Anh chưa bao giờ tận hưởng một trận mở màn World Cup bùng nổ như vậy. Sáu bàn thắng, cùng một màn trình diễn thăng hoa và những đường bóng hấp dẫn, đã đặt dấu ấn sớm cho bốn tuần tiếp theo ở Qatar.
Tuy nhiên, trận đấu này chắc chắn còn được nhớ đến vì một điều hoàn toàn khác: Cảnh tượng đáng chú ý khi các cầu thủ Iran từ chối hát quốc ca nhằm thể hiện sự đoàn kết với những phụ nữ bị ngược đãi và người biểu tình ở quê nhà, theo Guardian.
“Đội bóng thuộc về người dân”
Khi quốc thiều vang lên khắp sân vận động quốc tế Khalifa, các cầu thủ Iran mím môi, cúi đầu và khóa chặt vai nhau. Nhiều người hiểu rằng họ và gia đình có thể sớm phải trả giá đắt vì hành động đó. Nhưng họ vẫn tiếp tục.
Một máy quay trong sân vận động lia sang một phụ nữ Iran trên khán đài. Cô đang khóc.
Các cầu thủ Iran không hát khi quốc thiều của Iran vang lên tại sân vận động quốc tế Khalifa ở Doha, Qatar, trong trận đấu với đội tuyển Anh. Ảnh: Reuters. |
Nhiều phụ nữ Iran ở đây mặc áo phông, cầm các băng rôn, bảng hiệu có dòng chữ “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do”. Chúng đã trở thành biểu tượng của làn sóng biểu tình trong hơn 2 tháng nay, kể từ khi Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd gốc Iran, 22 tuổi, chết trong bệnh viện khi bị cảnh sát giam giữ hồi giữa tháng 9. “Tội” mà cô phạm phải là không đội khăn trùm đầu đúng cách.
Những phụ nữ trên tại sân vận động mặc váy ngắn và đầm, hát và mỉm cười, đó đều là những điều cơ bản mà nhiều người mong muốn có được ở quê hương họ.
Người ta sẽ càng thấy rõ sự dũng cảm hơn nữa trong hành động của các cầu thủ Iran khi hiểu rõ về những gì đang xảy ra tại quê hương họ.
Hai cổ động viên Iran có mặt tại sân vận động, Bardia và Fred, đã ca ngợi sự dũng cảm của các cầu thủ. Bardia đã dán băng keo đen lên huy hiệu trên áo đội của anh ấy để thể hiện sự phản đối đối với sự hà khắc với phụ nữ tại đất nước, trong khi Fred giải thích lý do có hàng nghìn người cổ vũ đội của họ ở Qatar.
“Đối với người Iran trên toàn thế giới, trái tim của chúng tôi hướng về phụ nữ và những người trẻ tuổi. Đội bóng của chúng tôi thuộc về người dân”, anh nói.
Cổ động viên biểu tình bảo vệ quyền của phụ nữ tại sân vận động Khalifa, Qatar, trong trận đấu giữa Iran và Anh. Ảnh: Reuters. |
Chiếc băng tay OneLove và lời đe dọa thẻ vàng
Đội tuyển Iran đã chiến đấu hết mình trong 90 phút sau đó, nhưng họ không phải là đối thủ của Anh.
Bàn thắng của Jude Bellingham mở màn, theo sau là loạt cú sút của Bukayo Saka, Raheem Sterling, Marcus Rashford và Jack Grealish.
Màn ăn mừng của Grealish đặc biệt đáng chú ý. Cầu thủ của Manchester City đã hứa với một cổ động viên 11 tuổi bị bại não rằng anh sẽ thực hiện một màn ăn mừng để vinh danh cậu bé vào lần ghi bàn tiếp theo, và anh đã chứng minh lời hứa của mình.
Trong khi đó, huấn luyện viên Gareth Southgate không hoàn toàn hài lòng. Ông thất vọng khi thấy đội của mình để thủng lưới hai bàn vào cuối trận. “Tôi không thích phần cuối của trận đấu. Tôi hiểu các cầu thủ đã mất tập trung, và điều đó sẽ không đủ để chúng tôi tiến bộ trong giải đấu”.
Thế nhưng trái với sự vui mừng của đội tuyển Anh, và trái với phản ứng thường thấy trong mỗi trận đấu bóng đá, sự tôn vinh dường như dành nhiều cho tuyển Iran - đội thua cuộc, trong khi tuyển Anh - đội thắng cuộc - chứng kiến một quyết định phút chót gây thất vọng.
Trong hai tháng qua, Anh và xứ Wales nằm trong số 7 đội bóng châu Âu hứa sẽ đeo băng tay OneLove để phản đối sự phân biệt đối xử, đặc biệt là với cộng đồng LGBT, ở Qatar.
Tuy nhiên, sau khi FIFA cảnh báo họ vào tối 21/11 rằng họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt thể thao, bao gồm việc đội trưởng của họ có thể phải chịu thẻ vàng, lời hứa của một đội bóng lớn dễ dàng bị rút lại.
Từ góc độ thể thao, quyết định này là dễ hiểu, vì các cầu thủ bỏ lỡ các trận đấu loại trực tiếp quan trọng nếu không nhượng bộ. Nhưng khi so sánh với hành động của các cầu thủ Iran, người ta có thể thấy sự tương phản rõ rệt trong bản lĩnh giữa hai bên.
Như cựu vận động viên Olympic người Anh Jeanette Kwakye đã lưu ý: “Các cuộc biểu tình mạnh mẽ nhất trong thể thao toàn cầu không cần xin phép”.
Băng tay OneLove biểu tượng cho chiến dịch cùng tên nhằm phản đối phân biệt đối xử với cộng động LGBT tại World Cup 2022. Ảnh: UEFA. |
Ông Southgate thậm chí nói rằng ông hiểu quyết định của FIFA. “Bạn có thể đặt ra một tiền lệ và rất khó xác định đâu là ranh giới. Nhưng mọi người biết chúng tôi đại diện cho điều gì”.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền không dễ tha thứ. Nhà vận động kỳ cựu cho quyền của người đồng tính Peter Tatchell chỉ trích Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã thể hiện “bản chất thật” của mình sau khi phát biểu về sự hòa nhập vào cuối tuần.
“Tôi kêu gọi các đội trưởng trong cuộc họp báo sau trận đấu chỉ cần dành 30 giây để lên tiếng về quyền của phụ nữ, LGBT và lao động nhập cư. Điều đó sẽ có tác động rất lớn, tiếp cận được lượng khán giả toàn cầu lên tới hàng trăm triệu người”, ông Tatchell nói.
“FIFA đã nghiền nát chiến dịch OneLove với lời đe dọa thẻ vàng. Đã đến lúc rút thẻ đỏ cho FIFA và Qatar”, ông nhấn mạnh.
FIFA trong khi đó lập luận họ chỉ áp dụng các quy định đã có từ lâu “để bảo vệ tính toàn vẹn của sân chơi”, và rằng đó là một “tổ chức toàn diện”. Thay vào đó, các đội trưởng sẽ đeo băng tay khác như một phần của chiến dịch không phân biệt đối xử của FIFA.
Bóng đá - World Cup - những góc khuất
Cuốn sách "Bóng đá - World Cup - những góc khuất" mong muốn mang đến những thông tin hữu ích giúp fan bóng đá có thêm hiểu biết và sự cảm nhận đầy đủ hơn về những trận đấu bóng đá.