Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Phạm Thắng. |
Sáng 9/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 về nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhắc đến đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung dự toán NSNN năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền hơn 14.700 tỷ đồng, trong đó phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19 là hơn 11.000 tỷ.
Theo ông, việc “chi trước, quyết toán sau” là chưa đúng quy định luật ngân sách. Song do dịch diễn biến phức tạp, ngân sách khó khăn trong khi rất cần chi phòng chống dịch, nên việc bổ sung dự toán chi cần thiết. Lưu ý đây là nguồn hỗ trợ không hoàn lại của nước ngoài, ông Hòa nói vấn đề này rất đáng quan tâm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: Phạm Thắng. |
Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhắc đến việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn hơn 5.000 tỷ đồng kinh phí phòng dịch 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách 2022, hay việc điều chuyển vốn vay lại của các địa phương cũng được Bộ Tài chính tổng hợp rất chậm.
“Công tác quản lý chức năng các Vụ của Bộ Tài chính thế nào? Tôi thấy cũng lạ, từng đơn vị quản lý từng lĩnh vực thì sao lại chậm trễ thế này?”, ông Hạ đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình thêm.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về việc bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán nhưng thực tế đã chi những khoản này.
Ông Phớc giải thích khoản viện trợ nước ngoài là khoản không có dự toán trước, chỉ khi có biến động, các tổ chức mới tài trợ và thông báo, lúc đó Bộ mới báo cho địa phương, hoặc các khoản viện trợ này họ tài trợ trực tiếp địa phương. Vì thế, các khoản tài trợ này thường nhỏ lẻ, bất thường và không có dự toán từ trước.
Trong giai đoạn 2021-2022, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh đặc thù về chống dịch với các chủ trương như tài trợ kit test, vaccine và tài trợ trực tiếp địa phương (TP.HCM, Hà Nội…), các địa phương tiếp nhận phục vụ chống dịch rồi thì mới tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính.
“Việc làm này nhiều đơn vị rất bị động. Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc”, ông Phớc nói.
Nhắc lại thời điểm đỉnh dịch, tại TP.HCM rất nhiều người chết, Bộ trưởng Tài chính cho biết theo quy định, phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục thì Tổng cục Hải quan mới được cho xuất hàng, thông quan.
Ông kể quy trình khi ấy, kit test, vaccine về, nhà tài trợ thông báo và Bộ trưởng Y tế tới nhận nhưng Cục Hải quan TP.HCM không cho nhận. Thứ trưởng Công an lên nhận, Bệnh viện Chợ Rẫy lên nhận cũng không được.
“Tôi phải gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, nói tôi sẽ chịu trách nhiệm, bây giờ dân chết phải cho Ban Chỉ đạo chống dịch nhận vaccine, kit test, nhưng ông này cũng không đồng ý cho xuất hàng. Lúc đó tôi yêu cầu nếu không cho xuất hàng thì ‘trả chức’ lại cho Bộ và tự chịu trách nhiệm. Lúc này Cục Hải quan TP.HCM mới đồng ý cho xuất hàng, cho Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận”, Bộ trưởng Tài chính kể.
Dù có rủi ro nếu hàng cho xuất đi mà sau không quyết toán đầy đủ sẽ bị truy trách nhiệm, ông Phớc tái khẳng định có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho xuất hàng trước, hoàn thành thủ tục sau.
Qua câu chuyện đã kể, ông Phớc mong đại biểu thông cảm và khẳng định Bộ Tài chính luôn chủ động trong phạm vi của mình, còn những tình huống, hoàn cảnh chưa dự báo được thì phải “rất sáng tạo” trong bối cảnh như vậy. Ông giải thích phần xin bổ sung chủ yếu là phòng chống dịch.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.