Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bức ảnh gây sửng sốt trong 37 phút đi vào lịch sử của bà Harris

Giữa hàng nghìn ánh mắt dõi theo bà Harris suốt 37 phút ở đêm bế mạc Đại hội đảng Dân chủ, Amara - cháu gái bà - nổi bật như đại diện của thế hệ mới, tạo nên khoảnh khắc ý nghĩa.

kamala harris anh 1

Phó tổng thống Kamala Harris đã chính thức chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ vào tối 22/8, kết thúc một kỳ đại hội đảng Dân chủ khác hẳn bất kỳ kỳ đại hội nào trong lịch sử hiện đại.

Khi bà Harris kể về ảnh hưởng của mẹ đối với cuộc đời mình, cháu gái lớn của bà - Amara, 8 tuổi, mặc một bộ đồ màu hồng và buộc tóc hai bên - liên tục dõi theo từ hàng ghế đầu trong hội trường đông đúc. Nhiếp ảnh gia Todd Heisler đã ghi lại khoảnh khắc đầy ý nghĩa này.

New York Times nhận định bài phát biểu của bà Harris là khoảnh khắc mang tính lịch sử, đặc biệt đối với những trẻ em gái như Amara. Đây cũng là bài phát biểu quan trọng nhất trong sự nghiệp của bà Harris khi lần đầu tiên một phụ nữ da đen, gốc Nam Á chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ cho chức vụ tổng thống.

Khoảnh khắc lịch sử

Chỉ 4 tuần sau khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Harris đã bắt đầu giới thiệu bản thân với công chúng Mỹ. Bà bước lên sân khấu tại Trung tâm United ở phía Tây Chicago với cơ hội chia sẻ câu chuyện và tầm nhìn tới hàng triệu người dân Mỹ.

Đám đông reo hò khi bài hát "Freedom (Tự do)" của Beyoncé vang lên, mở đầu cho sự xuất hiện của phó tổng thống.

Bà Harris đã lựa chọn một bộ vest tối màu, mỉm cười rạng rỡ khi nhìn xuống khán đài: Các đại biểu reo hò, vẫy những tấm biển màu xanh ghi tên bà.

Ở hàng đầu dưới khán đài, hai cô cháu gái Amara, 8 tuổi và Leela, 6 tuổi, cũng cầm những tấm biển cổ vũ tự làm với vẻ mặt phấn khích. Khi bà Harris bắt đầu bài phát biểu, Amara ngước nhìn phó tổng thống. Nhiếp ảnh gia Heisler của New York Times đã bắt được khoảnh khắc từ phía sau cô bé. Và bức ảnh nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

kamala harris anh 2

Hai cháu gái của Phó tổng thống Kamala Harris cổ vũ bà trong bài phát biểu lịch sử tại Đại hội đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Ông Heisler nói rằng bản thân đã may mắn khi không bị máy quay truyền hình nào che khuất tầm nhìn. Ông đã khuỵu gối, luồn lách vài bước sau Amara và chụp bức ảnh.

"Đó là một tình huống rất hỗn loạn. Nếu có thể chụp được bức ảnh gây tiếng vang với mọi người, bạn thật sự rất may mắn”, ông nói.

Bức ảnh được lan truyền nhanh chóng trên Twitter/X với nhiều lời khen ngợi. Một số người dùng mạng xã hội đã ca ngợi đây là “bức ảnh của năm” và nhận được nhiều phản hồi đồng tình.

“Đây là bức ảnh sẽ đi vào lịch sử", một tài khoản viết trên Twitter/X, phản ánh cảm xúc của nhiều người dùng khác khi coi bức ảnh này như một biểu tượng mang tính lịch sử cho sự tiến bộ và thay đổi ở Mỹ.

Trong khi đó, một số người cho rằng bức ảnh sẽ mang ý nghĩa sâu sắc với Amara. “Hãy tưởng tượng những cảm xúc đọng lại trong cô bé, hình ảnh bà nhận được đề cử tổng thống của đảng Dân chủ sẽ theo cô bé suốt cuộc đời", tài khoản Claire S viết trên Twitter/X.

Con đường mới

Trên sân khấu bao quanh bởi các lá cờ Mỹ, bà Harris đã thể hiện lòng yêu nước và quan điểm lưỡng đảng trong suốt bài phát biểu dài 37 phút, tiếp nối thông điệp cốt lõi của đảng Dân chủ suốt tuần qua.

