Phóng viên quốc tế theo dõi bài phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ảnh: CT |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter là quan chức phát biểu đầu tiên trong ngày làm việc 4/6 tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La, với chủ đề trọng tâm là "Những thách thức từ tình hình an ninh phức tạp ở châu Á".
Phát biểu trước hàng chục quan chức quốc phòng các nước, Bộ trưởng Carter cho biết Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc. Tuy nhiên, các hành động bành trướng của Trung Quốc khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo lắng, tạo nên một sự lo ngại chung.
"Các nước này đều đưa ra phản ứng trước các hành động của Trung Quốc, dù công khai tại các hội nghị hay ở hậu trường. Qua đó, Trung Quốc đang tự cô lập chính mình", ông Carter nhấn mạnh.
Bộ trưởng Carter lặp lại quan điểm Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp, nhưng sẽ phối hợp cùng các nước để duy trì một trật tự khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế. "Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay qua những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép, và các nước cũng có quyền tương tự", ông Carter nói.
Trung Quốc gây bất ổn khu vực
Chuyên gia Bonnie Glasser (Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, CSIS, Mỹ) đề nghị Bộ trưởng Carter bình luận về những thông tin Trung Quốc định xây dựng đường băng ở bãi cạn Scarborough. Đây là bãi cạn rất gần Philippines mà Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ nếu hành động này thực sự diễn ra, "đó là một sự khiêu khích và gây bất ổn trong khu vực". "Họ sẽ càng tự cô lập chính mình. Dù Trung Quốc hành động như thế nào, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện quyền tự do đi lại. Trong khi đó, các quốc gia vì lo ngại hành động của Trung Quốc sẽ ngày càng muốn hợp tác với Mỹ hơn", ông Carter trả lời.
Theo ông Carter, cách để Trung Quốc thoát khỏi sự cô lập chính là tôn trọng và tuân thủ phán quyết trong vụ kiện do Philippines đưa ra, mà Toà án Trọng tài Thường trực sắp công bố. "Đây là cơ hội lớn để các nước liên quan hợp tác cùng nhau để đưa ra các giải pháp, qua đó không nước nào bị cô lập bởi bên nào", ông nói.
Một học giả Trung Quốc tỏ ý không đồng tình với Bộ trưởng Carter khi cho rằng, "bất đồng về Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị 'thổi phồng', trong khi 2 nước có những hợp tác khác quan trọng hơn". Ông này cũng chất vấn Bộ trưởng Carter rằng, vì sao các nước khác cũng bồi lấp và xây dựng ở những đảo trên Biển Đông, mà chỉ mỗi Trung Quốc bị chỉ trích?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần 15. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Mỹ khẳng định quan điểm của Washington là ủng hộ pháp quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế. "Chúng tôi không tập trung vào Trung Quốc, chúng tôi tập trung về các nguyên tắc. Mỹ không đứng về phe nào, chúng tôi đứng về phía các nguyên tắc", người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định.
Theo ông Carter, đúng là không chỉ mỗi Trung Quốc xây dựng và bồi lấp, nhưng tốc độ và quy mô các hoạt động này của Trung Quốc vượt xa những nước khác rất nhiều lần. Những hành động này đi ngược lại với tinh thần "trỗi dậy hoà bình nhưng không đe dọa hay gây lo ngại cho nước khác" mà Bắc Kinh luôn nhấn mạnh.
Trấn an châu Á
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Carter trấn an các nước về cam kết của Mỹ với khu vực. Ông nói những căng thẳng ở Biển Đông, chương trình hạt nhân Triều Tiên và bạo lực cực đoan đã đe doạ hoà bình khu vực, buộc các lãnh đạo phải phối hợp cùng nhau để bảo đảm một tương lai tích cực và tuân thủ nguyên tắc.
Ông cam kết Mỹ sẽ không rút dần sự hiện diện ở châu Á vì “khu vực này chiếm gần một nửa dân số và kinh tế thế giới, một trong những nơi quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”.
Ông Carter nhắc lại những hợp tác quan trọng giữa Mỹ và ASEAN, như hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và ASEAN ở Sunnyland hồi tháng 2, Thoả thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) giữa Mỹ và Philippines, Mỹ đã bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, và Mỹ sẽ cùng Lào tổ chức hội nghị bộ trưởng quốc phòng vào tháng 9 này.
Bộ trưởng Carter nêu rõ Mỹ và nhiều quốc gia châu Á đang tăng cường hợp tá an ninh để bảo đảm họ toàn quyền chọn lựa “mà không bị đe doạ hay cưỡng ép”.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cảnh báo “những hành động bành trướng và chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc” khi quyết liệt theo đuổi tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, không gian mạng… khiến nhiều nước lo ngại về các ý đồ chiến lược của Bắc Kinh.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, hay còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La (SLD), là diễn đàn an ninh liên chính phủ được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và chính phủ Singapore tổ chức hàng năm. Diễn đàn được đặt theo tên khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi sự kiện diễn ra.
Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 đến nay, Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn về an ninh, quốc phòng lớn nhất châu Á, quy tụ sự tham gia của các phái đoàn quân sự cấp cao và bộ trưởng quốc phòng từ 28 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.