Bóng đá Việt Nam thường xếp sau Trung Quốc về nhiều khía cạnh từ thành tích ở các cấp đội tuyển, thứ tự trên bảng xếp hạng FIFA cho đến chất lượng giải quốc nội.
Song, các đội tuyển Việt Nam đã không ít lần tạo tiếng vang khi đánh bại đối thủ này ở các cấp độ trẻ, mới nhất là thắng lợi 2-0 của U22 Việt Nam trước U22 Trung Quốc của Guus Hiddink giữa năm 2019.
U22 Việt Nam từng vượt qua U22 Trung Quốc với tỷ số 2-0 nhờ cú đúp của Nguyễn Tiến Linh. Ảnh: Sina Sports. |
Kỷ niệm khó quên của Văn Quyến, Tiến Linh
Mùa hè năm 2000, Việt Nam trở thành chủ nhà vòng chung kết U16 châu Á. Dù không được đánh giá cao, U16 Việt Nam với nòng cốt là Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Nguyễn Minh Đức... đã bất ngờ tạo tiếng vang.
U16 Việt Nam rơi vào bảng A cùng các đối thủ đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar và Nepal. Sau thất bại 0-2 trước Nhật Bản và thắng lợi 5-0 trước Nepal, thầy trò HLV Nguyễn Văn Thịnh bước vào cuộc chạm trán với U16 Trung Quốc.
Với đẳng cấp vượt trội, U16 Trung Quốc nhanh chóng có 2 bàn vào lưới thủ môn Đức Anh. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra. Cuối hiệp một, Phạm Văn Quyến rút ngắn tỷ số bằng một pha đá phạt hàng rào đẹp mắt. Với tâm lý hưng phấn, U16 Việt Nam tràn lên tấn công và san bằng cách biệt trong hiệp 2.
Đến lúc này, U16 Trung Quốc quyết định đẩy cao đội hình để tìm kiếm chiến thắng. Do đó, U16 Việt Nam có cơ hội tạo ra những tình huống phản công. Trong một pha bóng như vậy, Trương Quang Tuấn mang về bàn ấn định tỷ số 3-2 cho U16 Việt Nam. Nhờ thắng lợi này, U16 Việt Nam vượt qua vòng bảng và góp mặt ở bán kết. Đó vẫn được xem là mốc son chói lọi trong lịch sử tuyển U16.
Gần 20 năm sau, bóng đá trẻ Việt Nam có thêm một chiến thắng ấn tượng trước đối thủ Trung Quốc. Năm 2019, nhằm chuẩn bị cho SEA Games, U22 Việt Nam và U22 Trung Quốc tổ chức một trận giao hữu. Trước đối thủ mạnh hơn và được dẫn dắt bởi HLV Guus Hiddink, U22 Việt Nam không hề nao núng.
Phút 17, sau một pha phối hợp bên cánh phải, Nguyễn Tiến Linh lao vào, dứt điểm gọn gàng mở tỷ số trận đấu. Phải nhận bàn thua sớm, U22 Trung Quốc cố gắng tấn công nhưng rời rạc, không hiệu quả và dứt điểm thiếu chính xác.
Điều gì đến cũng phải đến. Sang hiệp hai, trong một pha tấn công từ cánh phải, bóng được chuyền vào trong cho Tiến Linh. Ở vị trí thoải mái, tiền đạo của Bình Dương dễ dàng làm rung mành lưới U22 Trung Quốc, ấn định thắng lợi 2-0 cho U22 Việt Nam.
Ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, Tuyển Việt Nam sẽ cố gắng phá dớp toàn thua trước tuyển Trung Quốc. Ảnh: Y Kiện. |
Khác biệt ở cấp đội tuyển quốc gia
Các đội trẻ Việt Nam từng đánh bại đối thủ Trung Quốc. Nhưng ở tuyển lớn, bóng đá Việt Nam chưa làm được điều này.
Theo thống kê từ 11v11, 2 đội từng có 6 lần so tài với nhau, 5 trận thuộc các giải đấu chính thức và một trận giao hữu. Tuyển Trung Quốc giành chiến thắng cả 6 trận, ghi 20 bàn và chỉ nhận 3 bàn thua.
Các thất bại của tuyển Việt Nam trước Trung Quốc gồm 2 trận tại vòng loại World Cup 1998, một trận ở vòng loại Asian Cup 2000, 2 trận ở vòng loại Asian Cup 2011, một trận giao hữu năm 2012.
Dựa vào thành tích đối đầu giữa 2 đội, tuyển Việt Nam sẽ gặp thách thức không nhỏ ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, bóng đá Việt Nam đang ngày càng tiến bộ.
Tại vòng loại thứ hai vừa qua, tuyển Việt Nam có 17 điểm ở một bảng G rất khó, hiện diện ba đội từng dự Asian Cup gần nhất cùng Malaysia, Indonesia. Trung Quốc chỉ phải gặp Syria và Philippines ở bảng A nhưng cũng chỉ giành 19 điểm. Đại diện Đông Á từng bị Philippines cầm hòa và cần tới tài năng của những cầu thủ nhập tịch để giành vé đi tiếp ở giai đoạn cuối vòng loại.
Với phong độ hiện tại, tuyển Việt Nam có cơ hội phá dớp trước Trung Quốc. Thầy trò ông Park sẽ bắt đầu chiến dịch vòng loại thứ ba vào tháng 9 tới trước Saudi Arabia và Australia. Đến tháng 10, Quang Hải và đồng đội sẽ gặp tuyển Trung Quốc trên sân khách.