Phó tổng thống cũng chia sẻ về câu chuyện di cư đến Mỹ từ Ấn Độ của mẹ bà khi mới 19 tuổi với ước mơ trở thành một nhà khoa học Mỹ và con đường di cư của cha bà - một sinh viên từ Jamaica. Ông đã yêu một người phụ nữ Mỹ gốc Ấn mơ mộng ra sao, cũng như cách họ nuôi dạy bà và chị gái cùng hướng tới những ước mơ lớn.

“Đừng sợ hãi. Đừng để bất cứ điều gì ngăn cản con”, bà Harris nhớ lại lời dạy của cha.

Phó tổng thống cũng chia sẻ về những khó khăn khi cha mẹ ly hôn và cách mẹ bà phải làm việc chăm chỉ trong nhiều giờ để lo đủ tiền trang trải cuộc sống.

Theo New York Times, con đường trở thành gương mặt đại diện đảng Dân chủ của bà Harris vừa chậm lại vừa nhanh. Trong hai thập kỷ, bà đã dành phần lớn thời gian làm việc trong các cơ quan thực thi pháp luật ở California, sau đó phục vụ trong Thượng viện Mỹ và tranh cử tổng thống lần đầu vào năm 2020.

Song trước khi Tổng thống Joe Biden chấm dứt chiến dịch tái tranh cử vào ngày 21/7 và đảng Dân chủ đoàn kết ủng hộ bà Harris trở thành ứng viên thay thế, phó tổng thống chưa bao giờ được chú ý nhiều đến thế.

Giờ đây, chiến dịch của bà mang theo sức nặng lịch sử. Chưa từng có người phụ nữ nào nhậm chức tổng thống Mỹ. Bà cũng là người da đen thứ hai được đề cử tổng thống từ một đảng lớn và là người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên được đề cử.

kamala harris anh 3

Bà Harris nhấn mạnh bản thân sẽ đại diện cho mọi người dân Mỹ, không “phân biệt đảng phái, chủng tộc, giới tính”. Ảnh: New York Times.

Bà Harris đã đề cập đến những khía cạnh xuất thân này, song không chỉ tập trung vào chúng. Bà nói rằng bản thân đang tranh cử vì mọi người dân Mỹ, không “phân biệt đảng phái, chủng tộc, giới tính”.

Từ “đầu tiên” không hề được bà nhắc đến.

Song phó tổng thống cũng chia sẻ từng chứng kiến cách mọi người xung quanh đôi khi đối xử với mẹ mình, một “người phụ nữ da nâu thông minh cao 1m5 với giọng nói khác biệt”.

Khi đến thời điểm chính thức chấp nhận đề cử, bà nói rằng bà làm điều này thay mặt cho người dân Mỹ, mẹ của bà và “tất cả những ai từng tự mình bắt đầu một hành trình khó tin”.

Khi bà Harris hướng sự chú ý vào con đường phía trước, hai cô cháu gái ngồi ở hàng ghế đầu, cũng lắng nghe chăm chú. Bà cam kết nước Mỹ sẽ không quay trở lại thời kỳ của cựu Tổng thống Donald J. Trump, đối thủ của bà.

“Chúng ta sẽ không quay lại”, bà nhắc lại 6 lần. “Chúng ta đang vạch ra một con đường mới”.

Cuộc gọi quan trọng từ ông Obama và phu nhân tới bà Harris Cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân đã liên lạc với Phó tổng thống Kamala Harris để bày tỏ sự ủng hộ với bà trong cuộc đua trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Tri Thức - Znews giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

37 phút đi vào lịch sử của bà Harris

Qua bài phát biểu chấp nhận đề cử hôm 22/8, bà Harris đạt được cả hai mục đích: Tăng cường hiện diện trong mắt cử tri và chứng tỏ bản thân đại diện cho các giá trị Mỹ.

Thấy gì từ 4 đêm Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ?

Đại hội toàn quốc vừa qua là cơ hội để đảng Dân chủ giới thiệu về ứng viên Kamala Harris tới cử tri Mỹ, đồng thời phô diễn sức mạnh và sự tự tin trước thềm bầu cử tháng 11 tới.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm