Suốt 30 năm qua, ông Rieli Franciscato, 59 tuổi, đã chỉ đạo các dự án nghiên cứu và bảo vệ người bản địa tại rừng nhiệt đới Amazon. Trong vài tháng gần đây, ông tiếp tục đi tìm nguyên nhân khiến một nhóm thổ dân mạo hiểm tính mạng để rời nơi sinh sống.
Song hành trình “người gác rừng” Rieli Franciscato đã kết thúc vào hôm 9/9 trong một buổi khảo sát ở bang Rondonia, Brazil. Ông bị trúng mũi tên vào vùng ngực và tử vong khi cố tiếp cận một nhóm thổ dân, tờ New York Times cho biết.
Chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn các bộ lạc tại rừng Amazon, ông Rieli Franciscato. Ảnh: Reuters. |
Nhóm chuyên gia khảo sát và các điều tra viên đều cho rằng một thành viên trong bộ lạc bản địa đã bắn mũi tên vào ông Franciscato vì lầm tưởng ông đang xâm phạm lãnh thổ của họ.
Chuyên gia Moises Kampe cho biết đoàn khảo sát đang theo dấu các thổ dân mới xuất hiện tại một ngôi làng gần thị trấn Seringueiras. “Chúng tôi đang cố tìm hiểu đích đến của các thổ dân, đồng thời thu thập dấu vết mà họ để lại”, ông Kampe nói.
Trong buổi khảo sát, ông Kampe đột nhiên nghe thấy tiếng hét kinh hãi của ông Rieli Franciscato. Đây cũng là lúc ông Kampe phát hiện người đồng nghiệp bị trúng một mũi tên dài 1,5 m ở vùng ngực.
“Ông Franciscato kéo mũi tên ra rồi bắt đầu chạy”, Kampe kể lại. “Ông ấy chỉ chạy được khoảng 50 m thì ngã quỵ và nằm bất tỉnh dưới mặt đất”.
Nỗ lực cuối cùng
Ivaneide Cardozo, một nhà hoạt động vì người bản địa ở bang Rondonia, cho biết bà và ông Franciscato từng chia sẻ nhiều trải nghiệm đắt giá trong hành trình bảo vệ rừng. “Các nhóm khai thác gỗ thường đe dọa mạng sống của ông ấy trong khi các bộ lạc lại tưởng ông Franciscato là kẻ xâm nhập”, bà cho biết.
Hồi tháng 6, ông Franciscato biết tin về một nhóm thổ dân xuất hiện ở khu trang trại gần thị trấn Seringueiras. Ông lập tức lên kế hoạch để đưa những người này tới nơi an toàn, đồng thời phòng tránh nguy cơ mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Bà Cardozo nhớ lại lời của người đồng nghiệp: “Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ những người bản địa và ngăn họ tiếp xúc với người dân xung quanh”.
“Ông ấy coi đây là một nhiệm vụ khó khăn”, bà Cardozo cho biết. “Chúng tôi cần nhiều người để theo dõi một bộ lạc trong khu vực rộng lớn như vậy. Song ông Franciscato đã khá đơn độc trong hành trình này”.
Ông Rieli Franciscato trong một chuyến khảo sát trên sông Purus vào năm 1997. Ảnh: AP. |
Ông Franciscato đã làm việc không mệt mỏi để nghiên cứu các nhóm thổ dân. Công việc cũng đòi hỏi ông phải duy trì khoảng cách đủ gần để thu thập manh mối cụ thể như cách di chuyển, chế độ ăn uống hay vũ khí của họ.
Vài ngày sau, ông Franciscato tiếp cận nhóm người bản địa và cố ra hiệu cho họ quay trở về rừng nhiệt đới. Ông tin rằng đây là phương án an toàn nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Brazil.
Dhuliana Pereira, một nhân chứng gần đó, đã nhìn thấy nhóm thổ dân đóng khố và mang theo cung tên: “Chúng tôi hoảng loạn vì không biết họ định làm gì”. Chỉ vài phút sau, cô Pereira nhìn thấy thi thể của ông Franciscato được đặt trên cáng. “Ông ấy bất tỉnh và không có dấu hiệu sống sót”, nhân chứng này nhận xét.
Cuối cùng, kế hoạch và nỗ lực của ông Franciscato đã không được hoàn thành. Chủ tịch của Tổ chức Người da đỏ Quốc gia (FUNAI), ông Marcelo Xavier, miêu tả Franciscato là một công chức mẫu mực: “Ông ấy đã cống hiến hơn 30 năm cuộc đời để bảo vệ cộng đồng người bản địa”.
Người bản địa gặp nguy hiểm
Rừng nhiệt đới Amazon, Brazil, là nơi hàng chục bộ lạc sinh sống tách biệt với phần còn lại của thế giới. Từ những năm 1980, chính phủ nước này đã nỗ lực bảo tồn các bộ lạc và ngăn cản sự can thiệp của nhiều thế lực bên ngoài, bao gồm những người truyền giáo.
Việc đảm bảo cuộc sống an toàn cho các thổ dân là trách nhiệm của Tổ chức Người da đỏ Quốc gia (FUNAI). Đây cũng là cơ quan liên bang nơi ông Rieli Franciscato công tác trong suốt 30 năm.
Trong những năm gần đây, FUNAI phải đối mặt với nhiều thách thức khi con người gia tăng hoạt động khai thác tài nguyên trong rừng Amazon. Bên cạnh đó, chính phủ Brazil cũng chưa nghiêm trị các nhóm buôn gỗ, đào mỏ từng xâm phạm đất sinh sống của các bộ lạc.
Thổ dân sống trong rừng nhiệt đới Amazon. Ảnh: Dhaka Tribune. |
Ủng hộ việc khai thác rừng, Tổng thống Jair Bolsonaro coi vùng đất của người bản địa là trở ngại cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thậm chí ông còn so sánh thổ dân với động vật trong sở thú.
Trước tình hình này, FUNAI liên tục bị cắt giảm ngân sách và buộc phải đóng cửa một vài chi nhánh ở vùng sâu vùng xa. Dù vậy, ông Rieli Franciscato vẫn kiên định và tin rằng cuộc sống của người thổ dân đáng được bảo tồn.
“Ông ấy là một người xuất chúng”, chuyên gia Moises Kampe chia sẻ về đồng nghiệp. “Mọi việc làm của ông ấy đều xuất phát từ niềm mong mỏi được bảo vệ quyền sinh sống của những người thổ dân”.