Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Huy. |
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm, cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ CMC, FPT… và đại diện một số Doanh nghiệp, Hiệp hội trong ngành TT&TT, một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Bộ TT&TT đã trình bày báo cáo về những hoạt động nổi bật trong quý III/2022 của Bộ TT&TT và các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong quý IV/2022 , đồng thời báo cáo về công tác giải quyết kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là đối tượng quản lý nhà nước của Bộ.
Chuyển đổi số để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã xác định, chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, dùng chuyển đổi số để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đưa công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng.
Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng, đối với bưu chính, chất lượng dịch vụ đang có xu thế suy giảm, cần phải chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Các công ty Bưu chính phải xác định trở thành công ty công nghệ, theo đó 10 - 20% chi phí và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Trong Chiến lược phát triển Bưu chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hạ tầng bưu chính là hạ tầng thiết yếu của quốc gia, đảm bảo dòng chảy vật chất.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý, thị trường bưu chính có dấu hiệu không lành mạnh. Trong Quý IV, Vụ Bưu chính và Thanh tra Bộ phải vào cuộc, làm rõ các vấn đề để có giải pháp; phải lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý vấn đề và phải làm ngay.
Về viễn thông, Bộ trưởng chỉ đạo, phải xử lý triệt để rác viễn thông để tạo ra sự phát triển mới của viễn thông. Việc xử lý rác viễn thông là trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông. Nếu để nhắc nhở thêm lần nữa, sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp này.
Về tần số vô tuyến điện, theo Bộ trưởng, đấu giá tần số là nhiệm vụ trọng tâm của Cục Tần số Vô tuyến điện và Cục trưởng Cục Tần số.
Đối với lĩnh vực Viễn thông, Bộ trưởng nhận định, lĩnh vực này có tín hiệu tốt là các doanh nghiệp viễn thông bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của hạ tầng điện toán đám mây và tăng cường đầu tư, làm chủ công nghệ. Bộ TT&TT xác định, “trung tâm dữ liệu” (data center) và “đám mây” là hạ tầng quan trọng nhất của hạ tầng số.
Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư lớn vào lĩnh vực này nhưng so với thế giới thì quy mô còn khá khiêm tốn. Bộ trưởng chỉ đạo, Cục Viễn thông phải tổ chức hội nghị bàn về phát triển data center của Việt Nam trong năm nay, đồng thời ra văn bản quy định rõ việc cấp phép cloud (đám mây).
Về việc các doanh nghiệp Việt Nam lập nhóm đầu tư cáp quang biển Việt Nam, hiện đã có các Tập đoàn Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, FPT sẵn sàng tham gia. Thứ trưởng Phạm Đức Long và Cục Viễn thông có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn đầu và đặt ra mục tiêu hoàn thành trước năm 2026. Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long lập lộ trình theo quý để Viễn thông Việt Nam lọt vào top 30 thế giới vào năm 2025.
Về chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo Cục chuyển đổi số quốc gia xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy xếp hạng chính phủ số lọt vào top 50 của thế giới. Triển khai chính phủ số liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, vì vậy phải lập kế hoạch toàn quốc để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện. Bộ TT&TT thực hiện đo lường, thúc đẩy chính phủ số tại Việt Nam.
Về kinh tế số, theo Bộ trưởng, phải đo lường chính xác, không đo được thì không thể thúc đẩy phát triển kinh tế số. Việc đo lường kinh tế số là nhiệm vụ quan trọng của Vụ Kinh tế số Xã hội số. Đưa người dân lên các nền tảng số Việt Nam thì phải đo lường xem mức độ sử dụng đã đạt yêu cầu hay chưa, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về An toàn thông tin, Bộ trưởng chỉ đạo, việc bảo vệ người dân trên không gian mạng đã trở nên rất cấp thiết. Cục An toàn thông tin phải lập kế hoạch hành động quốc gia về nội dung này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 10/2022. Để Việt Nam trở thành cường quốc không gian mạng cũng phải có kế hoạch tổng thể 5 năm. Cục An toàn thông tin cần phải có báo cáo đánh giá mức độ an toàn của người dân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như năng lực của các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam hàng quý.
Về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng chỉ đạo hoàn thành cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp công nghệ số ngay trong năm 2022 để thúc đẩy Make in Viet Nam. Với cơ sở dữ liệu này, có thể biết được doanh nghiệp công nghệ số làm gì và có thể làm gì.
Đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, Bộ trưởng chỉ đạo cần thanh kiểm tra và xử lý mạnh tồn tại của báo chí. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm trực tiếp chỉ đạo. Theo Bộ trưởng, báo chí phải phát triển nhưng là phát triển lành mạnh. Kiểm tra sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới cũng là một nhiệm vụ phải làm ngay. Chuyển đổi số báo chí, truyền thông, xuất bản phải rõ ràng, thể hiện bằng kế hoạch hành động.
Về hợp tác quốc tế, Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh thay đổi nhanh như hiện nay, điều quan trọng là mở cửa học hỏi bên ngoài, do đó, các đơn vị, các doanh nghiệp cần phải tăng cường, thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế của mình. Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Hợp tác quốc tế phải là đơn vị tổng chỉ huy các lực lượng hợp tác quốc tế và cần phải đổi mới cách làm. Cần phải có kế hoạch hợp tác quốc tế của Bộ, của Ngành.
Cuối cùng, Bộ trưởng chỉ đạo, hệ thống giám sát online của Bộ phải kết nối với các đối tượng quản lý thay vì báo cáo giấy để từ đó tổng hợp tạo ra bức tranh chung cho từng lĩnh vực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Huy. |
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế để chuyển đổi số doanh nghiệp
Trình bày tham luận kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi từ nhà mạng viễn thông thành công ty công nghệ số, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Triệu Minh Long cho biết, theo khảo sát của Bain&Company: Từ tháng 02 đến tháng 12/2020, viễn thông mang lại ít giá trị nhất cho cổ đông, so với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề khác. Vấn đề sống còn của các doanh nghiệp viễn thông là phải tái tạo, thay đổi để tồn tại, phải thay đổi mô hình tổ chức và có chiến lược phát triển mới, cơ cấu dịch vụ/sản phẩm mới.
Điển hình là Tập đoàn Viễn thông Hàn Quốc Korea Telecom đã xây dựng chiến lược 3 trụ cột, chuyển trọng tâm từ viễn thông sang AI (trí tuệ nhân tạo), dữ liệu lớn và điện toán đám mây; đẩy mạnh cung cấp các giải pháp chuyển đổi số; triển khai 8 mảng kinh doanh mới và thực hiện chuyển đổi từ nhà mạng viễn thông sang công ty công nghệ số. Đồng thời, phát triển không gian, tìm động lực tăng trưởng mới trên cơ sở hội tụ công nghệ ICT truyền thống và các nền tảng số, sản phẩm công nghiệp mới, cũng như tích hợp các khối kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của dịch vụ…
Ngoài ra, còn có các câu chuyện chuyển đổi sang doanh nghiệp công nghệ số thành công của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực viễn thông như NTT DoCoMo, KDDI (Nhật Bản), Telstra (Australia).
Từ kinh nghiệm của các nhà mạng viễn thông quốc tế được nêu trong tham luận của đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành TT&TT, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thực hiện chuyển đổi số chính doanh nghiệp của mình để quản trị doanh nghiệp tốt hơn, góp phần kiểm soát chất lượng dịch vụ để có thể phản ứng nhanh hơn, sáng tạo hơn.
Các doanh nghiệp viễn thông cần phải khẩn trương chuyển đổi toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số. Đây là việc cần làm đầu tiên, phải dùng chuyển đổi số để phục vụ khách hàng tốt hơn, để đạt năng suất lao động cao hơn. Đồng thời, doanh nghiệp viễn thông cần phải cung cấp platform, platform chính là hạ tầng, từ đó có thể phát triển thuê bao mới trên platform này.
Người đứng đầu ngành TT&TT lưu ý các công ty viễn thông cần chú trọng đến mảng dịch vụ IDC (Internet Data center). Trong lĩnh vực này, các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng 30%, các nước phát triển có tốc độ tăng trưởng 20-25%, Không có ngành nào có tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy. Tổng giá trị thị trường data center hiện gần bằng 50% thị trường viễn thông. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, tổng quy mô thị trường data center còn lớn hơn thị trường viễn thông. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã điều hành phiên trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ với các doanh nghiệp trong ngành và cơ quan báo chí.
Các câu hỏi của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề như: Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương, xây dựng các trạm phát sóng 5G, phát triển thị trường cloud trong nước, đánh giá về hiệu quả hoạt động của các Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương, đấu giá tần số, xử lý vi phạm bản quyền báo chí trên mạng xã hội... được lãnh đạo các Cục, Vụ, các Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, trao đổi trực tiếp, thẳng thắn tại Hội nghị, được đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành, lãnh đạo các cơ quan báo chí dự Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao.