SCMP dẫn nguồn tin thân cận với Quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã sẵn sàng thiết lập ADIZ ở Biển Đông, hai năm sau khi công bố điều tương tự ở biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh và Tokyo tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát.
Đảo nhân tạo phi pháp trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tạo cơ sở cho Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Tuy nhiên, thời điểm Trung Quốc công bố ADIZ trên Biển Đông phụ thuộc vào diễn biến trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự và ngoại giao của Mỹ với các nước Đông Nam Á. "Nếu quân đội Mỹ tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm khiêu khích và thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, Bắc Kinh sẽ có cái cớ để triển khai ADIZ ở biển Đông", nguồn tin của SCMP cho hay.
Trong văn bản trả lời SCMP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang ngược khẳng định quyền của một nước có chủ quyền là thiết lập ADIZ. “Tuyên bố thành lập ADIZ phụ thuộc vào việc Trung Quốc đang phải đối mặt với những nguy cơ nào trên không và cấp độ của những mối đe dọa đó”.
Tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc được đưa ra ngay trước thời điểm Đối thoại Shangri-la khai mạc tại Singapore ngày 2/6. Đối thoại Shangri-la lần thứ 15 kéo dài tới ngày 5/6 tại khách sạn cùng tên. Diễn đàn an ninh năm nay có sự tham dự của quan chức quốc phòng các nước, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Theo dự kiến, tranh chấp trên Biển Đông sẽ là tâm điểm của chương trình nghị sự dự kiến kéo dài 3 ngày. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la.
Ngoài việc tranh luận về những vấn đề an ninh toàn cầu, Đối thoại Shangri-la còn góp phần phản ánh mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu thế giới. Theo thông lệ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có bài nói chuyện trong ngày đầu tiên. Một vị tướng cấp cao của Trung Quốc, thường là phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ nói chuyện vào ngày thứ hai. Trong diễn đàn năm nay, Biển Đông được nhận định là vấn đề nóng bỏng sau hàng loạt diễn biến trên thực địa.
Theo Tạp chí Quốc phòng Kanwa của Canada, Trung Quốc đã xác định khu vực lập ADIZ ở Biển Đông và thời điểm công bố sẽ là một quyết định chính trị. Cụ thể, ADIZ của Trung Quốc sẽ dựa trên vùng đặc quyền kinh tế của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 7 đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi lấp trên các thực thể chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các thực thể Trung Quốc bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể trở thành bàn đạp để nước này thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Đồ họa: WSJ |
Tờ Kanwa nhận định: “ADIZ của Trung Quốc sẽ bao trùm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia”. Trong khi đó, Ni Lexiong, chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, Trung Quốc cũng cho rằng 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa là cơ sở để Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Trong một diễn biến khác, Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) sắp đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhiều nhà phân tích nhận định, đây sẽ là kết quả bất lợi cho phía Trung Quốc. Tuy nhiên, những gì Bắc Kinh đang thể hiện cho thấy Trung Quốc sẵn sàng phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, kể cả những vùng gần các nước láng giềng ở Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trọng tâm trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là những chiến dịch bồi lấp đảo. Bắc Kinh đang nỗ lực biến những đảo nhỏ, bãi đá và các thực thể khác trên biển thành cơ sở quân sự.
Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi lấp trái phép 1.295 hecta trên 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, từ năm 2014 tới nay, Bắc Kinh biến Đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo có chiều dài hơn 3 km, xây đường băng và đưa máy bay dân sự, quân sự đến đây.
Mỹ luôn khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế. Lầu Năm Góc đã thực hiện nhiều hành động "tự do hàng hải" bằng cách điều tàu và phi cơ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp. Những hành động đó khiến Bắc Kinh tức giận. Họ cáo buộc Washington khiêu khích và cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông.