Ngày 1/6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, văn bản được xem là tài liệu chính thức đầu tiên của Washington nêu chi tiết về chiến lược này, 18 tháng sau khi Tổng thống Trump công bố khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở" tại APEC 2017 ở Đà Nẵng.
Văn bản liệt kê các ưu tiên của Mỹ trong khu vực, miêu tả Trung Quốc như "thế lực xét lại" trong phần "các xu hướng và thách thức" ở châu Á. Điều này được các chuyên gia nhận định là bước tiến so với chính quyền Barack Obama, vốn luôn tránh đối đầu với Trung Quốc và giữ sự cạnh tranh với Bắc Kinh bằng các thông điệp hàm ý.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hành động hung hăng trong khu vực, gần nhất là việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng nhiều tàu hộ tống xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược này của Mỹ có phát huy tác dụng không và Washington có thể làm gì ngoài các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP).
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur tuần tra tại Biển Đông vào tháng 10/2016. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Chiến lược không rõ ràng, gặp rắc rối
Trao đổi với Zing.vn, Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định rằng sau hơn hai năm, Lầu Năm Góc nhận ra phần lớn các đối tác châu Á vẫn không hiểu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở là gì. Vì Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao không làm rõ cho họ hơn một chút nào, ít ra Bộ Quốc phòng đang cố làm rõ một phần.
"Không may thay, không một trụ cột nào của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở - như các tuyến đường biển tự do và rộng mở, sự đầu tư minh bạch và không cưỡng ép cùng thương mại công bằng, có qua có lại - có thể đạt được chỉ bằng quân sự", ông nói.
Nếu chúng ta giả định rằng "chiến lược" của Mỹ là bảo vệ tự do trên biển, ngăn cản Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng, lấy về các thỏa thuận thương mại "tự do, công bằng và có qua lại", thì rõ ràng chiến lược đang gặp rắc rối.
"Không một đối tác nào hứng thú với chiến lược chỉ chăm chăm vào các thỏa thuận thương mại song phương của Mỹ", ông nói và cho rằng Trung Quốc đang sử dụng những khoản vay béo bở từ sáng kiến "Vành Đai, Con Đường" để làm suy yếu quyền tự quyết của các nước nhỏ.
Đối với thương mại trên biển, bao gồm việc phải bảo vệ quyền lợi trên Biển Đông của các đối tác, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ phản ứng rất chậm, để mặc Bộ Quốc phòng với chương trình FONOP, vốn không thể tự có hiệu quả.
Trong bài viết đăng trên East Asia Forum, tác giả Nick Bisley của Đại học La Trobe, cũng nhận định dù chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở vừa được công bố có thể xem là phiên bản "cơ bắp" hơn của chính sách Mỹ trước nay, nó lại thiếu kết nối với chính sách kinh tế.
Trật tự khu vực, ổn định và thịnh vượng, trong khu vực và xoay quanh Mỹ được hỗ trợ bởi các lợi ích chính trị và kinh tế song hành. Khi đó, Mỹ giữ vai trò trung tâm không chỉ vì gìn giữ hòa bình mà còn là thị trường xuất khẩu chính, nguồn FDI chủ chốt của khu vực.
Thái độ thay đổi rõ rệt của Washington
Hiện tại, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm cán cân kinh tế không còn nghiêng hoàn toàn về Mỹ như xưa.
Julian Ku, giáo sư tại Trường Luật Maurice A. Deane thuộc Đại học Hofstra, Long Island, New York, nói rằng tuyên bố ngày 20/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy thái độ của Washington với khu vực đã thay đổi rõ rệt, so với thông cáo vào năm 2014 khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam.
"Trong khi họ vẫn nói về việc trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền, họ không còn ngại trong việc chỉ trích Trung Quốc hành động sai trái. Trong quá khứ, họ sẽ kêu gọi tất cả các bên (bao gồm những nước hành xử đúng như Việt Nam) kiềm chế", ông nói với Zing.vn.
"Có thể là Mỹ có lý do để đứng ở một vị trí pháp lý rõ ràng hơn - chống lại Trung Quốc - sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vào năm 2016".
Trong khi đó, theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, tuyên bố lần này của Mỹ không tạo được khác biệt gì vì "sức mạnh của Mỹ không còn như xưa" và vào năm 2014, không chỉ Bộ Ngoại giao mà Thượng viện Mỹ cũng ra nghị quyết lên án Trung Quốc tại Biển Đông.
Một phần động lực để Trung Quốc hung hăng tại Biển Đông như hiện nay, theo ông, là vì Mỹ không còn là người dẫn đầu trong các cơ chế đa phương, không thể thúc đẩy đồng minh cùng đối phó Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ dù có sự độc lập nhất định, nhưng cũng bị hạn chế về khả năng, dẫn đến việc "chỉ có thể cho tàu đi lòng vòng".
Sức mạnh kinh tế đã giúp Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở nhiều khu vực. Ảnh: AFP. |
Các nước có thể tăng "cái giá Trung Quốc phải trả nếu leo thang"
Bốn thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Bob Menendez, Ed Markey, Patrick Leahy và Brian Schatz - hôm 29/7 đã gửi thư đến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, yêu cầu ông ưu tiên thảo luận việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ở Diễn đàn khu vực ARF vào ngày 2/8 tại Bangkok.
Các thượng nghị sĩ thúc giục người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ "đảm bảo rằng các hành vi hung hăng và bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận của ông" và "coi cuộc gặp tới đây là cơ hội tạo đồng thuận để bảo vệ quyền của đồng minh và đối tác của Mỹ".
Họ đánh giá cao lập trường của chính quyền Mỹ lên án hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc và đồng tình với các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ trong khu vực, nhưng cũng cho rằng “cần hành động nhiều hơn để đẩy lui các hoạt động gây hấn và ngăn chặn xu hướng hành xử bất chấp của Trung Quốc”.
Bức thư của các thượng nghị sĩ Mỹ. |
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Mỹ và các đối tác bên ngoài - như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ - có thể hỗ trợ các nước ASEAN duy trì trật tự và tự do trên biển bằng các hỗ trợ về tàu bè, huấn luyện hoặc "cung cấp công cụ bảo vệ an ninh chung".
Dự thảo Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông đang được quốc hội Mỹ thảo luận sẽ cho phép trừng phạt các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc mở rộng và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Tiếng nói của Mỹ tại khu vực cũng sẽ mạnh thêm nếu dự luật này được thông qua", ông Long nói.
Theo ông Ku, cách duy nhất để ngăn cản việc Trung Quốc tiếp tục các hành động ép buộc trên Biển Đông là Mỹ và các nước khác phải sẵn sàng cam kết, tiếp tục duy trì và thúc đẩy hiện diện quân sự, chính trị tại khu vực này, xây dựng mối liên kết với các đối tác quan trọng như Việt Nam và Philippines.
"Không dễ thay đổi hành vi của Philippines vào lúc này và tôi đồng ý rằng Trung Quốc đã tạo nên 'một điều bình thường mới'", ông nói.
Dự thảo Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông đang được quốc hội Mỹ thảo luận cho phép trừng phạt các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc mở rộng và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AFP. |
Theo ông Ku, việc các quan chức Mỹ tiết lộ thông tin về căn cứ quân sự Campuchia cho Bắc Kinh thuê là một phần trong chiến dịch quan hệ công chúng của Washington để hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực (Campuchia bác bỏ thông tin này).
Đây là cách Washington tạo thêm áp lực cho chính quyền Campuchia và là ví dụ cho thấy Mỹ đang tập trung vào việc đối đầu với Trung Quốc ở khu vực này hơn là trong quá khứ.
Ông Long cho rằng Trung Quốc, dù với sức mạnh kinh tế đang lên, có các vấn đề quốc nội và họ không thể trả giá nếu để xảy ra sự cố trên Biển Đông. Vì vậy, trong ngắn hạn Trung Quốc chỉ muốn đe dọa các nước khai thác ở Biển Đông và các công ty muốn hợp tác khai thác dầu nhằm đẩy những nước bên ngoài ra khỏi khu vực, khiến các công ty còn lại chùn chân. Nhưng một sự cố xảy ra sẽ khiến Trung Quốc phải chịu áp lực từ thế giới.
Vì vậy, Việt Nam có thể dùng ASEAN như một diễn đàn để lên tiếng, nếu không có được sự ủng hộ của toàn ASEAN thì có thể tranh thủ một số thành viên, liên tục tạo áp lực tại các diễn đàn đa phương ở châu Âu hoặc Liên Hợp Quốc.
Chuyên gia Poling của CSIS cũng nói rằng Mỹ và các nước lớn khác bên ngoài khu vực có thể ủng hộ quyền lợi Việt Nam bằng cách làm tăng cái giá ngoại giao và kinh tế Trung Quốc phải trả nếu leo thang hành động.
Ông cho rằng Australia khá háo hức được tham gia vào FONOP, và mối quan hệ với Ấn Độ đã được cải thiện đáng kể, "nhưng luôn có một giới hạn về khả năng của họ trong việc đối đầu Trung Quốc".
"(Còn Mỹ) cần một chiến lược nhất quán từ Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, điều mà Bộ Quốc phòng không thể tự làm", ông nhắc lại.