Sau 45 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận về Luật Đất đai sửa đổi ngày 14/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết có đến 1/3 đại biểu quan tâm vấn đề định giá đất.
Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật khẳng định tài chính đất đai là vấn đề rất quan trọng. “Đây là một trong hai công cụ để thực hiện quản lý Nhà nước cũng như quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân, bao gồm việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai, đưa nguồn lực này vào phát triển kinh tế xã hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ về giá trị tài chính”, ông Hà nhấn mạnh.
Nhắc lại định giá đất là vấn đề then chốt, song Bộ trưởng Hà cũng thừa nhận định giá đất vẫn sai dù có 5 phương pháp định giá đất. Việc này có thể do “đầu vào không đúng”.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình các ý kiến liên quan dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Quốc hội. |
Dữ liệu đầu vào, theo ông Hà, là giá cả, thông tin bất động sản và những thông tin liên quan khác khác. Do đó, về lâu dài, Bộ trưởng TN&MT cho rằng phải xác định giá đất trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu.
“Khi có đầy đủ giá theo thị trường sẽ có phương pháp xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, từ đó xác định được giá đất, khắc phục bất cập hiện nay", ông Hà khẳng định.
Từ việc xác định được giá đất, ông Hà cho biết sẽ đảm bảo trách nhiệm đóng góp về tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể và công khai giá đất cụ thể.
Ông khẳng định người dân có thể hoàn toàn thông qua cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính, số hóa đất đai và việc công khai để tiếp cận giá đất. "Nếu làm được những việc đó thì giá đất ai cũng biết nhưng không ai can thiệp được vì đó là giá thị trường”, ông Hà nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc này phải đi kèm điều kiện người dân tự nguyện đăng ký, khai bằng giá thật thay vì giá hợp đồng.
Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật khẳng định vấn đề tài chính đất đai nếu giải quyết được cũng sẽ tránh được lãng phí, đầu cơ, thổi giá; điều tiết hài hòa mối quan hệ hợp tác giữa các bên.
Liên quan tới vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Hà cho rằng việc Nhà nước thu hồi để đấu thầu, đấu giá có nhiều lợi ích là đảm bảo công bằng, đảm bảo chính sách đền bù, đảm bảo điều tiết chênh lệch địa tô.
“Những khu vực này chắc chắn chuyển mục đích nên giá trị sẽ tăng lên, Nhà nước phải quản lý. Quan trọng nhất ở đây là hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp", ông Hà nói.
Với vấn đề tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng TN&MT khẳng định hiện nay không hạn chế tự thỏa thuận với đất không chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhà nước chỉ can thiệp để đảm bảo chính sách về giá, bảo đảm lợi ích cho người dân phải công bằng, minh bạch.
Ông Hà thừa nhận khó khăn nhất là làm sao xác định điều kiện tiêu chí, do đó sắp tới tiếp tục nghiên cứu và mong các đại biểu Quốc hội “hiến kế” để lượng hoá các tiêu chí cụ thể về thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất.
Về vấn đề quy hoạch đất, ông Hà nói không kỳ vọng quy hoạch đất đai thay thế tất cả, nhưng sẽ tạo khung quản lý đối tượng cần bảo tồn, bảo vệ như khu vực di sản, hạ tầng giao thông cứng. Với khu vực “động” như khu đô thị, thương mại, dịch vụ, Bộ trưởng cho rằng nên cố gắng tận dụng phát triển.
Để bảo đảm nguồn lực đất đai, Bộ trưởng TN&MT khẳng định sẽ không đấu thầu, đấu giá khi chưa có ý tưởng quy hoạch tốt, không có tầm nhìn không gian hay chưa quy hoạch chi tiết.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.