Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 thách thức về chính sách châu Á chờ đợi tân tổng thống Mỹ

Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, thúc đẩy liên kết Mỹ - ASEAN hay điều tiết quan hệ với Trung Quốc là 3 trong số 7 thách thức về chính sách châu Á chờ đợi tân tổng thống Mỹ.

Châu Á chào đón chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng, dù là thành viên đảng Cộng hòa hay Dân chủ, với tâm thế rất khác so với 5 năm trước, khi ông Barack Obama nhậm chức năm 2011 và lần đầu công bố chiến lược xoay trục sang châu Á. Nhiều khả năng cựu ngoại trưởng Hillary Clinton với những kinh nghiệm trên chính trường sẽ đối đầu với "kẻ ngoại đạo" Donald Trump trong chặng đua gay cấn cuối cùng tới Nhà Trắng.

Theo Straits Times, thách thức đối với tổng thống Mỹ kế tiếp là phải tìm cách duy trì quỹ đạo của Obama trong những năm qua mà vẫn tập trung vào những điểm nóng khác.

TPP

Tháng 10/2015, 12 quốc gia đạt thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đánh dấu kết thúc quá trình đàm phán gần 10 năm. TPP đang chờ được cơ quan lập pháp mỗi nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, khả năng hiệp định này được thông qua ở Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu trường hợp đó xảy ra, đây được coi là  “thảm họa” ngoại giao và kinh tế đối với Washington.

chinh sach chau A cua tan tong thong My anh 1

Cả bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều không ủng hộ TPP, trong khi hai người hiện là ứng viên tiềm năng cho cuộc chạy đua cuối cùng vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới. 

 Ảnh: AFP

Lý do để Tổng thống Obama vận động hành lang Quốc hội thông qua TPP là thỏa thuận cho phép Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, viết nên các luật lệ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng nó còn có tác dụng hơn thế.

Thất bại trong việc truyền thông điệp mà chính quyền liên tục khẳng định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao sẽ làm tổn hại tới uy tín của Mỹ trong khu vực. Điều này cũng làm suy yếu bàn đạp kinh tế của chính sách tái cân bằng. Khi đó, người ta chỉ thấy bóng dáng nước Mỹ trong các hoạt động quân sự.

“TPP có thể là tài sản lớn nhất dành cho tổng thống kế tiếp khi nỗ lực can dự vào khu vực”, tiến sĩ Patrick Cronin thuộc Trung tâm về nền An ninh mới của Mỹ, nhận định. “Chúng ta vẫn có thể giành được nếu nó (TPP) không được thông qua trong năm nay. Nhưng chúng ta sẽ phải bắt đầu lại từ đầu”, ông Cronin nói.

Biển Đông

Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông luôn là một trong những vấn đề khiến giới chức Washington phải đau đầu.

Mỹ từ lâu khẳng định sự quan tâm tới vấn đề Biển Đông đơn giản là nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không. Washington nhiều lần điều máy bay và tàu chiến thực hiện các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi lấp trái phép.

chinh sach chau A cua tan tong thong My anh 2

Chiến hạm Trung Quốc đuổi theo tàu chiến Mỹ đang tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: CNN

Trong khi phần lớn nhà phân tích muốn thấy Mỹ duy trì các hoạt động đó, họ cũng cảnh báo chính quyền tương lai cần phải xem xét 3 kịch bản trên Biển Đông. Chúng bao gồm: Trung Quốc đẩy ngược diễn giải về hoạt động giám sát và tự do hàng hải mà Mỹ thực hiện trên Biển Đông; Trung Quốc gây sự với các nước láng giềng có tranh chấp trên biển; thỏa thuận hoặc đề nghị ngoại giao từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới thái độ đón tiếp của các nước đối với Mỹ.

ASEAN

ASEAN luôn là một thành phần quan trọng trong chính sách tái cân bằng của Mỹ và sẽ là thách thức đối với tổng thống thứ 45. Đông Nam Á thường bị “bỏ qua” trước khi ông Obama cam kết dự các hội nghị thượng đỉnh ở khu vực này hàng năm.

Mỹ lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, California hồi tháng 2. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, tất cả nỗ lực trên có thể trở nên "công cốc" nếu chính quyền Mỹ sắp tới không nỗ lực gắn kết hơn với hiệp hội gồm 10 nước thành viên này.

