Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con hoàng tử Cảnh mắc tội gian dâm là chuyện thật hay án oan?

Bên ngoài tối thui. Tống Thị Quyên đi qua một khúc quanh ở hành lang. Nhà rộng, cửa sâu, ngọn đèn dầu lạc trên tay leo lét. Đúng lúc ấy có tiếng hét: "Gian dâm, gian dâm".

Từ Dụ thái hậu (tác giả Trần Thùy Mai) là tiểu thuyết lịch sử dạng cung đấu với bối cảnh hậu cung nhà Nguyễn. Được sự đồng ý của NXB Phụ nữ - đơn vị giữ bản quyền cuốn sách - Zing.vn trích đăng một phần nội dung tác phẩm. Dưới đây là nội dung trích trong chương 33 - Chuyện ở Anh Duệ vương phủ.

Đêm ấy trong phủ Anh Duệ, đã khuya lắm rồi mà Tống Thị Quyên vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Màn đêm càng tĩnh mịch, càng như khơi dậy bao nhiêu xót xa tiếc hận trong lòng bà.

“Đời ta thật bất hạnh, sao cứ gặp toàn những chuyện không may. Ông trời kia ăn ở không cân, chỉ dành cho mẹ con ta cái phần thua kém hẩm hiu… Ôi thật chỉ còn biết trách trời…”

Vương phi ngồi dậy, chống tay thở dài, quờ chân tìm không thấy giày. Bà gọi:

- Lan Nhi, giày ta đâu rồi?

Lan Nhi, ả tỳ nữ thân tín của Tống Thị Quyên ngủ say sưa trên chiếc nệm nhỏ ở một mé phòng, không nghe tiếng chủ gọi.

Tống Thị Quyên cầm lấy cây đèn trên bàn, chân không bước ra.

Bên ngoài tối thui. Tống Thị Quyên đi qua một khúc quanh ở hành lang. Nhà rộng, cửa sâu, ngọn đèn dầu lạc trên tay leo lét, nên bà không thấy ả cung nữ - lúc chiều đã đội mâm theo ba mẹ con về phủ - đang ẩn mình trong một góc khuất, nhìn theo bà.

Đúng lúc đó có tiếng cú rúc ngoài xa.

Tống Thị Quyên ngoảnh mặt ra ngoài nhìn trời. Bóng tối bao trùm toàn cảnh sân vườn trong phủ.

Bỗng một tiếng la to lanh lảnh trong đêm:

- Ôi trời ơi đất ơi! Làng nước ôi! Dễ sợ quá! Ghê tởm quá! Trời đất ơi… Làng nước ơi…

Trong phủ, gia nhân sực tỉnh, thắp đèn cầm đuốc chạy rầm rầm, va vào nhau. Tiếng hỏi, tiếng kêu xôn xao:

- Cái chi rứa? Chi rứa?

Tiếng la vẫn vang lên chói tai:

- Gian dâm! Gian dâm!

- Mô? Mô? Ở mô? Ai gian dâm? Ai?

Tống vương phi ngẩn người sợ hãi, không hiểu chuyện gì, vội chạy đến chỗ con trai lớn là Mỹ Đường, định bảo con ra xem có chuyện gì…

Vu an My Duong anh 1
Sách Từ Dụ thái hậu.

Cũng đêm đó, trong phủ của Tả quân Lê Văn Duyệt, ông đang ngủ say thì người nhà hơ hải chạy vào thức dậy. Gia nhân cuống quýt lấy áo, lấy mũ cho ông. Thái giám Trung Trực từ trong cung ra, đang nóng lòng chờ trước sảnh. Thấy Lê Văn Duyệt xốc áo bước ra, Trung Trực đưa liền tờ thánh chỉ, không kịp chờ người nhà đặt bàn đốt hương tiếp đón theo quy lệ.

Lê Văn Duyệt đọc xong, ngỡ ngàng:

- Thánh chỉ đến vào cuối canh ba, chưa bao giờ có chuyện như vậy! Ta thật bán tín bán nghi, chẳng hiểu đầu đuôi thế nào?

Thái giám Trung Trực gật đầu:

- Vâng, việc này thật không ai ngờ tới! Bên phủ Anh Duệ đang loạn lên như có giặc, ai cũng hãi hùng kinh tởm vì cái tin bà Quyên thông dâm với trai, mà ngài biết thông dâm với ai không, với ngay Mỹ Đường con đẻ của bà ấy đó!

Lê Văn Duyệt cau mày:

- Ta nghe kỳ lạ quá, không thể tin được ông ạ!

- Ụa, thánh chỉ đây, ngài không tin sao?

Lê Văn Duyệt lắc đầu:

- Ta sao dám nói là không tin vua. Nhưng sợ rằng nguồn tin đến tai vua chưa xác đáng!

- Xác đáng hay không tôi cũng không dám quả quyết, chỉ biết hoàng thượng sai tôi đem kiếm lệnh đến giao cho ông xử tử Thị Quyên ngay trong đêm nay, còn Mỹ Đường thì bắt giam rồi sẽ xét.

Lê Văn Duyệt lắc đầu:

- Không được! Việc này rất hệ trọng, ta phải vào cung gặp hoàng thượng ngay.

Lê Văn Duyệt gọi lấy ngựa, đang đêm phi nước đại vào cung.

Cổng Hiển Nhơn đêm khuya đã đóng, nay lại mở ra. Lê Văn Duyệt để đoàn tùy tùng lại bên ngoài cổng, giục ngựa sải nhanh vào. Lính canh chạy ra ngăn lại:

- Xin quốc công để ngựa bên ngoài, có bia hạ mã kia.

Lê Văn Duyệt vung roi quát:

- Lui ra!

Ông cứ việc phóng ngựa chạy ngay đến tận điện Càn Thành.

Trong điện Càn Thành, vua Minh Mạng vẫn chưa ngủ, đang ngồi trên sập.

Nghe thái giám vào tâu có Quốc công Lê Văn Duyệt xin yết kiến, vua vội truyền:

- Cho vào ngay.

Lê Văn Duyệt hối hả tiến vào.

- Hoàng thượng!

Vua Minh Mạng nghiêm nghị:

- Trẫm đang nóng lòng chờ khanh đây. Việc trẫm giao, khanh đã làm xong rồi à?

Lê Văn Duyệt chắp tay, giọng cứng cỏi:

- Tâu, đêm cũng đã khuya, xử lý ngay có vội vàng quá chăng? Lão thần cảm thấy lo âu nên muốn vào yết kiến để trực tiếp nghe ý kiến của hoàng thượng.

Vua Minh Mạng nhíu mày:

- Sao còn phải hỏi, thánh chỉ trẫm như vậy chưa rõ ràng sao? Cái tội lăng loàn thất đức ghê tởm hơn cả cầm thú, như vậy chưa đáng chết sao?

- Tâu hoàng thượng, theo ý lão thần thì nên tạm thời để đó, ngày mai trời sáng ta giao Tam pháp ty và Tôn Nhân phủ xét kỹ sự việc xem thực hư ra sao. Tội đến đâu lúc ấy sẽ xử đến đó. Thế thì mới rõ ràng minh bạch chứ ạ!

Vua Minh Mạng lộ rõ vẻ tức giận:

- Khanh lại hồ đồ rồi. Cái việc nhục nhã này, thật là bôi tro trát trấu lên danh giá cả nhà cả họ ta. Khanh lại bảo đưa ra tòa xét xử để cho cả thiên hạ cùng biết sao! - Vua dằn từng tiếng: -Không - xử - gì - hết, con yêu phụ ấy vốn đã đáng giết từ hồi nó lén lút giao thiệp với bọn cố đạo, nay lại phạm thêm cái tội tày đình này thì chẳng còn gì để tiếc nữa.

Lê Văn Duyệt cương quyết:

- Tâu hoàng thượng, lão thần vẫn băn khoăn lắm, nếu hoàng thượng quyết giết Anh Duệ vương phi mà không cần xét xử, xin hoàng thượng sai người khác!

Lê Văn Duyệt quỳ xuống, dâng trả kiếm lệnh.

Vua Minh Mạng không ngờ Lê Văn Duyệt dám chống lại ý mình, ngài khựng lại, chưa biết nói sao. Lê Văn Duyệt thấy rõ nhà vua nao núng, liền đứng thẳng lên, định tiếp lời thuyết phục. Chưa kịp mở lời thì…

Từ sau bức rèm, thái hậu đột ngột hiện ra.

- Lê Văn Duyệt, hãy nghe ta nói đây.

Thái hậu vừa nói bằng một giọng lạnh lẽo, vừa bước đến gần.

Lê Văn Duyệt mặt xạm lại:

- Bẩm lệnh bà, lão thần xin nghe.

Thái hậu cười nhạt:

- Ông có nhớ cách đây bảy năm, trong một lần vời ông vào cung, ta đã đề nghị với ông điều gì chăng?

Lê Văn Duyệt im lặng.

Thái hậu hơi nghiêng đầu, nhìn Lê Văn Duyệt bằng cái nhìn của con chim ưng ngắm con mồi:

- Ta biết, ông vẫn nhớ. Khi đó ta đã đề nghị ông tôn phù hoàng thượng, nhưng ông đã giả cách làm lơ.

Lê Văn Duyệt vẫn im lặng.

Giọng thái hậu vang lên, từng âm thanh sắc nhọn trong không gian yên lặng:

- Hôm nay, chính ta đã xin với hoàng thượng cử ông vào nhiệm vụ này. Tại sao lại là ông mà không ai khác? Giết một con dâm phụ, chỉ cần một tên đội trưởng cũng làm được. Nhưng ta dành cho ông, có nghĩa là dành cho ông thêm một lần lựa chọn nữa. Hoặc là Mỹ Đường, hoặc là hoàng thượng. Ta hy vọng lần này ông sẽ lựa chọn khôn ngoan hơn!

Lê Văn Duyệt tay vẫn cầm kiếm lệnh, đứng sững như trời trồng. Mồ hôi rịn ra trên trán ông.

Vua Minh Mạng tiếp lời, giọng đanh thép:

- Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Vua khiến bề tôi chết, bề tôi không chết là không thật trung thành. Nay ta không muốn khanh phải chết, - Nhà vua trừng mắt, nhấn mạnh tiếng “chết” -  ta chỉ muốn chờ xem lòng trung của khanh đối với ta!

Giữa canh năm đêm ấy, lính ập vào phủ Anh Duệ, lôi Mỹ Đường, Mỹ Thùy đi. Một tốp lính khác lôi Tống Thị Quyên theo hướng khác.

Tống Thị Quyên sợ hãi gào khóc:

- Cứu tôi với! Cứu với!

Nhìn thấy Lê Văn Duyệt trên mình ngựa giữa đám quân lính, bà kêu to.

- Trời ơi may quá, có Đức ông Lê Văn Duyệt đây rồi. Đức ông, cứu mẹ con tôi với!

Lê Văn Duyệt đưa cờ lệnh che mặt.

Một tên lính nhét ngay nắm giẻ vào mồm bà Quyên. Tiếng kêu tắt lịm.

Mỹ Đường kêu thét lên:

- Mẹ, mẹ ơi! Thả mẹ ta ra! Thả mẹ ta ra!

Lính lôi hai anh em đi, tra gông vào cổ. Lách cách mấy tiếng khóa gông, hai ông hoàng đã trở thành hai tên tội phạm.

Lính vừa lôi sểnh họ đi vừa quát:

- Dâm dật cho lắm, khi đang sướng sao không kêu.

