Sau 6 tháng bị hạn chế di chuyển, điều dưỡng viên Suellen de Souza không thể chịu đựng được nữa. Cô quyết định sẽ ra biển vào ngày cuối tuần: “Tuần này trời rất nóng và tôi thật sự muốn ra ngoài”.
Tại bãi biển Ipanema của thành phố Rio de Janeiro, hàng nghìn người chen chúc tắm nắng và tận hưởng bầu không khí thoáng đãng của những ngày hè. Suellen de Souza thậm chí còn không tìm được chỗ trống để ngồi xuống.
Trên thực tế, bãi biển Ipanema chưa được phép hoạt động trở lại. Song người dân vẫn đến đây, tụ tập ở khoảng cách gần và không đeo khẩu trang. Dường như không ai để tâm đến những lời cảnh báo và quy định chống dịch của chính phủ Brazil.
“Virus corona đã được kiểm soát tốt hơn. Điều này giúp tôi cảm thấy yên tâm khi ra ngoài”, cô Suellen de Souza, điều dưỡng viên từng làm việc tại một bệnh viện dã chiến, cho biết.
Tình trạng tương tự đang diễn ra trên toàn bang Sao Paulo, vốn là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19. Đến nay, bang này ghi nhận hơn 850.000 ca mắc và 31.000 ca tử vong vì dịch bệnh.
“Nếu ở trong nhà quá lâu, bạn sẽ phát điên. Tôi đã từng như vậy. Tôi lập tức lên kế hoạch đi biển khi biết bãi biển mở cửa”, Josy Santos, một giáo viên 26 tuổi, cho biết. Santos đã dành cả ngày để nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng Guarja.
Patricia Canto, nhà nghiên cứu tại Quỹ Oswaldo Cruz, cảnh báo về làn sóng dịch bệnh tiếp theo nếu người dân Brazil duy trì tâm lý chủ quan.
Người dân Brazil chen chúc trên bãi biển bất chấp cảnh báo về dịch bệnh. Ảnh: ABC News. |
“Tây Ban Nha từng kiểm soát được đại dịch rồi lại ghi nhận nhiều đợt bùng phát trong suốt mùa hè. Người Brazil sẽ phải trả giá nếu tiếp tục đến bãi biển, quán bar mà không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, ông Canto cho biết.
Ông Geraldo Tadeu, nhà khoa học chính trị kiêm điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu về Dân chủ, cho rằng các cấp chính quyền tại Brazil không phối hợp nhịp nhàng, làm xói mòn niềm tin và tinh thần của người dân.
“Sau 6 tháng, mọi người không thể tiếp tục ở trong nhà mà không có hướng dẫn và chỉ thị rõ ràng. Khi chính quyền không đưa ra các quyết sách nghiêm túc, người dân sẽ cảm thấy kiệt sức. Họ ra ngoài vì thấy nhiều người không tuân thủ luật lệ. Như vậy, quá trình cách ly trước đó không còn có giá trị”, chuyên gia Tadeu phân tích.
Brazil vẫn là quốc gia xếp thứ hai thế giới về thống kê dịch bệnh, chỉ sau Mỹ. Tính đến ngày 7/9, nước này ghi nhận hơn 4,1 triệu ca mắc và 126.686 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers. Theo AP, số ca nhiễm mới ở Brazil đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm, nhưng với trung bình 820 ca tử vong mỗi ngày, đây vẫn là con số cao.