Quan hệ Mỹ - Ấn 

Đây là điểm sáng trong chính sách châu Á hiện nay của Washington. Nhờ mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Narendra Modi, hầu hết các mặt trong mối quan hệ song phương đều phát triển.

chinh sach chau A cua tan tong thong My anh 3

Tổng thống Obama ngồi cạnh Thủ tướng Modi trên lễ đài và xem lễ diễu hành ở đại lộ Rajpath nhân Ngày Cộng hòa Ấn Độ hôm 26/1/2015. Ảnh: Reuters

Hai nhà lãnh đạo tiến hành nhiều chuyến thăm cấp nhà nước. Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên trở thành khách mời danh dự trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ hồi năm ngoái.

Về quốc phòng, dự luật được trình lên Thượng viện Mỹ gần đây đã tìm cách nâng Ấn Độ lên vị trí tương tự các đồng minh thân cận khác của Mỹ như Israel và các nước NATO. Một trong những vấn đề song phương đang gặp chút trở ngại là thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự bị đình trệ.

Quan hệ Mỹ - Trung

Đây là một trong số ít các khía cạnh trong chính sách châu Á của Washington không được cải thiện theo hướng tái cân bằng. Hai cường quốc đều nhận thấy sự cạnh tranh giữa họ ngày càng tăng cao, gồm nhiều vấn đề từ Biển Đông tới gián điệp mạng.

“Chính quyền Mỹ tương lai sẽ tiếp nhận thực tế này. Câu hỏi đặt ra là liệu cạnh tranh chiến lược như vậy có thể được quản lý theo cách hòa bình”, chuyên gia về Trung Quốc của Đại học George Washington, ông David Shambaugh, viết trong một báo cáo gần đây.

Ông Shambaugh lập luận rằng, cách tốt nhất để điều tiết mối quan hệ với Trung Quốc là thông qua các mối quan hệ thân cận của Mỹ trên toàn khu vực Ấn Độ Dương và châu Á, mà Trung Quốc là một phần trong đó.

Cả Mỹ và Trung Quốc cần tập trung vào các lĩnh vực chung vốn tạo nền tảng cho mối quan hệ, như thương mại song phương (Mỹ là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Trung Quốc) hay vấn đề biến đổi khí hậu.

Quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc

Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Á. Là các đồng minh theo hiệp ước, quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và hai nước này được đẩy mạnh. 54.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản và 28.500 lính ở Hàn Quốc.

chinh sach chau A cua tan tong thong My anh 4

Các tàu tấn công đổ bộ của Mỹ cùng các tàu thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản quy tụ tại căn cứ ở Sasebo, Nhật. Ảnh

: Navy.mil

 

Giới phân tích nhấn mạnh, Mỹ không nên nghĩ về việc đóng cửa các căn cứ, kể cả khi Mỹ muốn đồng minh của mình phải đóng góp nhiều hơn. Theo tiến sĩ Cronin, việc rút lui khỏi liên minh và gửi tín hiệu rằng Mỹ có thể không sẵn sàng bảo vệ các đồng minh sẽ gây ra bất ổn trong khu vực.

Đối phó Triều Tiên

Triều Tiên là một trong những dấu hỏi lớn ở châu Á. Khi tham vọng hạt nhân của Iran đang được kiểm soát trong khuôn khổ thỏa thuận quốc tế, thì Triều Tiên lại là một khẩu đại bác không bị kiểm soát.

Lãnh đạo Kim Jong Un liên tục củng cố quyền lực và ra lệnh thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa khiêu khích. Các nhà phân tích đang tranh cãi về điều mà Mỹ có thể làm để đối phó với Triều Tiên, ngoài việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Hàn Quốc. Một số đồng ý với biện pháp “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Obama trong khi người khác cho rằng Mỹ cần một chính sách cứng rắn hơn, trong đó không phụ thuộc vào động thái từ Bắc Kinh.

CSIS hiến kế để Mỹ xoay trục thành công sang châu Á

Tăng cường năng lực an ninh của đồng minh, gia tăng sự hiện diện quân sự là những việc Mỹ nên thực hiện để chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương, theo gợi ý của CSIS.

Việt Nam: điểm nhấn trong Tái cân bằng châu Á của Mỹ

Trong bàn tròn trực tuyến với Zing.vn, ba nhà quan sát hàng đầu nhận định chuyến thăm của Tổng thống Obama khẳng định tầm quan trọng của VN trong chính sách Tái cân bằng của Mỹ.

Hải Anh

(Theo Straits Times)

Bạn có thể quan tâm