11 năm qua, bóng đá Việt Nam chưa biết mùi chiến thắng trước một đại diện của Indonesia. Bóng đá Việt Nam xem Thái Lan là đối thủ trực tiếp, nhưng lại luôn bị xứ vạn đảo ngáng đường. Lần gần nhất chúng ta giành chiến thắng là ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.
Bàn thắng duy nhất của Vũ Phong trên sân Mỹ Đình năm đó giúp Olympic Việt Nam trở thành một trong 12 đại diện của châu Á tranh suất đến Olympic Bắc Kinh. Từ đó đến nay, qua các cấp đội tuyển, Việt Nam chưa từng thắng thêm một trận nào trước bóng đá Indonesia.
U23 Indonesia thua 0-4 trước U23 Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á. Ảnh: Kiệt Trần. |
Ám ảnh từ bóng đá Indonesia
Bóng đá Indonesia được nhắc đến với lối chơi tốc độ nhưng cũng đầy sức mạnh, thậm chí là thái quá. Chính điều đó phần nào gây ức chế và hạn chế cách chơi của Việt Nam. Phong cách thi đấu đó phần nào tạo nên thương hiệu cho bóng đá Indonesia trong khu vực.
Theo thống kê của Zing.vn, từ năm 2013 đến nay, bóng đá Việt Nam có thành tích không khả quan trước bóng đá Indonesia. Chúng ta thường thua ở các giải trẻ từ lứa U16 đến U19 và gần đây nhất là U22 Việt Nam. Ở cấp độ đội tuyển, đó là trận thua tại AFF Cup 2016 ngay trên sân nhà.
Lứa U19 Việt Nam có Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường “làm mưa, làm gió” ở Đông Nam Á, nhưng cũng phải bại trận trên chấm luân lưu trước người Indonesia với tỷ số 6-7. Hay như đương kim vô địch U15 Đông Nam Á Việt Nam cũng thất bại 0-1 trước Indonesia ở U16 Đông Nam Á.
Ngay cả đội U19 Việt Nam dưới tay của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng dừng chân ở vòng bảng bởi không thể kiếm được trận hòa trước chủ nhà Indonesia. Và cứ thua một đại diện của Indonesia, đội bóng Việt Nam thường bị loại ngay từ vòng bảng hoặc không thể bước đến trận chung kết.
Hơn 6 năm qua, bóng đá Việt Nam chưa thắng được Indonesia trận nào. Đồ họa: Minh Phúc. |
Điển hình là bán kết AFF Cup 2016 dù Việt Nam cố gắng kéo trận đấu vào hiệp phụ, nhưng chưa đủ để tránh thất bại chung cuộc 3-4. Gần đây, U22 Việt Nam cũng dùng bước tại bán kết U22 Đông Nam Á khi thua 0-1 trước đại diện trẻ của Indonesia, cũng là nòng cốt đội U23 Indonesia đang đá vòng loại châu Á.
Ngoại trừ khuôn khổ AFF, hầu hết thất bại của bóng đá Việt Nam trước Indonesia đều ở các cấp độ U. Các đội trẻ của Indonesia có bước tiến không thể phủ nhận qua thành tích của họ trong khu vực. Chức vô địch U16 Đông Nam Á 2018 và U22 Đông Nam Á 2019 đều rơi vào tay của bóng đá Indonesia.
“Bóng đá trẻ đang là niềm hy vọng số một của bóng đá Indonesia. Sau những tiêu cực về bán độ và dàn xếp tỷ số ở giải đấu chuyên nghiệp, Indonesia muốn đầu tư và xây dựng lại từ lứa cầu thủ trẻ cho tương lai của bóng đá Indonesia”, Eric Noveanto - cây bút của Goal phiên bản Indonesia chia sẻ với Zing.vn.
Ông Edy khi còn làm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia. |
Nền bóng đá thay đổi vì cầu thủ trẻ
Ông Edy Rahmayadi, người vừa hết nhiệm kỳ 3 năm ở Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI), chính là người thay đổi nền bóng đá Indonesia bằng chính sách dùng người trẻ. Một số sự thay đổi đó đều hướng đến việc tạo cho cầu thủ trẻ Indonesia có cơ hội thi đấu chuyên nghiệp sớm.
Giữa năm 2015, giải quốc nội Indonesia bị FIFA cấm tạm thời vì can thiệp chính trị vào bóng đá sau khi 2 cầu thủ nước ngoài chết vì thiếu chăm sóc y tế, qua đó cũng nói lên công tác tổ chức, quản lý kém và an ninh lỏng lẻo. Nhiều cuộc đấu đá nội bộ khiến nền bóng đá Indonesia đi xuống.
Ông Edy lên điều hành vào tháng 10/2016, đã có hàng loạt chính sách cho mùa giải 2017. Trong đó, việc các CLB ở Liga 1 bắt buộc phải ký hợp đồng với ít nhất 5 cầu thủ U23, và 3 trong số đó phải được thi đấu ít nhất 45 phút mỗi trận. Đồng thời, ông cũng hạn chế CLB có hơn 2 cầu thủ trên 35 tuổi.
Bên cạnh đó, ở giải quốc nội, mỗi đội được thêm 2 quyền thay người trong mỗi trận, tăng từ 3 lên 5 lượt. FIFA cũng chấp nhận thay đổi này của bóng đá Indonesia, nhưng bắt buộc 2 sự thay đổi người kia phải dành cho cầu thủ U23. Giải quốc nội trở lại hoạt động như bình thường.
Phóng viên Eric của Goal Indonesia đánh giá: “Nhờ sự thay đổi này, nhiều cầu thủ U23 được bước ra sân đấu. Những cầu thủ nổi tiếng bây giờ như Osvaldo Haay, Awan Setho hay Marinus Wanewar mới có cơ hội thể hiện mình với thời lượng thi đấu nhiều hơn. Họ trưởng thành hơn từ đó”.
Marinus Wanewar là sản phẩm của chính sách trẻ hóa giải quốc nội Indonesia. Ảnh: AFF. |
Chính sách này giúp cầu thủ trẻ Indonesia tiếp cận nhanh hơn khi được chơi bên cạnh ngoại binh của giải đấu. Cơ hội cho cầu thủ trẻ học hỏi, rèn luyện kỹ năng. Tuy nhiên, chính sách này chỉ mở ra rộng rãi ở mùa 2017 và thay đổi lại vào mùa giải 2018 để tạo sự cân bằng cho các đội bóng tham dự.
Cụ thể, số cầu thủ U23 ở mỗi CLB được yêu cầu tăng từ 5 lên 7 cầu thủ, nhưng không bắt buộc CLB phải sử dụng họ trong mỗi trận. Dẫu vậy, lứa cầu thủ như Marius Wanewar cũng sớm trưởng thành và gặt hái thành công ngay lần đầu dự U22 Đông Nam Á 2019 vừa kết thúc ở Campuchia.
Indonesia dù chưa thể nói là mạnh về đào tạo trẻ, nhưng tạm thời nới lỏng, tạo đầu ra cho các cầu thủ trẻ trong bối cảnh nền bóng đá còn gặp nhiều vấn đề. Tuy nhiên, những thành công gần đây cho thấy họ có cơ sở để tiếp tục đầu tư vào bóng đá trẻ và có tiềm năng nếu phát triển một cách bài bản và nghiêm túc.
Tối 24/3, U23 Việt Nam sẽ gặp U23 Indonesia. Đồ họa: Minh Phúc. |