355 triệu doanh thu, chưa đầy 4 nghìn vé bán ra trên 563 suất chiếu tuần mở màn.
Những con số gây ngạc nhiên với một tác phẩm có chi phí sản xuất không hề nhỏ như Domino: Lối thoát cuối cùng, dự án được ghi hình chủ yếu trên đất Mỹ.
Ra rạp từ 11/10, bộ phim hành động của Nguyễn Phúc Huy Cương rơi vào cảnh hẩm hiu. Có nhiều lý do khiến Domino không thu hút được quan tâm của khán giả. Ngoài thể loại kén khách, kịch bản sáo mòn, ngay cả màn trình diễn của dàn cast, trong đó có Thuận Nguyễn, cũng mờ nhạt, kém thu hút và kéo tụt chất lượng phim.
Nhân vật “lạ mà quen”
Câu chuyện Domino xoay quanh cuộc sống của những băng đảng “giang hồ” Việt trên đất Mỹ.
Trong phim, Thuận Nguyễn hóa thân vai chính An - con trai của một ông trùm có số má. Anh sinh sống ở Việt Nam, không theo con đường mà ba đang đi. Để rồi khi trở về Mỹ gặp lại ba sau nhiều năm xa cách, An bị cuốn theo sóng gió giữa các thế lực ngầm.
Trong cuộc chiến giành quyền lực, ba của An bị đối thủ ám hại. An bất đắc dĩ bị kéo vào cuộc chiến giữa hai phe đối địch.
Domino thu chưa đầy 450 triệu sau 5 ngày khởi chiếu. |
Câu chuyện diễn ra trong 103 phút thời lượng của Domino chủ yếu khắc họa bức tranh về các thế lực ngầm trong xã hội, một đặc trưng của dòng phim Neo-noir nổi lên nhiều thập kỷ trước.
Khoảng thời gian gần đây, thể loại phim tội phạm này đang dần lấy lại vị thế trên màn bạc. Bởi tại đó, người xem thích thú khi bắt gặp những nhân vật hoàn toàn khác với hình tượng anh hùng thường thấy. Chúng lạc lõng và đen tối, phản ánh những mặt thô ráp, gai góc trong bản ngã và đạo đức con người.
Song thực tế, bộ phim của Nguyễn Phúc Huy Cương lại chưa khơi gợi được những trải nghiệm độc đáo ấy. Kịch bản Domino mang lại cảm giác là sự chắp vá từ những tác phẩm nổi tiếng cùng thể loại. Ở đó, rất dễ bắt gặp những tình tiết, hay nguyên mẫu nhân vật quen thuộc từng xuất hiện trong A Bronx Tale, Gomorrah hay chính Bố già (The Godfather)- tác phẩm kinh điển của đạo diễn Francis Ford Coppola về thế giới mafia, tội phạm.
Không khó nhận ra vai diễn của Thuận Nguyễn chứa nhiều điểm tương đồng với Michael Corleone trong The Godfather - những cậu con trai muốn tránh xa rắc rối và không muốn nối nghiệp ba. Tương tự Michael, An dửng dưng trước đế chế của gia đình. Nếu Michael quyết định nhập ngũ, thì An được mẹ dẫn về sống tại Việt Nam, tránh xa hoạt động của gia tộc ở Mỹ.
Sau cái chết của ba, An hay Michael đều bị cuốn vào cuộc tranh đấu giữa các thế lực ngầm, tính mạng luôn trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Cả hai ban đầu đều cố gắng bỏ trốn, nhưng rồi biến cố xảy ra khiến họ “hắc hóa”, quyết tâm đặt chân vào con đường máu. Sau cùng, hành trình này tất nhiên không dễ dàng, và cả Michael lẫn An đều phải trả giá đắt là tính mạng của người mình yêu...
Thuận Nguyễn diễn xuất kém thuyết phục trong phim mới. |
Những “học hỏi” một cách lộ liễu như vậy khiến nhân vật của Thuận Nguyễn trong Domino khó tạo thiện cảm. Vì không chỉ nhàm chán, thiếu sáng tạo, An còn là một “bản sao" kém hoàn hảo với nhiều lỗ hổng trong tính cách và hành trình phát triển tâm lý xuyên suốt bộ phim.
Diễn xuất vụng về
Nửa đầu tác phẩm, nhân vật của Thuận Nguyễn tỏ ra mờ nhạt và hoàn toàn lạc lõng.
