Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/12 lên án đảng Dân chủ lên lịch điều trần luận tội trong tuần này để hạ bệ ông khi ông ở Anh để tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo NATO, diễn ra vào thời điểm quan trọng của liên minh quân sự 70 tuổi.
Đến London vào cuối ngày 2/12 để bắt đầu hội nghị diễn ra trong hai ngày, ông Trump đã gọi chuyến đi này là "một trong những chuyến đi quan trọng nhất mà chúng tôi thực hiện với tư cách là tổng thống", và nói rằng đảng Dân chủ từ lâu đã biết điều đó.
Chuyến đi Anh của ông Trump diễn ra trong bối cảnh có những tranh cãi liên tục về chi tiêu quốc phòng của các đồng minh NATO và sự lo lắng lan rộng về cam kết của tổng thống Mỹ đối với liên minh.
Suy yếu về ngoại giao
Ông Trump cho biết chuyến đi của ông sẽ tập trung vào việc "chiến đấu vì người dân Mỹ". Song trong hơn hai tháng cuộc điều tra luận tội diễn ra, ông đã liên tục quay trở lại với thông điệp rằng phe Dân chủ đối xử không công bằng với ông nhằm lật đổ kết quả bầu cử năm 2016.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ dự kiến tổ chức một phiên điều trần vào ngày 4/12 về các căn cứ hiến pháp để luận tội tổng thống trước khi ông Trump kết thúc hội nghị NATO.
Ông Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo, luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone và cố vấn tổng thống Kellyanne Conway đều phàn nàn về việc sắp xếp thời gian, trong đó ông Pompeo nói rằng việc điều trần sẽ "khiến tổng thống Mỹ không thể tập trung vào nhiệm vụ quan trọng ở nước ngoài".
Tổng thống Trump và phu nhân Melania chuẩn bị lên chuyên cơ đi Anh. Ảnh: AP. |
Ông Trump khẳng định ông chỉ tập trung vào việc giành thắng lợi về chính sách đối nội và đối ngoại, bao gồm cả việc cải tổ NATO để các đồng minh chi nhiều hơn cho quốc phòng. Song ông thường xuất hiện trong bộ dạng tiều tụy vì cuộc chiến mỗi ngày chống lại việc luận tội.
Trong những ngày gần đây, ông liên tục chỉ trích "trò lừa đảo luận tội" và cuộc điều tra "gian lận", thậm chí nói về việc luận tội trong một sự kiện chúc mừng các vận động viên thể thao ở các trường đại học cũng như trong lễ ân xá gà tây vào tuần trước.
Các trợ lý Nhà Trắng nói rằng hội nghị NATO mang đến cho ông Trump cơ hội để chống lại câu chuyện luận tội ở Washington và chứng minh cho các cử tri rằng ông vẫn làm mọi việc như không có gì xảy ra trong khi đảng Dân chủ tập trung vào cuộc điều tra.
Song ngay sau khi chuyên cơ Air Force One cất cánh, ông Trump đã lên Twitter để chỉ trích "Những người Dân chủ Không làm gì" đã xếp lịch điều trần đúng vào thời gian diễn ra hội nghị NATO là "Không tử tế".
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đang ở Madrid để tham gia hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đã từ chối bình luận về cuộc điều tra luận tội, nói rằng, "Khi chúng tôi đi nước ngoài, chúng tôi không nói về tổng thống theo cách tiêu cực. Chúng tôi để việc đó về nhà nói".
Ông Trump là tổng thống Mỹ thứ tư trong lịch sử phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội. Sức nặng của việc này có khả năng giúp củng cố tính toán về cách các nhà lãnh đạo toàn cầu khác đối với ông, theo quan điểm của một số nhà phân tích.
"Theo một nghĩa nào đó, việc luận tội đã làm suy yếu ông ấy về mặt ngoại giao", Ted Galen Carpenter, nhà nghiên cứu cao cấp về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato ở Washington, bình luận.
"Đối với một tổng thống bình thường, việc đó sẽ được coi là một vấn đề đáng kể. Đối với Donald Trump, ông ấy sẽ cố gắng thổi bay nó và hành xử như thể việc đó chẳng có gì liên quan".
Ông Trump dự hội nghị NATO đúng vào lúc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ dự kiến tổ chức điều trần luận tội. Ảnh: AP. |
Đối xử như kiểu bảo kê
Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo NATO là bối cảnh phức tạp cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump (không tính chuyến đi chớp nhoáng đến Afghanistan để thăm quân đội Mỹ nhân dịp lễ Tạ ơn), kể từ khi đảng Dân chủ tiến hành cuộc điều tra luận tội tổng thống.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO và phàn nàn rằng có quá ít quốc gia đang trên đường đạt được mục tiêu của liên minh là dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cho rằng sự thiếu lãnh đạo của Mỹ đã khiến liên minh lâu năm này bị "chết não".
Cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, John Bolton, nói rằng tổng thống có thể rời khỏi liên minh nếu giành chiến thắng trong chiến dịch tái tranh cử.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người từng cảnh báo nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai thì NATO có thể tan rã, hôm 2/12 nói đùa rằng ông sẽ "cầu nguyện" khi tổng thống Mỹ tới London.
"Có thời gian để chuộc lỗi", ông Biden nói với các phóng viên khi vận động tranh cử ở Emmetsburg, bang Iowa. "Tuy nhiên đến nay, ông ấy vẫn đối xử với NATO như kiểu bảo kê".
Trước khi hội nghị diễn ra, các trợ lý Nhà Trắng đã tìm cách làm dịu đi những lời chỉ trích trước đây của các quốc gia thành viên.
Các quan chức Nhà Trắng lưu ý rằng trước khi ông Trump nhậm chức, chỉ có 4 thành viên NATO đạt chuẩn 2% được thiết lập vào năm 2014. Giờ đây, có 9 quốc gia đạt chuẩn, theo Nhà Trắng. 18 trong số 29 thành viên của liên minh dự kiến đạt chuẩn 2% vào năm 2024.
Ông Trump cùng các lãnh đạo NATO tại hội nghị năm 2018 ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Getty. |
Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị NATO khi cuộc điều tra luận tội đang diễn ra.
Tháng 6/1974, Tổng thống Nixon phải đối mặt với những lời chỉ trích khi ông tới Brussels nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập của NATO. Ông đã gặp các nhà lãnh đạo khác trong liên minh và cố gắng truyền tải thông điệp rằng ông vẫn hoàn toàn nắm quyền ngay cả khi cuộc điều tra Watergate diễn ra theo hướng ngày càng bất lợi cho ông. Đến cuối mùa hè, ông Nixon đã từ chức.
Ngược lại, ông Trump đến NATO với sự tự tin rằng sẽ không đủ số phiếu cần thiết tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát để kết tội ông, nếu Hạ viện nhất trí luận tội. Dù vậy, ông vẫn có thể không cưỡng lại được việc hướng sự chú ý trở lại cuộc điều tra luận tội ở Washington.
"Trong khi Nixon vẫn quyết tâm vượt lên trên vòng xoáy luận tội và vờ như ông không bị việc đó làm phân tâm, Trump lại không thể nhịn nỗi", Derek Chollet, phó chủ tịch điều hành về chính sách an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết.
"Hơn nữa, đối với Trump, việc đứng ở vai trò lãnh đạo hầu như không có nghĩa là phải luôn tự tin - mà có nghĩa là phải chứng minh rằng ông có thể khiến mọi người mất cân bằng và lo lắng về những gì sắp tới".