"Không cần phải vội vàng tiêm vaccine cho những bệnh nhân mắc Covid-19 đã được điều trị và bình phục. Họ có thể đợi từ 5-8 tháng trước khi tham gia tiêm chủng", Or Vandine, phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia kiêm chủ tịch Ủy ban Tiêm chủng nước này, nói với Khmer Times hôm 28/6.
Bà Or giải thích rằng những bệnh nhân từng mắc Covid-19 đã hình thành kháng thể để ngừa SARS-CoV-2 nên chưa cần tiêm vaccine ngay.
Or Vandine, phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia kiêm chủ tịch Ủy ban Tiêm chủng nước này. Ảnh: Po and Po. |
Cũng trong ngày 28/6, Phó tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia Ith Sarath cũng nói với báo giới Campuchia rằng những bệnh nhân đã bình phục sau khi nhiễm virus corona không nên vội vàng đi tiêm chủng.
"Những người mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi thì không cần đi tiêm vaccine chỉ để lấy giấy xác nhận tiêm chủng", Tướng Sarath nói. Ông cho biết giấy xuất viện sau khi bình phục từ Covid-19 có thể được dùng để thay thế giấy xác nhận tiêm chủng.
Tính đến ngày 29/6, hơn 4 triệu người tại Campuchia đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, theo số liệu từ Bộ Y tế nước này. Campuchia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người (tương đương 62% dân số) trước tháng 11.
Tốc độ tiêm chủng ở Campuchia được đẩy mạnh một phần nhờ vào sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng nước này, theo Khmer Times.
Trước đó, vào ngày 1/5, quân đội Campuchia đã triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn cho khoảng 500.000 người ở các khu vực được đánh dấu là "vùng đỏ" thuộc thủ đô Phnom Penh - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở Campuchia.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến ngày 27/6, Campuchia ghi nhận hơn 48.500 ca mắc Covid-19, trong đó có 556 trường hợp tử vong.