... Lễ đại triều tháng ấy, vụ án ở phủ Anh Duệ được tuyên ngay trước sân chầu. Trước điện Thái Hòa, hai anh em Mỹ Đường, Mỹ Thùy bị điệu ra trước văn võ bá quan, quỳ chờ nghe thánh chỉ.

Thái giám tuyên đọc:

“Tôn thất Mỹ Đường, lòng dạ cầm thú, phạm tội thất đức từ xưa đến nay chưa từng thấy. Trẫm nghĩ xấu hổ cho giống dòng hoàng tộc, nên đã hạ lệnh xử kín Tống thị, để đỡ tai tiếng ô nhục. Nhưng nay việc dữ đồn xa, trong triều ngoài chợ ai ai cũng đều biết, không ai không bàn tán sỉ vả. Xét không thể bao che được nữa nên trẫm phải đưa ra định tội để làm yên công luận trong ngoài…”

Lê Văn Duyệt đứng gần ngai vua, khuôn mặt im lìm như tượng đá.

“… Nay xét Mỹ Đường đáng tội voi giày ngựa xé, nhưng dù sao theo điều khoản nghị thân cũng có lệ giảm tội cho người trong hoàng thất. Lại nghĩ đến công lao của Anh Duệ hoàng thái tử Cảnh ngày trước, nên cũng thương tình dung cho tính mạng, khỏi tội lao tù. Song nếu tha hẳn thì không khỏi công luận phẫn nộ, nay trẫm lệnh cho cách hết phẩm tước, nạp lại quả ấn và dây thao. Tôn thất Mỹ Thùy ở cùng một nhà mà không biết can ngăn mẹ và anh, để sinh ra việc dâm loàn xấu hổ, cũng phải chịu hình phạt như vậy…”

Đăng Hưng đứng trong hàng triều quan tam phẩm. Không giấu được vẻ thương xót, ông đưa ống tay áo lên che mặt.

“… Trẫm đã tính toán đủ đường, khoan hồng cất nhắc nhiều lắm. Từ nay hai anh em hãy yên phận thứ dân, phải vui vì được ơn khoan hồng tha mạng, cố gắng hối cải đừng tái phạm lỗi lầm. Truyền Tôn Nhân phủ gạch tên Mỹ Đường, Mỹ Thùy trong sổ tôn thất, con cháu từ nay về sau cũng bị xóa tên. Khâm thử".

Mỹ Đường, Mỹ Thùy quỳ mọp giữa sân triều, ngẩng đầu lên nhìn, ánh mắt mờ đục ngây dại như không còn chút tinh thần nào nữa.

Lính áp giải hô:

- Tạ ơn hoàng thượng đi!

Hai anh em nhìn quanh, ngật ngưỡng như chẳng còn hiểu gì.

Một võ quan đứng trên thềm bệ vội quát lính lôi Mỹ Đường, Mỹ Thùy ra. Theo lối cửa hậu phía sau Đại nội, họ bị tống xuất ra khỏi hoàng cung.

Hai ông hoàng, nay đã thành hai kẻ dân đen tay trắng, thất thểu dắt dìu nhau về lại nhà xưa.

Mỹ Đường, Mỹ Thùy bước vào Anh Duệ phủ. Vương phủ ngày trước tráng lệ như vậy, bây giờ đã hoang tàn. Những căn phòng trống không, đồ đạc đã bị cướp sạch.

Mỹ Thùy co ro ngồi xuống một góc thềm, cạnh những ngọn cỏ hoang lún phún mọc xuyên qua kẽ gạch.

- Anh, anh và mẹ có làm việc loạn luân đó không?

Mỹ Đường sững sờ, nghẹn ngào:

- Trời ơi, chính em mà cũng nghi ngờ anh sao?

Mỹ Thùy gục mặt xuống, khóc.

- Em có làm gì đâu mà bây giờ mất hết tất cả rồi!”


Trích sách "Từ Dụ thái hậu"

Bạn có thể quan tâm