero từ năm 2050.
“Việc này cũng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng công nghiệp với yêu cầu chuyển đổi sang sản xuất xanh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mới của quốc tế trong xu hướng chuyển dịch năng lượng”, ông khẳng định.
LNG - nguồn năng lượng sạch phát thải ít carbon
LNG được xem là nguồn năng lượng sạch với hàm lượng khí thải thấp hơn rất nhiều so với các loại nhiên liệu hóa thạch phổ biến khác như than đá, xăng, dầu. Trung bình, khi các hydro carbon trong LNG cháy hoàn toàn, nó thải ra ít hơn 40% khí nhà kính.
Ông Phong cho biết với việc đưa ra gói giải pháp năng lượng theo mô hình kinh doanh tích hợp CNG/LPG/LNG, doanh nghiệp bảo đảm cung cấp cho khách hàng công nghiệp bộ giải pháp về năng lượng bền vững, giá cả cạnh tranh, cùng nhiều dịch vụ đi kèm về bảo dưỡng, hạ tầng. Qua đó, mang đến sự lựa chọn tối ưu, cùng nhiều giá trị gia tăng bền vững cho khách hàng.
Theo PV GAS, để chuẩn bị cho những chuyến xe bồn chở LNG đầu tiên đến với khách hàng, doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ từ cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị đến nguồn lực chuyên môn chất lượng trong thời gian dài, từ cảng nhập, kho chứa đến hệ thống đường ống dẫn khí, xe bồn, tàu hỏa và các trạm tái hóa khí.
Lãnh đạo PV GAS cho biết LNG có nhiều ưu điểm vượt trội về hiệu quả sử dụng năng lượng, độ thân thiện với môi trường, thuận tiện trong quá trình vận chuyển và nguồn cung đảm bảo theo cam kết của PV GAS.
Đánh giá thị trường thời gian tới, ông Phong nhận định PV GAS phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn khí từ các mỏ nội địa đang suy giảm nhanh; nhu cầu khí của các hộ tiêu thụ điện, công nghiệp tiếp tục giảm, thiếu ổn định do xu hướng chuyển dịch năng lượng, giá than giảm, khó khăn của nền kinh tế...
Tuy nhiên, với trọng tâm giai đoạn 2024-2025 là chuyển dịch mô hình kinh doanh, Tổng công ty sẽ tập trung phát triển thị trường làm động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo động lực để vượt khó.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.
Loạt khó khăn bủa vây các dự án điện khí LNG
Điện khí LNG được xem là một trong những "trụ cột" quan trọng trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, loại hình này đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc.
Điện khí - 'trụ đỡ' của ngành năng lượng
Điện khí được coi là "nhiên liệu cầu nối" trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Thủ tướng: Việt Nam coi trọng, ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc
Ngày 21/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhân dịp dự hội nghị WEF lần thứ 55.