Trả lời câu hỏi phóng viên về phái đoàn Việt Nam dự Đối thoại Shangri-La và cách thức đề cập tới vấn đề Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Thứ trưởng Nguyễn chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn ra ở Singapore từ ngày 3 - 5/6.
Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Tiền Phong |
"Tôi tin rằng, quan điểm rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông sẽ được nêu ra như lâu nay", ông Lê Hải Bình chia sẻ.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 kéo dài tới ngày 5/6 tại khách sạn cùng tên. Diễn đàn an ninh năm nay có sự tham dự của quan chức quốc phòng các nước, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter.
Theo dự kiến, tranh chấp trên Biển Đông sẽ là tâm điểm của chương trình nghị sự dự kiến kéo dài 3 ngày. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.
Ngoài việc tranh luận về những vấn đề an ninh toàn cầu, Đối thoại Shangri-La còn góp phần phản ánh mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo thông lệ, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có bài phát biểu trong ngày đầu tiên. Một vị tướng cấp cao của Trung Quốc, thường là phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ nói chuyện vào ngày thứ hai. Trong diễn đàn năm nay, Biển Đông được nhận định là vấn đề nóng bỏng sau hàng loạt diễn biến trên thực địa.
Giới quan sát cho rằng, Đối thoại Shangri-La là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines.
Theo đó, Mỹ sẽ nỗ lực thuyết phục các nước Đông Nam Á và những quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản, công khai ủng hộ một phán quyết có lợi cho Philippines. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tìm cách vận động các nước không nên đưa ra quan điểm công khai.