Anh chàng ban đầu có một cuộc sống bình thường ở Việt Nam. Song, những tái hiện của đạo diễn về đời sống nhân vật còn khá hời hợt và mơ hồ. Chính điều đó khiến An dường như trở thành “vai phụ”, xuất hiện lạc lõng mà không kịp để lại bất kỳ ấn tượng nào với khán giả. Một vài cảnh thoáng qua như khi thư giãn ở hồ bơi, hay đối thoại với trợ lý về việc giữ khoảng cách với gia đình cũng chưa thể tạo ra hình dung cụ thể về tính cách nhân vật.
Tương tự Michael của The Godfather, đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương muốn khắc họa công cuộc “hắc hóa” của An với những thái cực cảm xúc, tính cách đối lập. Dẫu vậy, nếu Francis Ford Coppola xây đắp tiến trình này một cách chậm rãi và thuyết phục, thì trong bộ phim Việt, vai diễn của Thuận Nguyễn lại bộc lộ không ít lỗ hổng tâm lý.
An ban đầu hoàn toàn trong sạch, thiện lương, không biết điều gì đang chờ mình phía trước. Sự thơ ngây đó theo chân nhân vật cho tới tận khi xuống tay giết người lần đầu tiên, dù chỉ là hành động tự vệ. An ám ảnh, sợ hãi và trở nên hoảng loạn. Thế nhưng, sang chấn tâm lý đó không kéo dài lâu khi những cuộc đụng độ với băng đảng khác diễn ra vồ vập ngay sau đó.
Lúc này, diễn xuất của Thuận Nguyễn tỏ ra kém thuyết phục khi thể hiện sự lo âu hay đau khổ. Gắn kết giữa An với gia đình chưa đủ sâu sắc làm người xem tin vào những cảm xúc mà nam diễn viên truyền tải. Chính vì vậy, nó mang lại cảm giác sắp đặt, thiếu tự nhiên.
Đáng nói, chuyển biến tâm lý nhân vật không đi kèm với hành động. Một nửa thời lượng phim trôi qua, An vẫn quay cuồng trong mớ sự kiện rối rắm mà chưa xác định được “mục tiêu”. Nhân vật chỉ biết thoại “Bây giờ phải làm sao” khi đứng trước rắc rối, thiếu sự chủ động sau mỗi bước ngoặt của câu chuyện.
Sở hữu hình thể, gương mặt sáng, lại có kinh nghiệm nhưng Thuận Nguyễn không được trao nhiều cảnh hành động để tỏa sáng. |
Vì lẽ đó, việc nhân vật chấp nhận số phận và vùng lên ở nửa sau phim tỏ ra vội vã. Đỉnh điểm là khi chứng kiến cái chết của Katy, cô bạn gái anh mới quen. Tuy nhiên, việc mối quan hệ của cả hai chỉ được xây đắp hời hợt trước đó khiến chuyển biến tâm lý của An càng thêm phi lý.
Tình cảm của An và Katy hầu hầu như chỉ hiện lên qua lời thoại. Sự đồng cảm giữa hai tâm hồn xa lạ đơn thuần được tô vẽ qua câu nói: “Đâu ai muốn tiếp xúc với người có gia đình là giang hồ như em”. Sự cô đơn hay những tổn thương tinh thần của nhân vật không cần phải thể hiện qua những câu từ kể lể như vậy.
Chứng kiến người mình thương chết ngay trước mắt, An từ kẻ ngây ngô phút mốt trở thành một gã hăng máu trả thù. Tính sắp đặt của kịch bản cũng trở nên lộ liễu từ đây, khi nhân vật vạch kế hoạch, điều khiển băng đảng và cả nhóm sát thủ bí mật một cách ngoạn mục, không chút kẽ hở. Chẳng cần phải đấu tranh, biên kịch trao cho nhân vật gần như mọi công cụ, phương tiện để một bước biến thành “ông trùm”.
Hành trình của An, vì vậy, mà càng khó đồng cảm.
Lúc này, Thuận Nguyễn có cố gắng khắc họa màn “lột xác” của nam chính, song vẫn tỏ ra gượng gạo. Nam diễn viên thể hiện sự nguy hiểm, máu lạnh của nhân vật bằng những cử chỉ, biểu cảm có phần khoa trương, từ “trợn mắt nhướn mày” cho tới nhếch mép, gằn giọng...
Song, những gì “đen tối” nhất trong tâm trí và suy nghĩ nhân vật lại bị lãng quên.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.