Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ASEAN ra thông cáo chung, bày tỏ quan ngại về Biển Đông

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) tại Thái Lan ra thông cáo chung đề cập đến quan ngại về các hành vi cải tạo đất và những diễn biến trên Biển Đông.

Thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp sáng 31/7 nêu rõ một số bộ trưởng đã “bày tỏ lo ngại về các hành vi cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

“Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, trong khi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp theo khuôn khổ luật quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)”, thông cáo kêu gọi.

Biển Đông phủ bóng hội nghị

Các bộ trưởng cũng hoan nghênh những bước tiến trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc để đưa ra bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông nhằm giải quyết căng thẳng mà họ hy vọng sẽ đạt kết quả vào năm 2021.

Hoi nghi bo truong ngoai giao Asian anh 1
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Bangkok hôm 31/7. Ảnh: AP.

Hội nghị kéo dài 4 ngày diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những yêu sách lãnh thổ hung hăng ở Biển Đông, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn và những căng thẳng gần đây ở bán đảo Triều Tiên, theo AP.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Phát biểu với tư cách nước chủ nhà cuộc họp, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai nói với những người đồng cấp ASEAN rằng các thành viên của khối phải trở nên "nhanh nhạy hơn" trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trên toàn cầu.

"Chúng ta phải nhận ra rằng việc hướng nội và trở nên thiển cận không phải và sẽ không bao giờ là lựa chọn của chúng ta. Giữa một biến động lớn, chúng ta phải tăng cường hướng ngoại và nhìn về tương lai nhiều hơn bao giờ hết", ông Don phát biểu.

Ngoại trưởng Thái Lan cũng cảnh báo con đường phía trước "có thể sẽ khó khăn", nhưng sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các nước thành viên ASEAN và những đối tác bên ngoài sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững.

"Đây là việc rất khó có thể cân bằng, nhưng vượt qua nỗi sợ hãi và mất lòng tin giữa chúng ta, và giữa chúng ta với những cường quốc khác, sẽ đưa ASEAN trở thành một phần không thể thiếu của hòa bình và thịnh vượng bền vững trên toàn cầu, mang lại lợi ích cho tất cả các bên", ông Don nói.

Quan ngại của ASEAN về Trung Quốc rõ nét nhất ở vấn đề Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang sử dụng một lực lượng lớn để duy trì yêu sách lãnh thổ sai trái với khu vực rộng lớn, trong đó có những phần chồng lấn với tuyên bố của các quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Trung Quốc cam kết "giải quyết những bất đồng một cách hợp lý"

Trong cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Bắc Kinh và các nước thành viên ASEAN đang tập trung vào việc "giải quyết những bất đồng một cách hợp lý" và cam kết sẽ cùng làm việc để duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực.

Theo Reuters, sau khi họp với các bộ trưởng ASEAN, ông Vương Nghị hôm nay nói rằng "các quốc gia ngoài khu vực không nên cố tình khuếch đại những khác biệt hoặc tranh chấp từ quá khứ", lợi dụng chúng để "gây mất lòng tin giữa Trung Quốc và các nước ASEAN".

Mặc dù không đề cập trực tiếp, tuyên bố này được cho là nhằm vào Mỹ, nước có các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo kế hoạch, ông Vương sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong dịp này. 

Hoi nghi bo truong ngoai giao Asian anh 2
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo tại Bangkok ngày 31/7. Ảnh: AFP. 

Về kinh tế, ông Vương cho biết kim ngạch thương mại hai chiều giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã vượt mức 580 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi đầu tư từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đạt gần 10 tỷ USD, khiến cho lần đầu tiên khu vực này trở thành điểm đến thứ hai của dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đề cập đến việc tất cả các quốc gia ASEAN đều có dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ông Vương cho biết trong năm vừa qua, ASEAN và Trung Quốc đã có "cách tiếp cận dựa trên quy tắc" ở Biển Đông và nhắm tới mục đích hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) trong vòng 3 năm tới.

ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành vòng đàm phán đầu tiên về bộ quy tắc này, nhưng các chuyên gia dự đoán hai vòng đàm phán tiếp theo có khả năng sẽ lâm vào bế tắc vì Trung Quốc sẽ không đồng ý với bất cứ yêu cầu nào làm giảm các yêu sách hàng hải của họ.

Cao ủy EU: Biển Đông là vấn đề quan trọng với tất cả chúng tôi

Cao ủy đối ngoại EU khẳng định bất cứ chuyện gì xảy ra ở Biển Đông đều là vấn đề quan trọng với Liên minh châu Âu, trong bối cảnh Trung Quốc gây căng thẳng tại khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Biển Đông bình yên đến khi TQ vào

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng vùng biển phía tây nước này, tức Biển Đông, bình yên cho đến khi Trung Quốc tiến vào và thực hiện hành động gây hấn.


Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm