Ngày 5/8, UBND tỉnh Cà Mau báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai từ 2 đến 4/8. Cụ thể, sóng lớn kết hợp với mưa, dông lốc và triều cường dâng cao đã khiến nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây 30-40 cm. Nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh - Kinh Mới dài 12,5 km.
Đoạn bên trong kè (huyện Trần Văn Thời) sạt lở trên 350 m, bị tốc gần như hoàn toàn phần vải bạt, được xử lý tạm. Trong đó, 2 đoạn dài 7 m mất chân đê phía ngoài, sạt lở lấn vào mặt đường bê tông khiến cát trong thân đê chảy ra ngoài.
Cà Mau gia cố các điểm sạt lở đê biển Tây. Ảnh: Nhật Tân. |
Các đoạn có vải bạt hộ đê hai năm trước bị tốc hoàn toàn với chiều dài khoảng 200 m. Các điểm còn sạt lở sát thân đê nên nguy cơ vỡ đê có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Hiện, lượng chức năng đã sử dụng 7.000 bao tải đất, đóng 2.500 cừ tràm để xử lý 150 m đê bị sạt lở nguy hiểm nhất. Một xà lan tải trọng lớn được những người hộ đê nhấn chìm để ngăn chặn những cơn sóng lớn đánh vào những điểm sạt lở nghiêm trọng. 1.000 cừ tràm được bổ sung để tiếp tục gia cố đê.
Trước diễn biến khó lường của thời tiết và thiên tai, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình phòng chống sạt lở bờ và đê biển. Lý do xin cơ chế này vì nếu làm đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian, không thể xử lý kịp thời sẽ dẫn đến vỡ đê gây thiệt hại lớn.
Bảng quảng cáo sập xuống nhà dân ở Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Tân. |
Cà Mau cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng, tài sản người dân.
Thiên tai những ngày qua ở Cà Mau làm 1 người chết, 1 người bị thương, sạt lở đất, sập 91 căn nhà, tốc mái 472 nhà, ngập 1.843 căn nhà... Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 22 tỷ đồng.
Tại Bạc Liêu, bão số 3 làm sập, tốc mái 25 căn nhà ở huyện Hồng Dân và Vĩnh Lợi. Tại ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng (Vĩnh Lợi), mưa dông làm sập bảng quảng cáo dân gây hư hỏng mái nhà rộng 370 m2.