Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bộ Tứ xuyên Đại Tây Dương' manh nha trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

Sau "Bộ Tứ kim cương" bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ, Anh, Pháp và Đức cũng đang manh nha trước sự mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Vào ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự sự kiện đa phương đầu tiên - cuộc họp của các lãnh đạo G7 và Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói về một "Bộ Tứ xuyên Đại Tây Dương" đang manh nha để giải quyết những thách thức an ninh của thời đại.

Điều này gợi liên tưởng đến tuyên bố của chính ông Biden rằng "liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại" và ám chỉ một hướng mới trong quan hệ quốc tế, theo Nikkei Asia. Trong đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ điều chỉnh các chính sách đối ngoại của họ để thích ứng với những thực tế mới, bao gồm sự chuyển hướng sang châu Á.

Đối phó với Trung Quốc

"Anh đang làm việc cùng Pháp, Đức và Mỹ trong Bộ Tứ xuyên Đại Tây Dương để giải quyết các vấn đề an ninh cấp bách nhất, bao gồm Iran", ông Johnson phát biểu tại hội nghị Munich diễn ra trực tuyến.

Trước đó, ông vừa chủ trì cuộc họp qua video của G7 từ Số 10 phố Downing, trong đó các nhà lãnh đạo cam kết sẽ biến năm 2021 thành "bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương".

Bo Tu xuyen Dai Tay Duong manh nha truoc su troi day cua Trung Quoc anh 1

Thủ tướng Johnson chủ trì cuộc họp G7 hôm 19/2. Ảnh: Reuters.

Bộ Tứ xuyên Đại Tây Dương là câu trả lời của ông Johnson cho Đối thoại An ninh Bốn bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, hay còn gọi là "Bộ Tứ kim cương". Mỹ và các đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kỳ vọng biến liên minh này trở thành một trong những nền tảng quan trọng nhất để định hình chiến lược chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Hôm 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hội đàm qua điện thoại với những đồng cấp trong "Bộ Tứ kim cương" - Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Họ đã trao đổi về Myanmar, Biển Đông và Hoa Đông, Triều Tiên, Covid-19, và biến đổi khí hậu.

"Một thế giới mới đang trỗi dậy xung quanh chúng ta, các mô hình giao dịch và thương mại đang thay đổi, trọng tâm lực hấp dẫn toàn cầu đang dịch chuyển về phía đông, cuộc cách mạng công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt", ông Johnson nói. "Nhưng không ai trong chúng ta nên sợ hãi hoặc phẫn nộ với những thay đổi này".

Nhà lãnh đạo Anh nói ông tin rằng "châu Âu ngày càng nhận ra sự cần thiết của việc cùng những người bạn Mỹ của chúng ta tái khám phá khả năng lãnh đạo với tầm nhìn xa, tinh thần phiêu lưu và đoàn kết xuyên Đại Tây Dương đã khiến hai lục địa của chúng ta trở nên vĩ đại ngay từ đầu".

Sự nhiệt tình của ông trong việc củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương, vào thời điểm Anh đang vạch ra lộ trình mới cho ngoại giao thời kỳ hậu Brexit, hoàn toàn "ăn nhập" với ông Biden và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Cố vấn Sullivan đã khuyên ông Biden tạo ra "vị thế sức mạnh" bằng cách hợp tác với các đồng minh châu Âu để đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc và Nga.

Trong phát biểu tại hội nghị Munich hôm 19/2, ông Biden nói thế giới đang ở "điểm uốn", giữa những người cho rằng chế độ chuyên quyền là cách tốt nhất để giải quyết những thách thức của thời đại - chẳng hạn như Covid-19, khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu - và "những người hiểu rằng dân chủ đóng vai trò quan trọng" khi đương đầu với những thách thức đó.

Cho rằng các nền dân chủ phải chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc, ông Biden nói "cách Mỹ, châu Âu và châu Á làm việc cùng nhau để đảm bảo hòa bình, bảo vệ các giá trị chung của chúng ta và thúc đẩy sự thịnh vượng ở hai bờ Thái Bình Dương sẽ nằm trong số hầu hết nỗ lực quan trọng mà chúng ta thực hiện".

