Bún thang là một món ăn đặc trưng của người Hà Nội. Ảnh: Foodeli. |
Tôi rất thích bún thang.
Tôi không muốn thần thánh hóa một món ăn, chỉ đơn giản tôi thấy món này rất gợi. Gợi cơn thèm ăn thì không hẳn, vì nó không giống như nem nướng, tươm mỡ bóng loáng hay vịt quay đậm đà hương vị. Gợi là gợi thơ văn.
Khi viết truyện, tôi có lấy “trộm” một câu của cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, cô giáo dạy nấu ăn mà tôi thích từ bé khi xem chương trình “Khéo tay hay làm”.
Cô là người Hà Nội nhưng vào Nam đã lâu, những người Bắc hiện nay có lẽ sẽ cảm thấy cung cách của cô không gần gũi lắm. Điển hình là trên mạng, có nhiều bình luận trong video clip cô dạy nấu ăn, bảo cô nấu món Bắc không giống với cách họ thường ăn. Có người bảo cô nấu bún thang thiếu nấm chẳng hạn.
Tôi nghĩ không phải là thiếu, đơn giản mỗi nhà nấu mỗi khác, miễn sao giữ đúng hương vị món ăn để sao khi gọi tên người ta liên tưởng được là hay rồi.
Tôi chưa ăn bún thang cô nấu (hồi nhỏ có đi nhà hàng Doãn, hình như ở quận 3 trong TP.HCM nhưng không nhớ là có món này hay không), không dám nói cô nấu ngon hay dở, chỉ biết là tôi thích cách cô giảng về món bún thang.
Cách cô trình bày bún thang trong bát chiết yêu, thứ gì cũng thái thật nhỏ thật đều, xếp vào chỉ một tí, khiến tôi thấy được vị thanh, trong, lành của món này.
Cô bảo món ăn quốc hồn quốc túy của miền Bắc không chỉ có phở đâu, mà bún thang cũng ngang hàng đấy, tôi đồng ý.
Cá nhân tôi chưa bao giờ thích việc phở được quảng bá quá nhiều, làm người ta quên đi hai món rất Việt khác là bánh cuốn và bún thang.
Thực ra cũng dễ hiểu thôi, phở không ăn với nước mắm hay mắm tôm, dễ được thực khách nước ngoài tiếp nhận hơn. Vậy nhưng, bún thang dù có mắm tôm vẫn rất thanh, rất trong, rất lành, điều mà ít có món nào thay thế được.
Nếu các bạn có xem chương trình “Người đương thời” sẽ thấy cô Vân xuất hiện, cô chọn bún thang để đáp lại yêu cầu của chương trình, là làm một món ăn thể hiện nhân sinh quan của cô.
Tôi “trộm” của cô Vân câu nói là: Các cụ ngoài Bắc ngày xưa khi chọn dâu rất ưng những cô nấu món này, vì nó thể hiện được cái khéo léo và tinh tế của người làm bếp.
Bún thang tập hợp cả cách ăn và cách sống của người Việt là phải cân bằng âm dương, ngũ hành, các yếu tố tương sinh tương khắc.
Nhân đây cũng xin tạ lỗi với cô, dù biết là cô chẳng đọc được đâu.
Dĩ nhiên, nếu chỉ nghe và xem cô Vân thì tôi không thể nào yêu quý bún thang quá được. Món này cũng gắn bó với những kỷ niệm về bà và mẹ tôi, cũng chính là những người giúp tôi hiểu hơn về văn hóa miền Bắc.
Mẹ tôi gốc Bắc, không sinh ra và cũng chẳng lớn lên ở miền Bắc đâu, lại vào Nam đã lâu, từ lúc về nhà chồng lại tập nói tiếng Nam, nấu món Nam, chính mẹ cũng tự nhận mình là người miền Nam.
Nhưng mẹ thỉnh thoảng vẫn nấu canh bung cho cả nhà, vẫn làm đậu hũ chiên (đậu phụ rán) tẩm nước mắm hành, vẫn kể về bà ngày xưa ở ngoài Bắc ra sao.
Đám giỗ bên ngoại, mẹ và các dì vẫn nấu canh măng giò heo và mua giò thủ, hai món này hình như không có trong mâm giỗ người Nam, ít ra quê ba tôi là vậy.
Ngày xưa, lúc bà còn khỏe, tôi nhớ bà có nấu bún thang trong một lần giỗ. Ba tôi bảo món này bà ngoại nấu rất ngon.
Mẹ tôi kể ngày xưa, khi bà nấu, mẹ còn nhỏ không chịu được mùi cà cuống, mà cà cuống đắt lắm, chỉ có ông được ăn thôi. Tôi nhớ bà nấu không có nấm, các bạn Hà thành ngày nay chắc không hài lòng. Riêng tôi thì thích cách nấu của mẹ, của bà.
Hè năm 2014, khi về Việt Nam chơi, lần đầu tiên tôi phụ mẹ nấu món này.
Bỏ bao nhiêu thời gian thái giò lụa, trứng, rồi xé nhỏ thịt gà, tôi có đùa với mẹ, đổi tên món này thành bún cực đi, nấu gì cực quá.
Cực nên nấu xong ăn thấy ngon.
Dông dài về bún thang là vậy, tôi không có ý bảo bún thang Hà Nội bây giờ không ngon, chỉ đơn giản là tôi thấy bản thân mình hợp hơn với cách nấu của nhà bên ngoại.
Người ta yêu một món ăn thật ra là là vì yêu gia đình, yêu ngươi nấu.
Tôi đưa bún thang vào vì nó gợi nhắc về không khí gia đình về những lời mẹ kể cho con và những lời bà kể cho mẹ.
Tôi không phải người thanh cao thoát tục gì, nhiều khi tôi vẫn thèm thịt nướng tươm mỡ óng ánh thôi.
Bún thang cũng không phải là món ăn thần thánh gì cả, chỉ đơn giản là nhiều khi cô đơn trên đất Mỹ, tôi lại nhớ về một bát bún thang.
Xin chế lại mấy dòng thơ mình đã viết cho hợp tình cảnh:
khi đi trên đường Nữu Ước
nhẩm hát khúc Hoài lang
biết đã sa vào đường ong bướm
nhưng vẫn chưa quên được bát bún thang.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.