Đông Nam Á đang đứng trước làn sóng khủng bố lớn nhất trong lịch sử.
Dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã sụp đổ, giới chuyên gia nói những chiến binh từng bắn giết trên danh nghĩa tổ chức khủng bố này giờ đang phân tán khắp thế giới và sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn.
Trong 41.000 người đã tới Syria và Iraq để gia nhập IS, có 1.000 người đến từ Đông Nam Á. Một số đã trở về, lập kế hoạch tấn công trên chính quê hương mình.
“Nếu bạn thấy IS đã sụp đổ và cho rằng sắp có những năm tháng hòa bình, bạn đã lầm”, chuyên gia chống khủng bố Ahmad El-Muhammady, đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia, cảnh báo.
Nhiều người lầm tưởng rằng khi một tổ chức khủng bố bị đánh bại, mối đe dọa không còn. Nhưng trên thực tế, các thành viên của nó sẽ phân tán trên toàn cầu và “lẩn trốn khỏi tầm ngắm của chính quyền”.
“Bây giờ đang là giai đoạn ngủ đông. Rồi chúng sẽ trỗi dậy”, ông nói với chuyên mục Insight của Channel News Asia. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Đông Nam Á đã sẵn sàng ứng phó với những chiến binh của tổ chức khủng bố tàn bạo khét tiếng này.
Sau khi ISIS bại trận, những chiến binh về nước là mối đe dọa lớn. Ảnh: Channel News Asia. |
“Chúng sẽ trở về đây”
Nhà nước Hồi giáo tự xưng bị liên quân 79 nước chính thức đánh bại vào tháng ba. Nhưng sau đó, “chúng sẽ trở về đây” - tức Đông Nam Á, khu vực có số người Hồi giáo lớn nhất thế giới, Mohd Farid Mohd Shahran từ Viện Tìm hiểu về Hồi giáo Malaysia (Institute of Islamic Understanding Malaysia) nói với Channel News Asia.
Tệ hơn, tư tưởng của những kẻ khủng bố có thể sẽ bám rễ ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Malaysia và Indonesia.
Nguy cơ trên càng đáng lo ngại khi Indonesia, Philippines và Sri Lanka chứng kiến một số vụ tấn công khủng bố những năm gần đây.
Năm ngoái, những vụ đánh bom ở Surabaya, Indonesia, giết chết 28 người, bao gồm thủ phạm, và trở thành cuộc tấn công đẫm máu nhất liên quan đến IS ở Indonesia tính đến nay. Năm ngoái, ở nước này có tới 12 vụ tấn công, và 13 âm mưu tấn công khác bị chặn đứng.
Năm 2017, một thành viên IS trở về Indonesia giết chết một cảnh sát ở Medan, tây bắc đảo Sumatra.
Ở Malaysia, chính quyền phá vỡ kế hoạch của những lính ISIS trở về nhằm tấn công các đồn cảnh sát và doanh trại quân đội vào năm 2015. Riêng năm ngoái, chính quyền Malaysia được cho là đã ngăn chặn bốn âm mưu khủng bố và bắt giữ hơn 80 chiến binh.
“Khu vực đã chứng kiến làn sóng trở về của chiến binh ISIS từ Syria và Iraq, và nguy cơ sẽ ngày càng tăng”, một báo cáo đánh giá mối đe dọa khủng bố của Bộ Nội vụ Singapore năm 2019 cho biết.
Một vụ tấn công cảm tử nhằm vào Surabaya năm ngoái. Ảnh: AFP. |
Siết chặt luật chống khủng bố
Để đối phó với nguy cơ xảy ra các vụ tấn công, Malaysia đang hành động quyết liệt. Chẳng hạn, Luật Ngăn chặn Khủng bố năm 2015 cho phép chính quyền tạm giữ nghi phạm khủng bố tới hai năm. Các bộ luật khác của nước này cho phép cảnh sát bắt giữ những người phát tán tư tưởng cực đoan.
Tháng 10/2018, 7 người nước ngoài và một người Malaysia bị bắt giữ vì liên hệ tới một trung tâm tôn giáo được cho là phát tán tư tưởng thánh chiến (jihad) theo phong trào Salafi (một nhánh của dòng Sunni) - cũng chính là tư tưởng của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
“Nếu lời dạy của các phong trào Salafi ở một số trung tâm Hồi giáo ở Malaysia không được kiểm soát, không được uốn nắn, điều đó sẽ là mối đe dọa về lâu dài”, Farid từ Viện Tìm hiểu về Hồi giáo Malaysia nói.
Một số trường tôn giáo có thể trở thành mầm mống cho những tư tưởng này, khiến nó lan rộng như “cháy rừng”.
Các nghi phạm bị bắt giữ tháng 10/2018 là học viên và người giảng đạo ở một trường tôn giáo ở bang Perlis, Malaysia. Ảnh: Cảnh sát Malaysia. |
Đến nay, ít nhất 11 chiến binh từ Trung Đông đã về tới Malaysia. Theo hồ sơ, có hơn 40 chiến binh Malaysia rải rác khắp khu vực, và chưa rõ họ đã về nước chưa hay có muốn trở về không.
Những người này, thất vọng vì không hoàn thành sứ mệnh “tử vì đạo”, có thể tiếp tục cuồng tín mà tấn công cảm tử ở quê nhà, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Malaysia Abdul Hamid Bador cho biết hồi tháng sáu.
Chủ nghĩa cực đoan ở Malaysia ngày càng gia tăng, El-Muhammady chỉ ra, “vì những xung đột còn tàn dư ở Syria, những chiến binh về nước, và những thay đổi chính trị trong nước và khu vực”.
Các chiến binh ISIS thất vọng vì không hoàn thành sứ mệnh “tử vì đạo” ở Syria và Iraq có thể tấn công cảm tử ở quê nhà. Ảnh: Channel News Asia. |
Cơ hội làm lại cuộc đời
Ở Indonesia, gần 100 người từng tham gia IS đã về nước, và 500 người khác còn ở Syria hoặc đang lẩn trốn. Cũng tại nước này, nhiều người từng bị kết án khủng bố đang sống cuộc sống bình thường, giữa cộng đồng.
Noor Huda Ismail, chuyên gia giúp những người nhiễm tư tưởng cực đoan tái hòa nhập xã hội, cho biết “những người từng bị kết án phải được trao cơ hội thứ hai để tái hòa nhập xã hội và không quay lại con đường bạo lực”.
Ông làm việc với Pak Ucup, chủ nhà hàng chuyên thuê những người từng là khủng bố, để họ có việc làm và giao du xã hội.
Ucup, cũng từng bị kết án khủng bố, thường tổ chức gặp mặt, tin rằng đây là cách giúp họ bớt cô đơn. Đây cũng là cách để ông để mắt tới họ.
“Nếu họ không kết bạn, họ sẽ quay lại với nhóm bạn cũ vẫn đang rao giảng tư tưởng bạo lực”, Huda nói với Channel News Asia. “Và rồi cả xã hội sẽ trả giá cho việc không thể ‘cải tà quy chính’ những tội nhân khủng bố”.
Khủng bố lên kế hoạch chi tiết trên không gian mạng
Cuộc chiến chống khủng bố dường như khó hơn trên không gian mạng. Trong khi có những bộ luật về việc cải tạo những tên khủng bố, việc uốn nắn tư tưởng của họ khó hơn khi các ứng dụng chat như Telegram được những kẻ cực đoan dùng để liên lạc. Có hàng trăm nhóm như vậy trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt ở Malaysia, Indonesia và Philippines.
Những đối tượng theo IS dùng Telegram để chia sẻ thông tin và kết nối. Ảnh: Channel News Asia. |
“Chúng không còn cần chỉ dẫn hay kế hoạch từ những tên cầm đầu ở Syria; thay vào đó, chúng hoạt động độc lập, chỉ lấy IS làm cái cớ để cuộc chiến của mình có chính nghĩa”, quan chức cao cấp chống khủng bố của Malaysia, ông Ayob Khan Mydin Pitchay nói với Channel News Asia.
Ông cảnh báo làn sóng mới “những người Hồi giáo dễ lôi kéo” đang lên kế hoạch tấn công, sau khi lãnh đạo ISIS Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trở lại trong một video tháng tư.
Theo một cách nhìn nhận khác, đe dọa lớn nhất có thể không phải là các chiến binh trở về, mà là “những người chưa từng sang đó, nhưng vẫn muốn được IS ghi nhận”, Sidney Jones, giám đốc Viện Phân tích Chính sách Xung đột ở Jakarta, Indonesia bình luận.
Nhiều chính phủ có biện pháp an ninh để chặn ảnh hưởng của IS. Nhưng “dark web” (phần riêng biệt của mạng Internet, yêu cầu phần mềm riêng để truy cập), nơi hoạt động của các tổ chức khủng bố, buôn lậu ma túy và tội phạm khác, vẫn chưa được kiểm soát.
Một trao đổi về thiết bị đánh bom trên “dark web”. Ảnh: Channel News Asia. |
Chuyên gia tư vấn an ninh mạng Kenneth Shak còn tìm thấy thông tin tình báo quân sự trên dark web.
“Chúng có những tin tình báo”, ông nói. “Đó là lý do chúng không phải ngày nào cũng tấn công khủng bố - vì chúng còn đang bận lên kế hoạch”.
Huda, chuyên gia tư vấn những người cực đoan, thừa nhận “ở đâu cũng có những phần tử xấu mà chúng ta không thể tái hòa nhập... chúng ta không thể cứu hết được”.
“Chúng tin tưởng mạnh mẽ đến mức (tư tưởng cực đoan) chính là con người của chúng. Với những người này... chúng ta phải nhốt chúng lại và giám sát vĩnh viễn. Chúng ta phải mãi mãi đề phòng chúng”.