Hình bìa sách là bức tranh sơn dầu Đánh chiếm trại của Abd-el-Kader năm 1843. Bức tranh mô tả người Pháp chiếm đồn trú của Abd-el-Kader trong cuộc chinh phục Algeria của Pháp năm 1843. Ảnh: Việt Linh. |
Châu Phi là lục địa sở hữu phong phú các loại địa hình cảnh quan và đa dạng văn hóa với khoảng 1.500 ngôn ngữ được sử dụng.
Lịch sử của giàu có, tham vọng và nỗ lực
Cùng đó là vô vàn mối nguy tiềm tàng. Phần lớn châu Phi chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt và biến động, lượng mưa không ổn định, hạn hán thường xuyên, địa hình trắc trở, đất đai nghèo nàn và rất nhiều bệnh tật cho cả con người lẫn động vật.
Dẫu vậy, bù đắp lại những khó khăn kia là nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào (vàng, ngà voi, dầu mỏ, các mỏ khoáng sản quý…) đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự giàu có của châu Phi suốt 5.000 năm qua. Đây cũng là nguyên do dẫn đến những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, những xung đột nội bộ của châu Phi từ xưa đến nay.
Ngay từ thời pharaoh, người đời đã thèm khát sự giàu có của châu Phi. Truyền thuyết về một châu Phi thịnh vượng đã kéo dài hàng nghìn năm, thu hút bao nhà thám hiểm và kẻ xâm chiếm đến từ những vùng đất xa xôi. Đỉnh điểm chính là “cuộc tranh giành” lãnh thổ châu Phi giữa các cường quốc châu Âu vào cuối thế kỷ XIX.
Trải qua hơn 70 năm bị thực dân đô hộ, cuối cùng kỷ nguyên độc lập cũng bắt đầu từ những năm 1950. Cuộc đấu tranh giành độc lập đã mang lại hân hoan cho người dân và nhận được sự tán dương của toàn thế giới. Châu Phi mang lại nhiều hứa hẹn. Các nhà lãnh đạo châu Phi tiến về phía trước với năng lượng và nhiệt huyết thực hiện nhiệm vụ phát triển châu lục, nhưng rồi tham vọng quyền lực của giới cầm quyền đã đẩy châu lục chìm trong những xung đột nội bộ.
Bất chấp các rủi ro và phiền nhiễu nơi đây, sự giàu có của châu Phi khiến lục địa này vẫn mang sức cám dỗ mạnh mẽ trong thế kỷ XXI. Các hoạt động tương tự các tập đoàn phương Tây trước đây, những tay chơi mới lại đặt chân đến vùng đất này.
Sức mạnh kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc và các nước châu Á khác đã kích thích bùng nổ nhu cầu đối với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản của châu Phi. Một lần nữa, đất đai lại trở thành loại hàng hóa được đánh giá cao. Và tương lai, châu Phi vẫn là lục địa có tiềm năng to lớn.
Sách có nhiều ảnh minh họa màu trực quan, sinh động. Ảnh: O.P. |
Góc nhìn đa diện về châu Phi
Ông Đỗ Hoàng (Viện Biển Đông), một trong ba dịch giả của cuốn sách nhận định tác phẩm này đưa đến góc nhìn đa diện từ chính trị, lịch sử, kinh tế đến văn hóa. Ngoài ra, ở góc nhìn nghiên cứu quan hệ quốc tế, cuốn sách cung cấp các thông tin giúp lý giải các vấn đề của châu Phi hiện đại, vốn đã có cội rễ từ rất lâu trong lịch sử, nhất là ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân.
Sách không chỉ đi theo tuyến tính thời gian, mà theo hướng khảo sát lịch sử - vẽ bức tranh toàn diện và cũng sử dụng các thuật ngữ không quá thách thức, kỹ thuật. Do đó, cuốn sách tương đối dễ tiếp cận, không chỉ hướng đến đối tượng là các sinh viên, nhà nghiên cứu, mà dành cho tất cả bạn đọc quan tâm tìm hiểu.
Dịch giả Hoàng Đỗ cũng lưu ý cuốn sách 1.000 trang thì không thể đi sâu vào tất cả các khía cạnh mà tác giả chủ yếu nêu bật và bàn luận những sự kiện, chi tiết quan trọng nhất nhằm chứng minh cho các lập trường, quan điểm của mình. Dẫu vậy, những bạn đọc tìm đến sách vì mục đích nghiên cứu chuyên sâu vẫn có thể tìm thấy những điểm thú vị, góc nhìn mới.
Sách viết về châu Phi vốn đã ít, và những sách đã được giới thiệu đến độc giả Việt Nam lại càng hiếm hoi hơn. Do đó, dịch giả Hoàng Đỗ hy vọng Phi châu thịnh vượng - Lịch sử 5.000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực sẽ là một khởi đầu thuận lợi để các nhà xuất bản quan tâm, giới thiệu nhiều đầu sách khác về cùng chủ đề đến bạn đọc, đặc biệt là các đầu sách viết bởi tác giả bản địa.
Nhà sử học, nhà báo Martin Meredith đã dành nhiều thời gian và tâm huyết đi sâu tìm hiểu lịch sử phát triển của châu Phi. Phi châu thịnh vượng - Lịch sử 5.000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực - một trong những công trình tráng lệ của ông (ba dịch giả Nguyễn Sinh Viện, Nguyễn Hoàng Minh, Đỗ Hoàng chuyển ngữ) là một trong hai quyển sách thuộc bộ sách "Lịch sử châu Phi" - bộ đầu tiên trong Tủ sách Châu lục của Omega Plus Books. Sách do Omega Plus Books liên kết với Nhà xuất bản Thế giới xuất bản.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.