Bo Tu xuyen Dai Tay Duong manh nha truoc su troi day cua Trung Quoc anh 2

Tổng thống Biden phát biểu trong hội nghị Munich trực tuyến hôm 19/2. Ảnh: Reuters.

"Anh sẽ ngày càng quyết đoán"

Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại con đường ngoại giao đa phương và chia sẻ mối quan ngại về Trung Quốc, nhưng có lẽ theo những cách ít mạnh mẽ hơn.

Bà Merkel nói "trong những năm gần đây, Trung Quốc đã giành được nhiều quyền lực hơn trên trường quốc tế, và với tư cách các đối tác xuyên Đại Tây Dương và các quốc gia dân chủ, chúng ta cần phải phản ứng với điều đó".

Song bà cũng lưu ý rằng đây là vấn đề "phức tạp", bởi vì dù Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, việc hợp tác với họ có thể giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.

Tổng thống Macron nói rằng trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã "hoàn toàn tập trung" vào châu Âu nhưng điều này đã thay đổi với tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á. Giờ đây, Mỹ nói họ đã "trở thành cường quốc Thái Bình Dương", theo ông Macron, có nghĩa là "chúng ta phải gánh vác nhiều hơn trách nhiệm bảo vệ chính mình".

Ông Johnson cho biết tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ bắt đầu chuyến đi đầu tiên của mình, vượt 20.000 hải lý đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và quay trở lại.

"Trên tàu sẽ có một phi đội tiêm kích F-35 từ Thủy quân lục chiến Mỹ; hộ tống tàu sẽ bao gồm một tàu khu trục của Mỹ, cho thấy cách lực lượng vũ trang của Anh, Mỹ và châu Âu có thể phối hợp chặt chẽ với nhau ở bất kỳ đâu trên thế giới", ông nói.

Bo Tu xuyen Dai Tay Duong manh nha truoc su troi day cua Trung Quoc anh 3

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Wikimedia Commons.

Nile Gardiner, giám đốc Trung tâm Tự do Margaret Thatcher thuộc tổ chức tư vấn Heritage Foundation có trụ sở tại Washington, nhận xét: "Boris Johnson đang nổi lên như nhà lãnh đạo quyền lực nhất của châu Âu trên trường thế giới, làm lu mờ Emmanuel Macron và Angela Merkel. Anh cũng sẽ trở thành lực lượng ngày càng quyết đoán trong kỷ nguyên Brexit, mạnh mẽ đứng lên chống lại Trung Quốc và Nga".

"Việc thủ tướng Anh dồn phần lớn trọng tâm vào việc tăng chi tiêu quốc phòng và hạ thủy tàu sân bay đẳng cấp thế giới thứ hai rất quan trọng", ông Gardiner nói. "Ngược lại, không có nhà lãnh đạo nào khác hôm nay tại hội nghị Munich nói về sức mạnh quân sự".

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, phát biểu tại cuộc họp G7 đầu tiên này, bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh họ.

"Lập trường cơ bản của Nhật Bản chính là chúng tôi kiên định với lập trường của mình và yêu cầu phía Trung Quốc có những hành động cụ thể", ông nói.

Ông Suga cũng nói về các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc làm sai lệch cơ chế thị trường và những lo ngại về sở hữu trí tuệ, đã được phản ánh trong tuyên bố chung.

"Với tư cách là các nhà lãnh đạo, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của nhau về các phương pháp tiếp cận tập thể để giải quyết các chính sách và thực tiễn không theo định hướng thị trường, và chúng tôi sẽ hợp tác với những người khác để giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng ảnh hưởng đến mọi quốc gia", ông nói.

Ông Biden: 'Nước Mỹ đã trở lại'

Trong phát biểu quan trọng đầu tiên với cộng đồng quốc tế, tổng thống Mỹ cho thấy rõ sự tương phản với người tiền nhiệm Donald Trump, chỉ ra các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Bộ Tứ muốn hợp tác với ASEAN trước áp lực từ Trung Quốc

Bộ trưởng ngoại giao bốn nước Bộ Tứ cam kết hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, với sự để mắt đến các hành động của Trung Quốc.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm