Được sự đồng ý của NXB Trẻ, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Bài viết giữ nguyên danh xưng của ca sĩ Bông Mai (xưng tôi), và để Ba (viết hoa) theo cách của cô.
Tuổi thơ của tôi gắn bó với quê hương tôi - Nghệ An nắng, gió. Là những chuyến đi theo Ba cùng đoàn đi diễn. Là những lần ngồi vắt vẻo sau lưng Ba trên chiếc xe đạp cà tàng, lạch cạch. Là những bài hát, điệu múa Ba dạy để con gái đi thi văn nghệ mỗi dịp hè. Nhưng tuổi thơ nhiều kỷ niệm nhất lại là ở Hà Nội - nơi tôi không sinh ra mà chỉ bắt đầu lớn lên từ đó.
Khoảng những năm 80, Ba viết phần âm nhạc cho vở nhạc kịch Tiếng hát Trương Chi của nhà hát Giao hưởng nên họ đã tạo điều kiện cho mượn phòng nhỏ trong khu tập thể. Đó là cả một hạnh phúc của gia đình tôi vì có căn phòng được gọi là nhà riêng sau mấy năm sống chen chúc trong phòng ở tập thể của ký túc xá trường Sân khấu - nơi Mẹ tôi theo học đạo diễn. Gia đình tôi thời gian đó còn nghèo lắm. Mẹ thì đang đi học. Tôi và anh thì còn nhỏ. Vậy là bao nhiêu gánh nặng gia đình Ba tôi gánh vác.
Sách Cha và con. |
Tôi nhớ hồi đó Ba viết Ca dao em và tôi là để đoạn Trương Chi (bác Gia Hội đóng) đứng dưới cửa sổ hát gọi Mị Nương (cô Thúy Hà đóng): “Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng. Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu...”
Nhiều năm sau, lần đầu tiên ca khúc Ca dao em và tôi hoàn chỉnh được giới thiệu đến công chúng trong chương trình âm nhạc của VTV làm tại hội trường Đại học Văn hóa qua tiếng hát của cô Thanh Hoa. Tôi còn nhớ mấy ngày sau có rất nhiều bài báo chỉ trích, chê bai bài hát này vì lạc điệu với dòng chảy âm nhạc lúc bấy giờ. Phải đến 10 năm sau, lần đầu tiên có một ca khúc mang âm hưởng dân ca nhưng vẫn rất hiện đại được vinh danh tại Giải thưởng Làn Sóng Xanh năm 1998 với tiếng hát của anh Quang Linh.
Ca dao em và tôi đã cùng tôi khôn lớn. Mỗi quãng thời gian nó lại mang lại cho tôi một cảm xúc thật khác biệt. Khi còn là một cô gái mới lớn, tôi từng mơ mộng sẽ có một chàng trai hát bài hát ấy tặng mình bởi nó tình cảm, da diết đến tê lòng. Rồi khi có gia đình, tôi lại nghe nó với tâm tư, với thắc mắc của người bắt đầu lo toan cuộc sống. Sao giữa bao nhiêu thiếu thốn mà Ba vẫn có thể viết lên những lời ca bay bổng, nên thơ một cách lạ kỳ: “...Chân lấm bùn mà tôi ngỡ gót chân tiên...”? Sao tâm hồn người nghệ sĩ ấy có thể vượt qua cả những lo toan chật vật của cơm áo gạo tiền để viết: “...Câu ca rằng hết giận rồi thương, áo nâu sòng em nhuộm tình tôi...”?
Ba đã viết những lời ca ấy bên chiếc bàn nhỏ, giữa căn phòng chật chội kê một chiếc giường của Ba Mẹ, xoong nồi lỉnh kỉnh, chiếc hòm sắt đã gỉ màu đựng ngô sắn, gạo muối...
Ngày bé tôi ước mơ mình thành nhà báo. Lớn lên một chút tôi ước mơ được như Ba Mẹ làm nên những tác phẩm. Giờ những giấc mơ ấy đã nằm trong tầm tay của tôi bởi tôi luôn nuôi dưỡng ước mơ ấy bằng những niềm vui nhỏ nhất, bằng những quan sát cuộc sống mỗi ngày xung quanh tôi.
Thiên hạ nhiều người từng gọi tôi là công chúa con vua, coi tôi núp bóng Ba để sống. Tôi vẫn luôn đồng ý như vậy mà không có oán trách ai. Đúng tôi là công chúa của Ba vì Ba dành cho tôi tình yêu lớn và tặng cho tôi sự đam mê với nghề đã chọn.
Nhạc sĩ An Thuyên. |
Đúng tôi núp bóng Ba bởi dưới bóng Ba tôi có thể nhìn thấy mặt trời, tôi có thể nằm dưới cái bóng lớn ấy để ước mơ, để nuôi hi vọng. Thiên hạ không sai vì tôi không khiến họ sai, bởi tôi luôn mong ước mình nhỏ bé, mãi mãi nhỏ bé dưới cây đại thụ ấy. 40 tuổi tôi vẫn là công chúa của Ba bởi bất cứ việc gì Ba cũng có thể giải thích cho tôi hiểu vì Ba là vị vua của cả một vương quốc mang tên tri thức.
Tôi là người nắm giữ rất nhiều bí mật của Ba, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có một số bí mật mà sau này tôi bắt buộc phải bật mí ra, ví dụ như chuyện hàng tháng ông vẫn gửi tiền cho em gái của ông. Hay những đồ cổ ông sưu tầm mua được hoặc bán lại mà chỉ có tôi mới biết giá trị thật của nó, còn Mẹ chỉ biết một phần của giá trị đó. Tôi nghĩ rằng ông là người yêu thương con gái nhất, nên ông đã chọn con gái là người ở cạnh ông đến phút cuối cùng...
Hai đêm nhạc làm để tưởng nhớ Ba, tôi chọn tên Tan vào Hà Nội. Bởi thầy tôi dạy: Cái chết viên mãn nhất là được để tro trong một chiếc bình, đặt trên đỉnh núi để gió thổi bay vào không gian, để cho thân xác ta trở về với cát bụi, với cội nguồn của nó. Tôi muốn thực hiện lời dạy đó của thầy vì tôi luôn mong những điều viên mãn nhất cho Ba... Ngày Ba đột ngột ra đi cũng rất nhiều người đến chia tay. Ngày Ba về với cội nguồn cũng thế. Và ngày Ba về với Đức Phật là ngập khán phòng những người yêu mến Ba - nhà hát Lớn Hà Nội không còn một chỗ trống.
Tại sao tôi chọn nhà hát Lớn? Vì mỗi lần đứng trước cửa nhà hát tôi lại thấy hình ảnh Ba con tôi ăn kem ở Tràng Tiền ngày xưa. Tôi nhỏ xíu ngồi sau xe đạp cà tàng, một tay bám vào lưng Ba, một tay ăn vội que kem vì sợ tan mất.
Tại sao tôi chọn cách để mọi người xem không thấy tên bài hát? Về nguyên tắc, về quy định thì phải vậy. Nhưng nhật ký của tôi là những trang nhật ký bằng chính ca từ của Ba. Tuổi thơ tôi, cuộc đời tôi gắn liền với những hình ảnh dung dị ấy. Tôi muốn viết nhật ký bằng cách của riêng mình mà không bị lệ thuộc bởi nguyên tắc nào. Chỉ tiếc nhật ký của tôi không viết được dài thêm nữa...
Ca sĩ Bông Mai - con gái nhạc sĩ An Thuyên. |
Tôi chỉ viết được chuyện chàng thanh niên nghèo từ quê ra cho đến khi thành đạt, và ra đi. Nhật ký của tôi không thể viết tiếp những ngày tiếp theo được nữa. Nhật ký của tôi giờ chỉ là những mong ước, mộng mơ vào một nơi bình an mà Ba đã đến. Chắc chắn sẽ bình an. Mẹ nói: “Giờ Ba không hút thuốc nữa vì mỗi lần Mẹ châm thuốc đều tắt”. Tôi nói: “Vì Ba bận tụng kinh, niệm Phật, sao còn hút thuốc, thức đêm, ăn thịt mỡ và sưu tầm máy hát cổ được nữa”. Ba ơi, Ba hãy nghỉ ngơi, hãy hưởng thụ những điều tốt đẹp nhất mà đáng ra khi sống Ba được hưởng. Trái tim Ba có thể đã ngừng đập nhưng tâm trí Ba sẽ luôn ở bên con, con biết và luôn tin như vậy...
Giờ khi Ba đã ra đi, tôi nghe Ca dao em và tôi để thấm thía những mong ước mãnh liệt đến độ phải cắt nửa vầng trăng, chặt đôi câu thơ để được về với người mình yêu. Hơn 20 năm Ca dao em và tôi ra đời... Tôi ở lại chốn này, day dứt khôn nguôi muốn được hỏi Ba một câu hỏi duy nhất: Một ngày bằng mấy trăm năm, hỡi Người?