Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: Amusingplanet.com |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo China Daily, Tiêu Kiệt, người đứng đầu cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nói rằng Bắc Kinh muốn biến "thành phố Tam Sa" thành khu nghỉ dưỡng thơ mộng như quần đảo Maldives.
“Chúng tôi sẽ phát triển một số đảo và bãi đá thành khu du lịch để phục vụ một số đối tượng du khách. Đó là những đảo và bãi đá không cần sự hiện diện quân sự”, ông Tiêu nói.
Ông này cũng tiết lộ rằng du khách có thể tận hưởng dịch vụ tham quan bằng phi cơ, tổ chức đám cưới, câu cá và lặn. “Sự xuất hiện của du khách sẽ thúc đẩy nhu cầu lặn và lướt sóng”, Tiêu nhận định.
Theo ông Tiêu, giá vé lên tàu khá phải chăng - chỉ từ 610 tới 760 USD - nên mua vé không phải việc dễ dàng. "Thị trưởng Tam Sa" ngạo mạn tuyên bố những chuyến tham quan đảo khá vất vả nên chúng chỉ dành cho "những người thích khám phá và có tinh thần yêu nước".
Các chuyến tàu đưa du khách Trung Quốc ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2013. Trong năm ngoái, 65 chuyến tàu đã tới đây, mang theo khoảng 16.000 người. China Daily cho biết, các chuyến tham quan tiếp theo sẽ diễn ra trong tương lai gần. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ thực hiện những chuyến bay thường xuyên tới đảo Hải Nam và ông Tiêu hy vọng chính phủ sẽ mở đường bay thẳng từ Bắc Kinh.
Bài báo của China Daily không nói Bắc Kinh cho phép người nước ngoài tham quan các đảo hay không. Hiện tại chỉ những công dân Trung Quốc được phép tới các đảo.
Vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên bản đồ. Ảnh: The Wall Street Journal |
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, kể cả những vùng gần các nước láng giềng ở Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trọng tâm trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là những chiến dịch bồi lấp đảo. Bắc Kinh đang nỗ lực biến những đảo nhỏ, bãi đá và các thực thể khác trên biển thành cơ sở quân sự.
Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi lấp trái phép 1.295 hecta trên 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, từ năm 2014 tới nay, Bắc Kinh biến Đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo có chiều dài hơn 3 km, xây đường băng và đưa máy bay dân sự, quân sự đến đây.
Mỹ luôn khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế. Lầu Năm Góc đã thực hiện nhiều hành động "tự do hàng hải" bằng cách điều tàu và phi cơ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp. Những hành động đó khiến Bắc Kinh tức giận. Họ cáo buộc Washington khiêu khích và cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" từ năm 2012 để quản lý một khu vực tranh chấp chủ quyền có diện tích 2 triệu km2 trên biển. Theo phân cấp hành chính của Trung Quốc, Tam Sa là thành phố thuộc tỉnh Hải Nam và "chính quyền" của nó nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Tiêu Kiệt cho biết, khoảng 30.000 du khách đã thăm quần đảo Hoàng Sa trong 3 năm qua.