Ngày 4/8, chính quyền huyện U Minh (Cà Mau) kết hợp với ngành chức năng giúp người dân sửa 75 căn nhà bị sập và tốc mái. Mưa lớn kéo dài cũng khiến 723 ngôi nhà ở xã Khánh Hội và Khánh Tiến (U Minh) ngập nước.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết mưa và sóng đánh liên tiếp nhiều ngày đã gây sạt lở 300 m đê biển Tây, địa phận xã Khánh Bình Tây Bắc của huyện Trần Văn Thời. Ngoài nguy cơ vỡ đê, triều cường dâng cao khiến nước mặn tràn vào vùng ngọt hóa.
Theo ông Hoai, lực lượng quân đội và dân quân tự vệ đang dùng vải địa và cừ tràm để gia cố phần thân đê bị sạt lở. Bao tải chứa đất được đắp trên mặt đê để hạn chế nước mặn tràn vào bên trong gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân.
Nhà dân ở Cà Mau bị ngập nước do ảnh hưởng triều cường. Ảnh: Nhật Tân. |
Tại Cần Thơ, do ảnh hưởng cơn bão số 3, thành phố có mưa lớn kèm theo gió mạnh. 3 căn nhà bị sập, 61 căn bị tốc mái, gãy 2 trụ điện hạ thế và một trẻ em bị thương.
Quận Cái Răng thiệt hại nhiều nhất với một căn nhà bị sập, tốc mái 49 căn, đứt đường dây trung thế và gãy 2 trụ điện hạ thế, làm mất điện tại khu công nghiệp Hưng Phú. Quận Thốt Nốt bị tốc mái 8 căn nhà, một trẻ em bị thương. Huyện Vĩnh Thạnh và Thới Lai có 2 căn nhà bị sập, 4 căn tốc mái.
Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Ngành điện lực khắc phục sự cố gãy, đứt đường dây điện, đảm bảo cung cấp điện sinh hoạt, phục vụ cho sản xuất.
Kiốt thu mua trái cây của người dân ở xã Vĩnh Kim (Tiền Giang) bị sập. Ảnh: Anh Minh. |
Tại Tiền Giang, mưa lớn kèm lốc xoáy vào trưa 3/8 làm 68 căn nhà bị tốc mái. Trong đó huyện Gò Công Tây có 40 căn, huyện Cái Bè 26 căn và huyện Châu Thành 2 căn.
Mưa lớn cũng làm sập 25 kiốt tạm thu mua trái cây, 2 trụ điện, trụ đèn đường ở chợ thuộc xã Vĩnh Kim và Phú Phong (huyện Châu Thành). Lốc xoáy còn làm đổ, ngã 80 cây sầu riêng trên địa bàn xã Thiện Trí (huyện Cái Bè).
Chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống người dân.