Trao đổi với Zing.vn bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, hay Đối thoại Shangri-La, giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) chia sẻ một số quan điểm về những điểm nhấn chính tại diễn đàn năm nay.
Thủ tướng Thái Lan phát biểu khai mạc
Giáo sư Thayer nói ông ngạc nhiên với sự lựa chọn này của ban tổ chức là Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), vì ông chính là người đứng đầu của chính quyền quân sự đã lật đổ chính phủ dân sự trước đây của Thái Lan.
“Dù ASEAN có chính sách không can thiệp vào chuyện nội bộ của mỗi nước, một nguyên tắc chung mà các nước đã thống nhất là thúc đẩy dân chủ. Sự đảo chính ở Thái Lan là một bước lùi trong diễn tiến này”, giáo sư Thayer nói.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: AFP |
Theo nhà nghiên cứu từ Australia, một trong những lý do chính mà IISS muốn mời thủ tướng Thái Lan có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, để ông giải thích rõ về những điều mà giới quan sát quan tâm, như hiến pháp mới của Thái Lan sẽ như thế nào, việc hàn gắn, gắn kết với các phe phái, và cuộc bầu cử trong tương lai sẽ được tổ chức ra sao.
"Việc mời thủ tướng cũng là dịp để ông đối diện với các quan chức quốc phòng khu vực, hàng trăm học giả và phóng viên nước ngoài có mối quan ngại chung về tình hình ở Thái Lan. Như vậy, ít nhất là ông sẽ nắm bắt và cảm nhận mức độ quan tâm của quốc tế về Thái Lan", giáo sư Thayer nói.
Trung Quốc dọa lập Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông
Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La, nguồn tin thân cận quân đội Trung Quốc ngày 1/6 nói nước này đã sẵn sàng công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và sự hiện diện của Mỹ là cơ hội tốt để Bắc Kinh hiện thực hóa ADIZ.
Theo giáo sư Thayer, từ trước đến nay, Trung Quốc luôn thực hiện chiến thuật ở 3 mặt trận: pháp lý, thông tin và tâm lý. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc “tung tin” rằng họ có quyền và sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, "thực tế là Trung Quốc chưa có đủ năng lực để thực thi kiểm soát đối với ADIZ ở đây", ông nói.
Theo giáo sư Thayer, Trung Quốc nêu lại vấn đề này gần đây, vì nước này đang đối mặt với một cuộc vận động quy mô quốc tế về phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra đối với vụ kiện của Philippines.
Binh sĩ canh gác bên ngoài khách sạn Shangri-La. Ảnh: AFP |
"Bắc Kinh như muốn nói rằng 'Chúng tôi đã có một số nước như Fiji, Afghanistan… ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông. Chúng tôi sẽ thiết lập ADIZ đấy, hãy coi chừng. Nếu các nước, bao gồm Mỹ có các hành vi khiêu khích hoặc động thái quân sự, Bắc Kinh buộc phải hành động để tự vệ”, giáo sư Thayer nói. Đây chính là một chiến thuật trong mặt trận thông tin của Trung Quốc.
Quan điểm các bên về phán quyết vụ kiện của Philippines
Giáo sư Thayer dự đoán, năm nay các trưởng đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục nêu những ý chất vấn, phản biện và chỉ trích lẫn nhau. Cả 2 bên sẽ đều cáo buộc phía còn lại chính là “mối quan ngại lớn nhất” với tình hình khu vực.
Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của toà PCA và không tiếp tục quân sự hoá ở Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng sẽ chỉ trích rằng Mỹ mới là bên đang tiến hành quân sự hoá, phủ nhận vai trò của toà án quốc tế…
Do vậy, "về cơ bản tôi nghĩ vẫn sẽ có một số “đụng độ”, mỗi bên sẽ kiên quyết bảo vệ cho lập trường của mình, nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn bị cho là hung hăng hay mạnh mẽ thái quá, áp đặt đối với bên còn lại", ông nói.
Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, đây là lần thứ 2 ông dự Đối thoại Shangri-La trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Obama sắp mãn nhiệm kỳ, trong khi dư luận thế giới quan ngại trước những phát biểu của ứng viên tổng thống Donald Trump sẽ đảo ngược hoàn toàn các chính sách của ông Obama.
"Do vậy, trong bài phát biểu của mình, tôi nghĩ ông Carter sẽ hướng đến trấn an các nước trong khu vực về những cam kết của Mỹ đối với châu Á", ông Thayer nói.