"Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng số người nước ngoài cố gắng buôn lậu ma túy vào đất nước", Bộ trưởng Pháp luật Singapore, ông K. Shanmugam nói với Reuters hôm 31/7.
Ông Shanmugam không nói rõ loại ma túy cụ thể nào bị tuồn vào đảo quốc này.
Singapore từ lâu đã có chính sách không khoan nhượng đối với các chất cấm và người sử dụng ma túy ở đây phải nhận mức án tù nhiều năm. Trong những thập kỷ qua, đảo quốc này cũng đã thi hành án treo cổ với hàng trăm người, trong đó có hàng chục người ngoại quốc, vì buôn bán ma túy.
Nhóm cải cách luật pháp và quyền của Malaysia, Lawyers for Liberty cho biết đã có 10 tử tù ở Singapore bị từ chối yêu cầu được khoan hồng trong tháng 7. Nhóm này cho rằng Singapore đang chuẩn bị cho một loạt những cuộc hành quyết, hoàn toàn không quan tâm đến các chuẩn mực pháp lý quốc tế và quan điểm của thế giới.
Bộ trưởng Pháp luật Singapore, ông K. Shanmugam cho biết chính phủ đảo quốc sư tử sẽ tiếp tục giữ chính sách mạnh tay và không khoan nhượng với tội phạm ma túy. Ảnh: Reuters. |
Singapore không tiết lộ thông tin công khai về các kiến nghị và quyết định khoan hồng.
Đảo quốc này đã cảnh báo về một xu hướng toàn cầu giảm nhẹ trừng phạt cho tội phạm ma túy. Họ có 13 vụ hành quyết trong năm 2018, 11 trong số đó dành cho các tội phạm ma túy. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết đây là năm đầu tiên kể từ 2003, số người bị treo cổ ở Singapore lên tới 2 con số.
Ông Shanmugam giải thích số vụ hành quyết cao hơn trong năm 2018 cũng một phần do sự chậm trễ thi hành án của một số vụ hành quyết từ năm trước đó, vì quốc hội nước này quyết định xem xét lại án tử hình.
Bộ trưởng pháp luật Singapore cho biết vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ với quan điểm cứng rắn của chính phủ về ma túy, dù một số nước láng giềng đang nới lỏng các chính sách về tội phạm ma túy.
Ở Malaysia, quốc hội nước này đã bỏ phiếu vào năm ngoái để loại bỏ việc án tử hình là hình phạt bắt buộc đối với tội danh buôn bán ma túy.
Thái Lan cũng đã có những cuộc tranh luận tự do về việc hợp pháp hóa cần sa sau khi loài cây này được cho phép sử dụng với mục đích y tế và nghiên cứu vào năm 2018.