Những năm gần đây, khi Chinese Super League (CSL) dần sa sút và bộc lộ nhiều bất ổn, Saudi Professional League (SPL) dần thế chỗ trở thành giải bóng đá có sức hút hàng đầu châu Á. Nâng tầm giải quốc nội là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Liên đoàn Bóng đá Saudi Arabia.
Từ điểm tựa ở giải vô địch quốc gia, chất lượng của tuyển Saudi Arabia sẽ dần được cải thiện. Quốc gia vùng vịnh này đang có những bước đi vững chắc và tham vọng để trở thành tâm điểm bóng đá của châu Á.
Các cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG Saudi Arabia nhận lương rất cao. Ảnh: SAFF. |
Không hào nhoáng nhưng soán ngôi Trung Quốc
Chia sẻ với Zing, cựu trợ lý CLB Thanh Hóa Alen Tupajic cho biết: “Trong thời gian làm việc tại Kuwait, tôi cảm nhận được rõ sức mạnh của Saudi Arabia. Họ là một trong những đội mạnh nhất khu vực và châu lục. Đặc biệt, giải VĐQG Saudi Arabia có sức hút rất lớn”.
Alen cho biết mức lương của các cầu thủ nội tại SPL rất cao, mức 1 triệu USD mỗi năm cũng không phải quá hiếm. Bởi vậy, họ có thể thu hút nhiều ngôi sao quốc tế từ châu Âu hay Brazil đến thi đấu. Nhiều người trong số đó đang ở độ tuổi đỉnh cao, vẫn có thể chơi bóng ở châu Âu thêm nhiều năm.
Theo thông tin từ chuyên trang chuyển nhượng quốc tế Transfermarkt, giá trị của SPL đã tăng lên 370,95 triệu euro, là giải đấu đắt giá nhất châu Á. Xếp sau SPL là J1 League của Nhật Bản với trị giá 323,8 triệu euro, CSL của Trung Quốc đứng thứ ba với 245 triệu euro. Chỉ cách đây chừng 3 năm, CSL vẫn được định giá hơn 400 triệu euro. Nhưng tất cả đã là quá khứ.
Con số 370,95 triệu euro cũng là mức kỷ lục mà SPL đạt được xuyên suốt lịch sử của mình. So với năm 2020, giá trị giải đấu tăng thêm 23,6%. Sự gia tăng chóng mặt này được giải thích bởi khả năng tài chính và sự chịu chi của các đội bóng tại SPL. Các đại gia ở Saudi Arabia như Al-Nassr, Al-Ittihad, Al Hilal, Al-Shabaab... sẵn sàng chi ra nhiều triệu euro để mua sắm cầu thủ.
Là giải đấu có giá trị cao nhất châu Á, nhưng sự hào nhoáng và mức độ lan tỏa của SPL lại không thực sự ấn tượng. Tuy mua nhiều cầu thủ từ châu Âu, nhưng các CLB ở quốc gia này chỉ chọn những cái tên tầm trung, thực sự phù hợp và đóng góp lâu dài về chuyên môn hơn là chú trọng việc đánh bóng tên tuổi.
Tính riêng trong năm 2021, một loạt ngôi sao có giá trị từ khoảng 5-15 triệu euro đã đến với giải VĐQG Saudi Arabia. Al Hilal có được chữ ký của Matheus Pereira từ West Brom, Moussa Marega từ Porto. Riêng Al-Nassr còn có chữ ký của bộ đôi Vincent Aboubakar từ Besiktas, Talisca từ Guangzhou FC. Hay Al Ahly cũng nhanh chân sở hữu Paulinho và nhất là Ezgjan Alioski từ Leeds United.
Thậm chí, đã có một luồng dịch chuyển xuất hiện khi những ngôi sao Chinese Super League tháo chạy khỏi Trung Quốc để đến Saudi Arabia. Người mở đầu cho trào lưu này chính là Paulinho và Talisca, 2 tuyển thủ Brazil từng được xem là tâm điểm ở đại lục cùng những Hulk hay Oscar.
Các tuyển thủ Saudi Arabia hưởng lợi nhờ sức hút của giải VĐQG nước này. Ảnh: SAFF. |
Định hướng phát triển bền vững
Khoảng 10 đội trong 16 đội ở SPL thường xuyên sở hữu các cầu thủ chất lượng từ châu Âu và châu Mỹ. Điều này tạo ra sự cân bằng và thúc đẩy mức độ cạnh tranh, phát triển của cả giải. Qua 3 trận đầu mùa này, Al-Shabab, đại gia sở hữu 2 ngôi sao Odion Ighalo và Ever Banega đang xếp thứ 15/16.
Ngoài ra, cũng bởi mức lương rất cao lên đến cả triệu USD nhận được nên không nhiều cầu thủ nội của Saudi Arabia có ý định ra nước ngoài. Đó là chưa kể đến chính sách cấm cầu thủ ra nước ngoài thi đấu của Saudi Arabia dù đã bị bãi bỏ nhưng vẫn ăn sâu vào tâm lý nhiều thế hệ cầu thủ. Bởi vậy, giải VĐQG nước này khá hấp dẫn về chuyên môn.
Tuyển Saudi Arabia với 100% cầu thủ chơi bóng trong nước hiển nhiên sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự phát triển này.
Cựu tuyển thủ U20 Brazil Pedro Paulo nói với Zing: “Thời gian trước đây, tôi đã nghe đến việc nhiều cầu thủ Nam Mỹ muốn đến khu vực giàu có như Saudi Arabia chơi bóng. Thật ra ở Brazil, các CLB đầu tư mạnh cho đào tạo cầu thủ trẻ nên chúng tôi có nguồn cung cấp lớn cho tuyển quốc gia".
"Chúng tôi có nhiều cầu thủ đủ khả năng dự World Cup nhưng không có cơ hội. Họ sẽ chuyển đến nhiều giải đấu khác nhau để thi đấu trong đó có Saudi Arabia. Bởi vậy, đồng nghiệp ở Saudi Arabia có thể được hưởng lợi nhiều nếu chơi bóng cùng những ngôi sao đạt đến trình độ Wolrd Cup, Euro hay Copa America”.
Giáo sư thể thao Simon Chadwick chia sẻ với AP: “Bóng đá Saudi Arabia được xây dựng tốt hơn từ giải VĐQG cũng như nền tảng các CLB. Họ có tham vọng rất lớn nhưng định hướng thương mại, phát triển rõ ràng”.
Khi giải VĐQG Trung Quốc dần lui về phía sau, sự trỗi dậy của bóng đá Saudi Arabia rất đáng chú ý. Đây có thể là nền bóng đá tiếp theo của khu vực châu Á bước tới đẳng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia nhờ nền tảng tài chính hùng mạnh, tố chất cầu thủ tốt, giải quốc nội phát triển và một chiến lược dài hơi.